Vì sao tuổi teen “ẩm ương”? Lý giải từ góc độ phát triển não bộ ở tuổi vị thành niên

Có lẽ hiếm có giai đoạn phát triển nào của con có thể khiến các bậc cha mẹ “phát sốt” như giai đoạn tuổi dậy thì hay tuổi teen. Còn đâu đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm học khiến cha mẹ hãnh diện lúc lớp 4, lớp 5!? Còn đâu đứa trẻ vui vẻ vẫn hay líu lo trò chuyện với cha mẹ? Giờ đây điều mà cha mẹ đương đầu hàng ngày là một đứa trẻ bẳn tính, “sớm nắng chiều mưa”, ương bướng, chỉ làm những gì nó muốn mà không thèm xem xét đến hậu quả lâu dài và sẵn sàng bỏ ngoài tai những lời khuyên của cha mẹ.

Tại sao lại như vậy? Có chuyện gì xảy ra với bọn trẻ vậy?

Rất nhiều lý giải khoa học đã được đưa ra nhằm trả lời cho những câu hỏi trên. Lấy ví dụ như lý giải về nhu cầu tự lập cao ở tuổi dậy thì dẫn đến mâu thuẫn với vòng kiểm soát của cha mẹ. Hay như lý thuyết về áp lực đồng trang lứa – tuổi teen sẵn sàng tham gia vào những hành vi nguy cơ để được giống như chúng bạn.

Chắc hẳn cha mẹ đều đã từng nghe đến những lý giải kể trên về hành vi tuổi teen. Thế nhưng, có một góc nhìn khác đầy thú vị và rất mới về chủ điểm này mà không nhiều các bậc phụ huynh được biết – góc nhìn dưới lăng kính của khoa học thần kinh. Mời cha mẹ đọc bài viết rất thú vị dưới đây được thực hiện bởi Thạc sỹ Tâm lý Phạm Thanh Mai, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển Trẻ em và Thanh thiếu niên, Đại học Toulouse Jean – Jaurès, CH Pháp, hiện đang là tham vấn viên tâm lý tại Đại học RMIT, cơ sở Hà Nội.

Não bộ tuổi teen – một công trường đang xây dựng!

Có một hiểu nhầm phổ biến rằng tuổi teen được trang bị một bộ não như của người trưởng thành. Điều này dẫn đến kì vọng của người lớn là tuổi teen phải biết suy nghĩ và hành xử như người trưởng thành. Hoặc chí ít, phải học được cách hành xử đó sau một vài lần được dạy! Nếu teen không làm được, đó là vì con đang cố tình chống đối hay không chịu học.

Trên thực tế, điều này khác xa với sự thật.

📍 Bộ não cảm xúc và bộ não lý trí

Chúng ta vẫn hay có cách nói nôm na “nghe theo con tim hay nghe theo lý trí” với ngầm ý cho rằng trái tim là trung khu cảm xúc của con người. Trên thực tế trung khu này không nằm ở tim mà ở não bộ.

“Bộ não cảm xúc” là cấu trúc đặc biệt có tên khoa học là hệ limbic, phụ trách điều hòa những xung động cảm xúc, đặc biệt là cơ chế của nỗi sợ và cơn giận.

Một điều thú vị hơn là, bao trùm ngay trên “bộ não cảm xúc” chính là “bộ não lý trí”, hay chính là vỏ não. Vỏ não phụ trách các chức năng về nhận thức, tư duy lô-gíc, phân tích và lên kế hoạch. Trong đó, vùng vỏ não trước trán tham gia trực tiếp vào việc điều tiết hoạt động của “bộ não cảm xúc” nằm bên dưới.

Như vậy, có thể thấy, để đưa ra những quyết định “hợp tình hợp lý” chứ không chỉ là “cảm tính” đòi hỏi (1) cả hai bộ não “lý trí” và “cảm xúc” đạt sự trưởng thành nhất định, đồng thời (2) có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa “bộ não cảm xúc” và “bộ não lý trí”, hay nói ngắn gọn, giữa hệ limbic và vùng vỏ não trước trán.

📍 “Bộ não lý trí” chưa hoàn thiện

Nếu như trong giai đoạn tuổi thơ, não bộ không ngừng gia tăng số lượng các tế bào thần kinh (hay neuron), thì đến giai đoạn tuổi dậy thì, một quá trình đảo ngược lại diễn ra mạnh mẽ – cắt giảm số lượng neuron đang có trong não bộ! Điều này cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm các liên kết giữa các neuron với nhau. Kết quả đạt được sau quá trình này là một bộ não tinh giản và vận hành hiệu quả hơn. Nhưng kết quả đó chỉ có thể đạt đến ở những năm đầu tuổi 20. Điều đó đồng nghĩa trong suốt giai đoạn tuổi teen, trẻ sống chung với một “bộ não lý trí” còn đang hoàn thiện dang dở!

