Vì sao con bạn cần sáng tạo để thành công?

Khi nhắc đến sáng tạo, mọi người thường nghĩ ngay đến các ngành liên quan đến nghệ thuật như hoạ sĩ, thiết kế, nhiếp ảnh… Tuy nhiên, trên thực tế, sáng tạo có trong mọi ngành nghề và là một kĩ năng cần thiết mà mọi nhà tuyển dụng đều tìm kiếm. Vậy tại sao kỹ năng này lại được đề cao đến vậy? Hãy cùng RMIT & Cha Mẹ tìm hiểu trong bài viết sau, từ đó giúp con bạn chuẩn bị kỹ năng này trước khi con bước chân vào thị trường lao động.

Sáng tạo là yếu tố sống còn của mọi công ty

Trong xã hội hiện đại, sáng tạo hiện đang dần trở thành yếu tố bắt buộc để mọi tổ chức hay công ty hoạt động có hiệu quả và đạt được thành công. Không có sáng tạo, sẽ rất khó tìm ra ý tưởng cho sản phẩm mới, hay giải pháp kinh doanh khác biệt so với các đối thủ trên thị trường.

Đối với những  thị trường phát triển và những ngành đang ở giai đoạn bão hoà, sáng tạo là yếu tố tiên quyết tạo ra sự khác biệt và bứt phá của một doanh nghiệp trước các đối thủ có nhiều lợi thế về kinh nghiệm kinh doanh, đồng thời xây dựng được niềm tin và sự yêu mến của khách hàng. Không có sáng tạo thì Apple không thể tạo ra iPhone làm thay đổi cục diện thị trường điện thoại thông minh và trở thành một trong những công ty được yêu thích nhất thế giới.

Người sáng tạo có tư duy giải quyết vấn đề tốt hơn

Theo tạp chí Fortune, người sáng tạo có khả năng mở ra các góc nhìn khác về cùng một vấn đề. Họ phá vỡ các rào cản suy nghĩ và táo bạo đưa ra nhiều giải pháp mới mẻ, độc đáo.

Nếu không có sáng tạo, sẽ không có thiết kế laptop xoay 360 độ tiện lợi và nhỏ gọn dành riêng cho doanh nhân. Nếu không có sáng tạo, hẳn sẽ chưa thể có phát minh kính thông minh Google Glass cùng các ứng dụng công nghệ thực tế ảo.

Người sáng tạo thường được trọng dụng, thăng tiến nhanh hơn hay có thuận lợi nhiều hơn về sự nghiệp. Không phải ngẫu nhiên khi các vị trí quản lý lại đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo. Bên cạnh kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, nhà quản lý cần phải “đứng mũi chịu sào” chịu trách nhiệm phân tích, đưa ra các ý tưởng đột phá, mang lại tăng trưởng về doanh thu cho công ty hay tổ chức. Họ khai phá các tiềm năng còn đang bỏ ngỏ, tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ có giá trị vượt trội, đem lại lợi nhuận và danh tiếng cho công ty hay tổ chức.

Đó cũng là lý do mà các nhà tuyển dụng rất chú trọng đến yếu tố sáng tạo của ứng viên. Trong buổi phỏng vấn, bên cạnh kinh nghiệm làm việc, họ sẽ đưa ra các câu hỏi tình huống để đánh giá khả năng sáng tạo của ứng viên. Chẳng hạn:

— “Một chiếc xe bus có thể chứa được bao nhiêu quả bóng golf?”

— “Tại sao nắp cống lại hình tròn?”

(Trích từ 15 câu hỏi phỏng vấn hóc búa tại Google)

Người sáng tạo khiến môi trường làm việc thú vị, sinh động hơn

Trong môi trường công sở, người sáng tạo là tâm điểm khuấy động không khí làm việc, và có khả năng xua tan căng thẳng. Họ khiến môi trường làm việc trở nên thú vị hơn, và cũng là sợi dây gắn kết giữa các nhân viên khác trong công ty. Đối với công ty, họ là người tiên phong đóng góp và xây dựng văn hoá tổ chức, thể hiện qua việc lên ý tưởng cho các hoạt động và phong trào tập thể của công ty, đưa ra các giải pháp xây dựng văn hoá doanh nghiệp,…

Chính vì thế, các ứng viên trẻ có óc sáng tạo và hài hước sẽ có xu hướng dễ đậu phỏng vấn hơn. Trong môi trường làm việc, họ thường là người được đồng nghiệp yêu mến. Không những vậy, họ còn dễ gây được cảm tình và sự chú ý của cấp trên, được tin tưởng và giao phó nhiều trọng trách, chức vụ cao.

Kết luận

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp cha mẹ có góc nhìn mới mẻ hơn về sáng tạo trong môi trường kinh doanh. Sáng tạo không hẳn là một kỹ năng bẩm sinh. Nó cũng không phải tự dưng mà có được, mà là kết quả của một quá trình dài học hỏi, quan sát, và tư duy liên tục.

Chính vì thế, ngoài việc bổ sung kiến thức, bạn hãy cùng con chú trọng rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo ngay từ khi còn học phổ thông. Nếu được chú ý rèn luyện sáng tạo từ sớm, con sẽ có lợi thế hơn về sự nghiệp sau này.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.