Ngày nay, không khó để tìm thấy một ai đó có điểm xuất phát hơn mình. Họ có thể có điều kiện hơn con, xinh đẹp cao ráo hơn con, nhiều tài năng hơn con, bắt đầu học tiếng Anh hay định hướng tương lai sớm hơn, v.v….
Nhìn lại mình, đôi khi con cảm thấy như chẳng có gì trong tay, ngay cả sự chuẩn bị cho tương lai cũng sơ sài hơn người khác bao nhiêu. Dần dần con tuyệt vọng, cảm thấy dù có nỗ lực đến mấy thì cũng còn lâu mới bằng được điểm xuất phát của người ta.
Nếu một ngày nào đó, con nói với bố mẹ rằng “bố mẹ ơi, con nỗ lực mãi cũng chẳng thể bằng người ta đâu”, bố mẹ sẽ làm thế nào? RMIT xin mời gia đình cùng theo dõi bài viết hôm nay để tìm ra đáp án cho câu hỏi trên nhé!
Vạch đích của mỗi người không giống nhau.
Chẳng có khái niệm nào là “điểm xuất phát thấp” khi “vạch đích” của mỗi người đều khác nhau.
Marie Curie – nhà vật lý học, nhà hóa học Pháp gốc Ba Lan – nổi tiếng toàn thế giới về việc nghiên cứu chất phóng xạ. Bà đã phải nỗ lực và đánh đổi rất nhiều để chứng tỏ tài năng của bản thân vì thời đó chính phủ Ba Lan không nhận phụ nữ vào học đại học.
Một nhân vật khác chính là nhà văn, nhà hoạt động chính trị và giảng viên người Mỹ Helen Keller. Được biết bà là một người khiếm thị, khiếm thính. Song, bà đã vượt qua nghịch cảnh để trở thành người khuyết tật đầu tiên nhận được bằng Thạc sĩ Nghệ thuật.
Cả hai đều là những nữ cường nhân, biểu tượng của nữ quyền trên toàn thế giới. Tuy nhiên, xuất phát điểm và lộ trình của họ thì không hề giống nhau. Helen Keller không có đôi mắt có thể nhìn, hay đôi tai có thể nghe mà vẫn có thể viết ra những áng văn nổi tiếng. Và ngược lại, Marie Curie dù cũng viết văn và làm thơ, song bà vẫn chọn theo đuổi con đường nghiên cứu đến cuối cuộc đời.
Mục đích của họ vốn đã không giống nhau, không có vạch đích nào được vạch sẵn khi họ mới bắt đầu. Điều duy nhất mà họ có thể làm chính là trang bị cho mình những “hành trang đúng đắn” phù hợp với lộ trình của mình. Và con cũng vậy, thay vì phí hoài thời gian so đo với vạch đích của người khác, chi bằng hãy đi tìm và chinh phục những mục tiêu quan trọng với bản thân mình.
Ngoại cảnh không phải là nguyên nhân chính của thất bại
Chắc hẳn bố mẹ cũng đã từng nghe câu “Nếu muốn sẽ tìm cách, nếu không muốn sẽ tìm lý do” đúng không nào? Không phải lúc nào cuộc sống cũng suôn sẻ và chắc chắn sẽ có lúc con muốn thốt lên rằng: “Ôi sao cuộc đời mình xui xẻo thế nhỉ?”. Con có thể cảm thấy thoải mái hơn khi đổ lỗi cho 1 thế lực siêu nhiên nào đó, nhưng lâu dần con sẽ ỷ lại vào chính vận mệnh của mình. Và nếu con không kịp nhận ra điều đó, cuộc đời sẽ khó mà diễn ra theo cách con mong muốn được.
Trong cuộc sống, con sẽ có cho mình nhiều mục tiêu khác nhau. Sẽ có những cái thành công, có những cái thất bại, song ngoại cảnh chưa bao giờ là yếu tố quyết định. Một người bạn có thể học ở một trung tâm tiếng Anh đắt tiền hơn, với những giảng viên tốt, cơ sở vật chất “xịn sò” hơn. Con có thể không có điều kiện như vậy, nhưng cả 2 có một điểm chung là đều phải dành thời gian để học và luyện tập. Như vậy, thứ quyết định rằng con có học giỏi môn tiếng Anh hay không lại nằm ở tư chất và sự kiên trì, chứ chưa chắc đã phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường học tập.
Đồng ý rằng khi điều kiện sống của con chưa được bằng các bạn đồng trang lứa, con sẽ phải đánh đổi nhiều thời gian và công sức hơn họ. Thế nhưng đổi lại, con sẽ thấy thành công của bản thân đáng giá hơn rất nhiều khi mọi thứ là do chính tay con nắm lấy. Điểm xuất phát thấp thật ra không đáng sợ, thế nhưng giây phút con quyết định bỏ rơi chính bản thân mình, mới chính là giây phút con chính thức phải đối mặt với thất bại.
Để con tự tin ngay cả khi không sinh ra từ vạch đích
Con còn trẻ và chưa chắc đã hiểu được khái niệm “thành công” trong cuộc sống, thế nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con luôn tự tin ngay cả khi không sinh ra từ vạch đích bằng những cách đúng đắn.
Đầu tư vào giáo dục
Đầu tư vào giáo dục là điều đầu tiên và quan trọng nhất mà các bậc phụ huynh nên làm cho con. Bởi nền giáo dục tốt giúp con mở mang tầm mắt về thế giới, và con sẽ được trang bị những hành trang cần thiết để xử lý các tình huống trong cuộc sống. Cha mẹ cũng nên cân nhắc về việc chi tiêu vào giáo dục bao nhiêu là đủ, bởi cho dù đây là khoản đầu tư “không bao giờ lỗ” nhưng cũng cần phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình.
Cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng là một sáng kiến. Ngoài việc giúp con hình thành thói quen giúp đỡ người khác, con sẽ từ từ hiểu được rằng tất cả mọi người đều không có chung một điểm xuất phát. Dù con là ai đi chăng nữa thì cũng phải tự mình chống chọi với sự khắc nghiệt của cuộc sống. Và con đường đó sẽ không bao giờ chỉ có mình con, mà còn rất nhiều người đang cùng nắm tay nhau vươn lên nữa.
Cuối cùng, tình yêu thương và quan tâm đúng cách từ cha mẹ luôn là chìa khóa để con mở ra lối đi cho sự thành công của mình. Điều tưởng chừng như đơn giản này lại chính là bước đệm giúp con đi xa nhất trên hành trình trưởng thành. Con sẽ dần cảm nhận được rằng mình thật may mắn biết bao khi luôn có gia đình làm chỗ dựa, là nơi luôn chấp nhận con người thật của con dù con thành công hay thất bại.
👉 Đọc thêm các bài viết hay về Nuôi dạy con tại đây
Con “không hoàn hảo” không đồng nghĩa với con “không cố gắng”
Làm bạn khi con trao đổi việc học, làm cha mẹ khi con cái xin đi chơi