Theo ước tính, trong giai đoạn tái cấu trúc này, não bộ tuổi teen mất tới 15% chất xám chỉ riêng ở võ não và 40% liên kết thần kinh, chủ yếu ở vỏ não trán trước. Thêm vào đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra, trong số những liên kết thần kinh được thiết lập, những liên kết giữa vùng vỏ não trước trán, trung khu của năng lực phân tích, đánh giá và giải quyết vấn đề, với hệ limbic, bộ não cảm xúc, là những kết nối sau cùng được hoàn thiện. Những thay đổi này lý giải những khó khăn tuổi teen gặp phải trong việc tổ chức cuộc sống hay “ghìm cương” cảm xúc.

📍 “Đói” kích thích cảm giác

Không chỉ “bộ não lý trí” mới ở trong giai đoạn hoàn thiện dang dở, ngay cả những trung khu thuộc “bộ não cảm xúc” hay có mối quan hệ mật thiết với nó cũng chưa phát triển chín muồi ở tuổi teen. Một trong số đó phải kể đến trung khu đặc biệt có tên nucleus accumbens – hay còn gọi là trung khu khoái lạc trong não bộ.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng trung khu khoái lạc này phát triển trong suốt thời thơ ấu và đạt kích thước lớn nhất ở độ tuổi dậy thì, trước khi bắt đầu quá trình thu nhỏ lại. Đi kèm với quá trình phát triển mở rộng này là sự gia tăng các thụ cảm thể để “bắt sóng” với dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh làm kích hoạt cảm giác phấn khích và hứng khởi.

Sự kết hợp giữa hai yếu tố này khiến bộ não của teens “đói” kích thích cảm giác nhiều hơn so với ở người trưởng thành. Điều này lý giải việc dù cho teen đã được giáo dục và hoàn toàn hiểu được tác hại của các hành vi nguy cơ như sử dụng chất kích thích hay chạy xe quá tốc độ, khả năng teen vẫn tham gia vào những hành vi vẫn rất cao. Nguyên nhân không phải do teens không biết hay không hiểu về những rủi ro đó, mà bởi phần thưởng mà các hành vi đó đem lại, dưới góc nhìn của một bộ não “đói” kích thích, trông có vẻ hấp dẫn hơn nhiều!

Cha mẹ có thể làm gì để giúp các con tuổi teen?

📍 Thúc đẩy sự phát triển của “bộ não lý trí”

Đặt câu hỏi giúp con tư duy về hệ quả của hành động của mình

“Có mấy đồng mà tiêu linh tinh. Hết không có nữa đâu đấy!”

“Suốt ngày game gủng! Không cẩn thận là học sinh trung bình kì này đấy!”

Hẳn cha mẹ sẽ thấy những câu nói trên quen thuộc. Trong vai trò “người đi trước”, chúng ta thường có thôi thúc muốn lập tức chỉ ra cho con thấy hậu quả của hành vi mà con đang làm là gì. Vấn đề là cách thức này thường tước đi cơ hội để “bộ não lý trí” của con được vận dụng và tư duy. Đó là chưa kể việc bản thân cách nói đó mang tính một chiều và áp đặt, dẫn đến việc con sẽ thường không thấy thuyết phục để làm theo hoặc sẽ phản kháng lại.

Cách thức tốt hơn mà cha mẹ có thể thử ở đây là đặt câu hỏi để khuyến khích con tư duy về hệ quả của hành động của mình. Điều này cũng cho phép truyền đi thông điệp cha mẹ tôn trọng và muốn lắng nghe ý kiến của con – một trong những yếu tố cốt lõi giúp tăng cường giao tiếp giữa con với cha mẹ.

Ví dụ, thay vì nói “Suốt ngày game gủng! Không cẩn thận là học sinh trung bình kì này đấy!”, cha mẹ có thể thử nói “Ba thấy con dành khá nhiều thời gian chơi game từ khi bắt đầu nghỉ hè đến giờ. Mà bây giờ bắt đầu năm học rồi, nếu con tiếp tục chơi game như khi đang nghỉ, theo con, chuyện gì sẽ xảy ra?”

📍 Tăng cường mối liên hệ giữa “bộ não lý trí” và “bộ não cảm xúc”

Như đã chia sẻ ở trên, liên kết thần kinh giữa vùng vỏ não trước trán – trung khu của “bộ não lý trí” và hệ limbic – “bộ não cảm xúc” nằm trong số những liên kết được hoàn thiện sau cùng. Điều này có nghĩa khả năng dùng tư duy để điều chỉnh cảm xúc ở tuổi teen chưa được tốt. Nếu cha mẹ muốn thúc đẩy phát triển khả năng này cho teen, cơ hội tốt nhất chính là những thời điểm teen đang gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc.

