Vì sao teen nghe lời bạn hơn cha mẹ?

Khi con bước vào tuổi teen, bạn dần thấy mình “kém ngầu” trong mắt con. Nhớ ngày nào con còn nhỏ, con tròn xoe mắt thán phục khi ba sửa được chiếc xe đồ chơi, hay vỗ tay khi mẹ đuổi con gián đi mất. Lúc đó chuyện gì con cũng kể, cũng hỏi ba mẹ. Còn giờ đây con chỉ biết có bạn, chuyện gì con cũng nói với bạn, con thay đổi cũng vì bạn. Ba mẹ cũng từng là teen, lại còn thêm mấy chục năm kinh nghiệm với đời, con nên nghe lời ba mẹ chứ! Thế nhưng, chuyện teen hướng về bạn bè nhiều hơn về gia đình là một phần của sự phát triển tự nhiên với những nguyên nhân chính đáng.

1. Khác biệt về mặt não bộ

RMIT và Cha Mẹ có từng nhắc đến sự biến đổi của não bộ khi con bước vào tuổi dậy thì. Ở tuổi teen, phần vỏ não trước chưa phát triển hoàn chỉnh dẫn đến các con bốc đồng, liều lĩnh, điều tiết cảm xúc kém. Trong khi đó, phần vỏ não trước ở người lớn chúng ta đã hoàn chỉnh, giúp suy nghĩ chín chắn hơn, cảm xúc và năng lượng cũng ổn định hơn. Chính sự khác biệt về mặt sinh học này mà cho dù bạn có cố gắng cảm thông cho con đến đâu, bạn cũng không hoàn toàn thấu hiểu những hành vi, quyết định hay cung bậc cảm xúc của con. Con cũng cảm thấy sự cố gắng hơi có phần bất lực ở ba mẹ, cả sự lệch pha trong cảm nhận sự việc. Vì thế con sẽ ưu tiên nói với những người đồng trang lứa bởi họ có bộ não giống mình.

2. Ba mẹ không phải là “người trong cuộc”

Chúng ta thường thích chia sẻ với những người có cùng nhịp sống với mình, bởi họ hiểu chuyện nhanh, dễ cảm thông và đóng góp giải pháp hiệu quả. Hãy tưởng tượng nếu có vấn đề ở chỗ làm, bạn thường bàn bạc với đồng nghiệp, hoặc với vợ/chồng, bạn bè khác càng gần lĩnh vực càng tốt, có phải thế không? Bạn sẽ không, hoặc rất hiếm khi, hỏi ý ba mẹ mình dù cho ba mẹ bạn ngày trước cũng là những người thành đạt. Teen cũng thế thôi. Khi con kể với bạn về những thầy cô khó tính, kỳ kiểm tra hóc búa hay bài vở quá nhiều, bạn cũng chỉ có thể lắng nghe, chia sẻ chuyện mình thời đi học, gật gù động viên con, là hết. Còn với bạn bè, người trải qua cùng không gian và thời gian của con, có thể góp chuyện rôm rả hơn nhiều, thậm chí cho con những giải pháp hay kinh nghiệm rất hiệu quả mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

3. Phát triển những kỹ năng xã hội quan trọng

Đây là nguyên nhân, cũng như mục đích quan trọng nhất của việc teen nghe bạn bè hơn ba mẹ. Ở tuổi teen, con không là trẻ thơ cũng chưa thành người lớn, đây là lúc con định hình tính cách và học các kỹ năng xã hội thiết yếu, bao gồm việc kết bạn mới, đạt được cảm giác thuộc về, hiểu mình là ai, thường như thế nào trong một nhóm, và ứng xử với những rung động tình cảm. Đây là những điều ba mẹ có thể đồng hành cùng con về mặt lý thuyết, nhưng chỉ khi con thực hành, trải nghiệm và va chạm với những người đồng trang lứa, con mới thật sự “cài đặt” được những khả năng này. Thường với những teen đã nắm các kỹ năng này tương đối vững, các con sẽ tự tin hơn, phát triển toàn diện hơn khi bước vào tuổi trưởng thành. Ngược lại, con sẽ tự ti, khiếm khuyết về mặt tâm lý ở một phương diện nào đó, ví dụ khả năng kết bạn, khả năng tiếp cận người khác giới…các con sẽ lớn lên vất vả hơn, hoặc phải tìm cách phát triển các khả năng này ở một lứa tuổi muộn hơn.

Vậy nên, chuyện teen nghe lời bạn hơn ba mẹ là chuyện bình thường và quan trọng cho sự phát triển của các con. Ba mẹ không nên lo lắng, cằn nhằn hoặc ngăn cấm. Tuy nhiên, bạn cũng đừng mặc kệ con với bạn bè, bởi trên hết ba mẹ là hai người bạn lớn mà con yêu thương và cần đến.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.