Đâu đó trong cuộc sống, chúng ta bắt gặp những tình huống thế này: một bạn trẻ muốn thuyết trình tốt nhưng ngại nói trước đám đông, một bạn khác có sở trường ca hát nhưng chỉ dám âm thầm hát ở nhà dù khao khát đứng trên sân khấu lớn, một sinh viên ngành du lịch có đam mê với thiết kế đồ họa, nhưng không nỡ từ bỏ mấy năm học đại học để theo một con đường hoàn toàn mới… Đây chính là sự e ngại bước ra khỏi vùng an toàn mà các chuyên gia tâm lý thường nói tới.
Nên ở lại trong vòng an toàn hay bước ra ngoài? Thoát khỏi vùng an toàn có những lợi ích và rủi ro ra sao? Làm thế nào để thành công bước ra khỏi vùng an toàn? Những câu hỏi này không của riêng ai, cũng không phân biệt lứa tuổi. Vì thế RMIT mời các phụ huynh và các bạn trẻ cùng tham khảo 1 số thông tin về chủ đề này và rút ra điều gì đó hữu ích cho mình. Chúng tôi mong sẽ có nhiều thanh thiếu niên đọc được bài viết, để tiếp thêm cho các bạn nguồn động lực phát triển bản thân.
🌱 Thế giới rất rộng lớn bên ngoài vùng an toàn của mỗi người
Mỗi chúng ta đều sở hữu một “vùng an toàn” – khái niệm mô tả trạng thái tâm lý, cảm xúc, ứng xử quen thuộc hàng ngày của ta. Vùng an toàn cho ta cảm giác thân thuộc, ổn định và bình yên. Tuy nhiên, ổn định không phải lúc nào cũng tốt. Bên ngoài vùng an toàn tồn tại những bất định nhưng cũng đồng nghĩa với những thách thức và cơ hội tạo điều kiện cho sự phát triển.
Biểu đồ trong hình miêu tả lộ trình một người bước ra khỏi vòng an toàn như thế nào.

Thông thường, khi hình thành ý định làm điều gì đó mới mẻ, cảm giác đầu tiên của chúng ta luôn là bất an, lo lắng. Trong vùng bất an, chúng ta sẽ sợ thất bại, sợ bị từ chối, sợ bị tổn thương, hoặc ngại thay đổi cảm giác dễ chịu của bản thân từ trước đến giờ. Vì thiếu tự tin, nên ta tìm lý do để trì hoãn hay từ chối… Nhưng nếu vượt qua được nỗi sợ hãi và những rào cản tâm lý của vùng này, ta sẽ bước vào vùng học tập.
Vùng học tập là nơi chúng ta hấp thụ những tư tưởng mới, cách làm mới, trui rèn kỹ năng mới, học cách xử lý các vấn đề khó khăn. Càng học hỏi, ta sẽ càng tự tin vào bản thân. Chính vào lúc này chúng ta đã mở rộng vùng an toàn của mình và tiếp tục tiến vào vùng phát triển. Tại đó, ta có những chiêm nghiệm, giác ngộ ở cấp độ cao hơn, ta sẽ có thể có những ước mơ mới, thiết lập các mục tiêu và giới hạn mới cho cuộc sống và công việc. Khi quá trình này diễn ra liên tục, ta không ngừng tiến gần đến đích đến mà bản thân đã đặt ra.
Bạn thấy đấy, vùng an toàn như cái tổ kén êm ấm và dễ chịu, nhưng nếu cứ ở yên trong đó bạn có khả năng sẽ bỏ qua nhiều thứ: những trải nghiệm, cảm xúc, mối quan hệ mới, có thử thách, có rủi ro và đương nhiên có cả thành công. Bên ngoài đó còn có thể là những thứ bạn chưa từng khám phá về bản thân mình để cuộc sống trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
🌱 Ra khỏi vùng an toàn bạn gặt hái được gì?
Điều đầu tiên bạn nhận ra chính là những sợ hãi và rào cản ban đầu chỉ là tưởng tượng. Khi những vấn đề bạn tưởng rằng bất khả thi hóa ra lại được giải quyết nhanh gọn, bạn tự tin và thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều. Bạn có thể thấy ngạc nhiên vì những chuyển biến của mình, đôi khi bạn nuối tiếc rằng bạn đã không làm vậy sớm hơn.
Bạn có động lực và niềm tin để đương đầu với những thử thách mới.
Bạn có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn về bản thân, điểm mạnh và điểm yếu của mình như thế nào, nhu cầu và kỳ vọng của mình ra sao, và bạn biết cần phải làm gì để đạt được điều đó.
Bạn thậm chí còn có thể truyền cảm hứng cho người khác để họ cũng thay đổi tích cực như bạn.
🌱 Bạn có thể sẽ nói: “tuyệt quá, vậy tôi sẽ thay đổi ngay!”?
Gượm đã!
Nếu bạn chưa từng biết bơi, đừng dại dột nhảy xuống hồ và kỳ vọng bản năng sẽ mách bảo cách sinh tồn dưới nước. Thay vào đó, bạn sẽ đuối nước và có khả năng sợ nước cả phần đời còn lại.
Vậy thì, hãy ghi nhớ những điều sau đây khi bạn muốn thoát ra hay mở rộng vùng an toàn của mình.
Đừng làm gì thiếu sự chuẩn bị. Xây dựng một nền tảng vững chắc về kiến thức, thể lực, tâm lý… giúp bạn có thêm công cụ để dấn thân vào những thứ mới mẻ.
👉 Đọc thêm các bài viết về Hướng nghiệp tại ĐÂY
👉 Tìm hiểu thêm về Đại học RMIT tại ĐÂY