Chẳng hạn như khi con đang cáu kỉnh hay giận dữ với bạn hoặc ngay khi con đang khó chịu với một trong hai người cha hoặc mẹ. Hoặc khi con gặp phải thất bại (vd. bị điểm kém hay trượt một kì thi) mà khiến con rất buồn hay thất vọng. Đây đều là những thời điểm mà cảm xúc có thể cao trào và lấn lướt lý trí. Điều con cần lúc này, và cũng là điều cha mẹ có thể làm cho con, là giúp kích hoạt và tạo cơ hội để “bộ não lý trí” có thể lên tiếng và giúp cân bằng lại “bộ não cảm xúc”. Dưới đây là một ví dụ.

Con giận dữ vì bị mẹ thu điện thoại với tối hậu thư là “bao giờ dọn xong phòng thì mới trả”. Cha sẽ làm gì ở đây? Cách thông thường nhất mà cha có thể chọn là về phe mẹ và dùng uy quyền của mình ra lệnh cho con dọn phòng. Vấn đề với cách này là nó sẽ càng kích động “bộ não cảm xúc” vốn đã đang quá tải với sự giận dữ của con. Kết quả là con có thể sẽ tiếp tục chống đối dữ dội hơn. Hoặc con sẽ khuất phục lần này nhưng rồi sẽ “đâu đóng đấy”, vẫn không hình thành được ý thức tự dọn phòng. Rõ ràng cách xử lý này không tối ưu.

Cách thức tốt hơn ở đây là làm dịu cảm xúc đang quá tải của con, sau đó dần dần kích hoạt khả năng tư duy và tìm giải pháp của con. Để làm được điều này, cha sẽ cần nhẹ nhàng ngồi xuống nói về cảm xúc mà con đang có. Trong đa số các trường hợp, chỉ cần một câu nhận định đơn giản “Ba có thể thấy là con đang rất giận mẹ” là đủ. Sau đó, cha có thể đặt câu hỏi giúp con suy xét lại tình huống “Theo con thì vì sao mà mẹ lại tịch thu điện thoại của con?” Tiếp đó, ba gợi ý cho con nghĩ về giải pháp “Ba tin là con cũng đồng ý việc dọn phòng là cần thiết. Nhưng ba cũng hiểu rằng không nhất thiết phải làm ngay bây giờ. Con nghĩ sao nếu con thử tự đặt một mốc thời gian cho việc dọn phòng của con và đàm phán điều đó với mẹ?” Bằng cách này, ba đang khuyến khích quá trình tích hợp vận hành của cả “bộ não lý trí”và “bộ não cảm xúc” của con.

Đọc thêm: Hãy dạy con tận dụng những khoảng thời gian “một mình”!

📍 Điều hòa “bộ não cảm xúc”

Nếu cha mẹ tập luyện thể thao thường xuyên, cha mẹ sẽ hiểu cảm giác sảng khoái sau khi cơ thể được vận động. Rất nhiều khi, sau một giờ tập zumba hay tennis, cảm giác căng thẳng thậm chí là một sự giận dữ khó chịu nào vẫn đang đeo đẳng trước đó, dường như biến mất. Vì sao lại như vậy?

Thực tế là rất nhiều các cảm xúc của chúng ta được cảm nhận và biểu hiện trước hết qua phản ứng cơ thể, chứ không phải trong trí óc. Cảm giác chộn rộn trong bụng hay buồn bực ở tay chân gửi đi tín hiệu căng thẳng lên não bộ trước cả khi chúng ta ý thức được mình đang căng thẳng. Những thông tin về trạng thái cơ thể này được chuyển đến thân não rồi đến hệ limbic và sau đó đến vỏ não, tác động tới cảm xúc cũng như suy nghĩ của chúng ta. Khi chơi thể thao, đặc biệt là những môn thể thao yêu cầu vận động mạnh, cơ thể được giải tỏa năng lượng và căng thẳng, nhờ đó đi vào trạng thái thư giãn hơn sau đấy. Khi ở trong trạng thái này, cơ thể sẽ gửi ngược lại lên não bộ những “tín hiệu thư giãn”, nhờ đó não bộ cũng lấy lại được trạng thái cân bằng hơn.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của vận động thể chất với sự phát triển năng lực điều hòa cảm xúc cho teen. Các hoạt động thể chất do đó cần được khuyến khích. Ngoài vận động thể chất, các hình thức giúp thư giãn khác như âm nhạc, hội họa hay các dạng hoạt động đòi hỏi phối hợp chuyển động cơ thể đều tốt trong việc giúp teen lấy lại cân bằng cảm xúc.

Đọc thêm: Giúp con phát triển trí tuệ tinh thần như thế nào?

Tài liệu tham khảo:


👉 Đọc thêm những bài viết bổ ích về cách nuôi dạy và làm bạn với con tái chuyên mục Nuôi Dạy Con

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.