mỹ học

Cha mẹ có biết rằng, đặc điểm chung của những người lớn tự tin, hạnh phúc, có đời sống tinh thần giàu có, có khả năng sống một cuộc sống cân bằng, ít stress… là bởi họ đều được giáo dục thẩm mỹ từ sớm?

Mỹ học, hay giáo dục thẩm mỹ cho con cái để phát triển nhân cách nói chung và khả năng thưởng thức nghệ thuật và cái đẹp nói riêng, nên là việc cha mẹ cần làm từ khi con còn nhỏ, và không ngừng giúp con bồi đắp ở giai đoạn quan trọng nhất ở tuổi thiếu niên cũng như trong suốt cuộc đời.

RMIT & Cha Mẹ trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết dưới đây của chị Phan Anh (Esheep) – Top 4 Người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực Parenting (Làm cha mẹ) – giải thưởng châu Á Influence Asia 2017. Chị Phan Anh xuất thân là một hoạ sĩ và hiện là CEO & Founder công ty sáng tạo ẩm thực Esheep Kitchen, đồng thời là admin cộng đồng Yêu Bếp (Esheep Kitchen family).

Chúng tôi hi vọng bài viết này sẽ phần nào giúp cha mẹ nhận ra tầm quan trọng của việc giáo dục thẩm mỹ cho con và những cách đơn giản, gần gũi nhất để giúp con biết đến mỹ học, từ đó, xây dựng một đời sống tinh thần giàu có, hạnh phúc trong suốt cuộc đời.

Mỹ học là gì và vì sao cha mẹ nên giúp con biết đến mỹ học?

Mỹ học là bộ môn khoa học có tính lý thuyết về sự nhận thức và thưởng thức cái đẹp trong thiên nhiên, trong nghệ thuật và trong xã hội. Trong quá trình sử dụng và nghiên cứu, định nghĩa từ “mỹ học”, người ta ví mỹ học như cái cây có nhiều cành và luôn luôn phát triển (chứ không phải là khái niệm cố định, được khẳng định duy nhất) vì mỹ học luôn tồn tại trong xã hội, trong thiên nhiên và nghệ thuật.

Thế giới đã từng có nhiều tranh luận về phạm vi và sự hữu ích của khái niệm này. Trong thế kỷ 20, khái niệm này được công nhận có nghĩa rộng hơn lý thuyết mỹ thuật bởi nó bao hàm cả lý thuyết về cái đẹp cụ thể trong tự nhiên và cái đẹp trừu tượng, ví dụ vẻ đẹp tinh thần hay trí tuệ – tuy nhiên cái đẹp đó phải là đối tượng cho sự nghiên cứu triết học hay khoa học.

Tuy nhiên, mỹ học nói chung không quá khó hiểu hay vĩ mô như những khái niệm triết học, cũng như những cái tên Aristotle, Platon, Hegel, Kant, Mỹ học dân chủ Nga của phương Tây; và Lão Tử, Khổng Tử… của phương Đông. Mà đơn giản hơn, có thể hiểu và ứng dụng mỹ học chính ở sự nhận thức, thưởng thức cảm nhận cái đẹp (tìm được đối tượng cái đẹp) bằng sự rung động bản năng của con người, điều ai cũng có thể rèn luyện và học hỏi được, càng sớm càng tốt. Không phân biệt lứa tuổi.

Càng tiếp xúc với nhiều điều tốt đẹp thì tư duy của con càng có cơ hội cởi mở, càng hiểu được sự đa dạng và khác biệt của cái đẹp, mà từ đó con sẽ tự học được cách tôn trọng sự khác biệt, và cũng sớm định vị được bản thân để không tự ti.

Điều này thể hiện rõ ở việc con biết lựa chọn cho mình sở hữu những thứ “đẹp” về mặt vật chất để chính bản thân con hài lòng, không sợ người ngoài dèm pha, thay vì hoang mang và lệ thuộc vào sự lựa chọn của người khác.

Đồng thời, con cũng có thể bồi đắp được những cái “đẹp” về mặt tinh thần, đó là sự cảm thụ cái đẹp, được tiếp xúc nhiều cái đẹp trong nghệ thuật, trải nghiệm và cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên, cũng như phát triển trong sự giáo dục tốt của cha mẹ, gia đình và nhà trường để định hình chuẩn mực “đẹp” trong giao tiếp xã hội, trong cuộc sống. Đây chính là nền tảng để mỗi đứa trẻ có thể lớn lên có thể không hoàn hảo, nhưng vững vàng về tinh thần, đẹp đẽ về nhân cách.

