Vì sao cha mẹ nên để con có nhiều thời gian rảnh hơn?

Cha mẹ thường không hài lòng khi thấy con có những lúc rảnh rỗi, không làm gì cả, coi đó là việc lãng phí thời gian. Từ đó, phụ huynh có xu hướng đưa thêm các hoạt động vào thời gian biểu của con, như học thêm, học các môn nghệ thuật, hoạt động thể thao… Thời gian biểu dày đặc như vậy, thay vì giúp con phát triển, có thể ảnh hưởng không tốt tới tinh thần và trí não của con. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn những hậu quả từ thời gian biểu quá tải cùng cách phòng tránh.

1. Tác hại từ thời gian biểu “dày đặc”

Con dễ trở nên mệt mỏi, chán chường, có thể dẫn tới cục cằn:

Nhiều cha mẹ cho rằng những hoạt động ngoại khoá như học đàn hát, hội hoạ hay hoạt động thể thao sẽ giúp con thư giãn. Tuy nhiên, sau những giờ trên lớp gây mệt mỏi cả về tinh thần và thể chất, các con chỉ mong được nghỉ ngơi trọn vẹn, dừng việc tiêu tốn năng lượng. Các hoạt động ngoại khoá những tưởng giúp con thư giãn đầu óc đôi khi chỉ khiến con mệt mỏi hơn, vì chúng cũng tiêu hao năng lượng, có chăng chỉ ít hơn việc học chính khoá.

Lâu dần, thời gian biểu “dày đặc” dễ khiến tính tình con trở nên bất thường, dễ cục cằn. Hoặc tệ hơn, con rơi vào tình trạng chán chường, không còn thiết tha điều gì, vì tâm trí hay thể chất thiếu thốn năng lượng, vốn bị tiêu tốn vào vô số hoạt động trong ngày.

Kết quả học tập giảm sút:

Khi thời gian biểu bị “lấp đầy”, con sẽ khó biết cần phải ưu tiên hoạt động nào trong ngày. Từ đó, năng lượng và sự tập trung của con bị dàn trải trong mọi hoạt động. Con biết rằng bài tập trên lớp cần phải hoàn thành nhưng còn buổi tập đàn nhạc hay vẽ tranh thì sao? Còn cả buổi tập thể thao nữa? Thời gian biểu kín mít  khiến con khó tập trung vào học tập chính khoá hơn, vốn là điều quan trọng nhất với nhiều cha mẹ lúc này.

Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động liên miên sẽ lấy đi của con những khoảng nghỉ cần thiết để ôn tập và tư duy về những hoạt động vừa trải qua. Điều này khiến con thiếu hụt thời gian tự ôn luyện và tư duy để biến kiến thức, kĩ năng được dạy thành của mình. Con khi đó chỉ giống như một chú robot chuyển từ việc này qua việc khác, tiếp nhận kiến thức mà không có sự tự tư duy.

Kết quả là con rất dễ quên kiến thức vừa học, hiểu không đủ sâu về các vấn đề, và giảm sút trong kết quả học tập.

2. Hãy cho con nhiều thời gian rảnh hơn

Nhiều cha mẹ rất sợ tạo thời gian rảnh cho con: sợ rằng con sẽ hoang phí thời gian; sợ rằng con sẽ rảnh rỗi mà để ý đến những hoạt động gây hưng phấn không lành mạnh. Nỗi sợ đó không phải là không có cơ sở. Nhưng để tránh những hậu quả từ thời gian biểu “dày đặc” nói trên, cha mẹ có lẽ nên thoả hiệp phần nào với chính nỗi lo của mình, để con có thời gian cho bản thân trong tầm kiểm soát của cha mẹ.

Có một điểm cha mẹ cần chú ý là khi con có nhiều thời gian rảnh hơn, không phải tham gia vào nhiều hoạt động như trước đây, phản ứng đầu tiên của con có thể là sự chán chường. Tuy nhiên, cha mẹ đừng vội lo lắng. Sự chán chường này đôi khi lại rất có ích cho con. Nghe thật vô lý nhưng sự chán chường ở giai đoạn này lại giúp:

Tăng sức sáng tạo của con

Khi con trong trạng thái chán chường, vì thiếu đi những hưng phấn từ những hoạt động trong thời gian biểu dày đặc, “cái khó ló cái khôn”, con trở nên chủ động hơn để tự tạo nên niềm vui cho mình. Khi đó, năng lượng sáng tạo của con được giải phóng. Con bắt đầu hướng sự tập trung về sở thích, đam mê của bản thân để tạo ra những hoạt động tiêu diệt sự nhàm chán. Cha mẹ nào còn nhớ trước khi smartphone ra đời, các con đã từng chơi đồ chơi với trí tưởng tượng bao la tới chừng nào: biến món đồ hàng thành nhà bếp, biến sàn nhà thành chiến trường.

Tăng mức độ tập trung của con

Khi có ít hoạt động hơn trong ngày, con bắt đầu biết được tầm quan trọng khác nhau của các hoạt động. Từ đó, con sẽ biết cách tập trung năng lượng vào hoạt động quan trọng hơn, ít bị xao nhãng bởi các hoạt động bên ngoài. Con tập trung hơn trong mỗi hoạt động, kết quả học tập hay hoạt động ngoại khoá chắc chắn cũng từ đó mà cải thiện.

Tinh thần con trở nên vui vẻ, thoải mái hơn

Khi con có nhiều thời gian rảnh hơn để khám phá bản thân, làm những điều con thích, tinh thần của con sẽ có nhiều chuyển biến. Từ chán chường hay cục cằn vì chịu áp lực từ thời gian biểu dày đặc sang thoải mái, vui vẻ hơn. Tinh thần con thoải mái thì việc học tập từ đó cũng trở nên dễ dàng và hiệu quả.

Con chăm chỉ hơn trong mọi việc, ngay cả những việc nhàm chán

Cho con nhiều thời gian rảnh hơn cũng là một cách để rèn luyện cho con cách đối mặt với sự nhàm chán. Nếu con vượt qua được sự nhàm chán bằng sức sáng tạo – tự tạo niềm vui cho bản thân, những việc nhỏ nhặt trong ngày, vốn bị con chê là nhàm chán, như dọn dẹp phòng, rửa chén đĩa, sẽ trở nên dễ thực hiện hơn. Đó là vì con đã được luyện tập để đối mặt và chấp nhận sự nhàm chán, thay vì cho rằng việc gì thú vị con mới thực hiện.

Qua bài viết này, tác giả rất mong các bậc cha mẹ sẽ gạch bỏ đi một số hoạt động trong thời gian biểu của con, cho con sự rảnh rang cần thiết để cải thiện bản thân. Chắc chắn chỉ sau một thời gian ngắn, các bậc phụ huynh sẽ không khỏi ngạc nhiên trước tốc độ cải thiện và tiến bộ của con trong mọi hoạt động, sau khi có ít hoạt động trong thời gian biểu hơn.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.