Càng quan sát sự trưởng thành của một đứa con, cha mẹ càng có thể quán chiếu lại quá trình trưởng thành của chính bản thân mình ngày bé. Đôi khi cha mẹ sẽ nhận ra rằng, con có thể hấp thu rất nhiều kiến thức, thông tin, cảm thụ mọi rung cảm một cách “vô thức”. Chính vì vậy, con cần được sớm tiếp xúc với “cái đẹp” bên cạnh việc tiếp xúc nhận thức về mặt kiến thức. 

Hãy giúp con biết đến “mỹ học” càng sớm càng tốt

Mỹ học là một khái niệm không thể thiếu được trong cuộc sống của con người. Càng nhỏ tuổi, sự nhạy bén, nhạy cảm, nhận thức và thưởng thức cái đẹp của con người càng tinh khiết. Đặc biệt, lứa tuổi thiếu niên là giai đoạn con đang hình thành thế giới quan của bản thân, hình thành nhân cách, và do đó, việc cho con được tiếp xúc với cái đẹp, cái thiện, cái lành là việc mà cha mẹ nên làm càng sớm càng tốt.

Nếu không may, ở giai đoạn này, con tiếp xúc nhiều với cái xấu xí, cẩu thả, sự tạp nham, lệch chuẩn, thì con sẽ dễ bị hấp thu và thỏa mãn bởi những thứ tạp nham, lệch chuẩn và khó lòng nhận biết cái đẹp.

Ở một góc độ khác, nếu không được tiếp xúc, dẫn dắt và gợi mở về việc cảm thụ cái đẹp, con sẽ dần mất đi hoặc không được phát triển tốt nhất sự cảm thụ cái đẹp trong tư duy và tìng cảm, dễ dẫn đến chai sạn cảm xúc, khó thẩm thấu cái đẹp, nghệ thuật hoặc rung động. Đây chính là một phần khiến con chai lì, khó lòng tự cân bằng cảm xúc hoặc thoát khỏi căng thẳng, stress.

Đừng nghĩ rằng “cái đẹp” là sự vô bổ hay phù phiếm. Cái đẹp, trong nghệ thuật, trong thiên nhiên hay trong đời sống, chính là món ăn tinh thần khiến con người có thể “nương tựa”, để thăng hoa, để cân bằng. Một người lớn cằn cỗi, khó rung động trước cái đẹp sẽ dễ bị căng thẳng, dễ bị tổn thương hơn bởi cốt lõi tinh thần chưa đủ “giàu có” về cảm thụ để đồng cảm hay bao dung.

Nếu đã đủ “giàu có” trong tinh thần, no đủ bởi cảm thụ cái đẹp, con sẽ khó bị thu hút bởi những thứ giật gân, dễ dãi, không đẹp, nhảm nhí hay rẻ tiền.

Cha mẹ có thể giúp con biết đến mỹ học như thế nào?

Không cần phải quá cao cấp hay sang chảnh, phức tạp mới là mỹ học, cha mẹ có thể cùng con khám phá và trải nghiệm mỹ học thông qua nhiều hoạt động trong đời sống thường ngày.

🌱🌱Với mỹ học trong nghệ thuật: Hãy cùng con trải nghiệm nhiều bộ môn nghệ thuật ở mức độ phổ thông, tìm hiểu và cảm thụ các tác phẩm tiêu biểu qua sách, triển lãm, các chương trình truyền hình về nghệ thuật đa phương tiện và nghệ thuật đương đại.

🌱🌱Với mỹ học trong thiên nhiên: Hãy cùng con tiếp xúc thiên nhiên càng nhiều càng tốt, đây cũng là cách giúp trẻ tránh khỏi hội chứng “thiếu hụt thiên nhiên” mà trẻ em thành thị thường mắc phải. Chiêm ngưỡng, cảm thụ và quan sát sự vận động của thiên nhiên qua các chuyến picnic, đưa một phần nhỏ thiên nhiên vào nhà như trồng cây, cắm hoa.

🌱🌱Với mỹ học trong đời sống: Cùng trẻ xây dựng “môi trường thẩm mỹ tích cực” từ chính gia đình, tạo lập thói quen tốt hướng đến cái đẹp từ những việc nhỏ như: đẹp trong giao tiếp, đẹp trong sinh hoạt cá nhân, tập thói quen làm đẹp môi trường sống, làm đẹp bản thân và biết cách chăm sóc bản thân từ nhỏ. Từ đó, cảm thụ được cái đẹp trong đời sống, giúp trẻ là người góp phần tạo nên cái đẹp. 


👉 Đọc thêm các bài viết hay và bổ ích về cách Nuôi dạy con tại ĐÂY.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.