Trở thành một người cha nghiêm khắc là “vai diễn” mà bố tự giao cho mình trách nhiệm khoác lên trong gia đình ngay từ khi con mới chào đời. Thế nhưng, có một điều mà bố chưa nghĩ tới, là nếu một ngày bố con mình thực sự xa cách, khi ấy bố muốn nói một điều gì ấm áp với con, bố sẽ phải làm thế nào? Câu hỏi đó, mỗi ngày con lớn hơn, dần độc lập hơn, càng trở đi trở lại nhiều trong suy nghĩ của bố.
Con biết không, “vai ác” có những lí do riêng của nó
Bố nghĩ rằng, thà để con sợ, bố nhất định sẽ dạy con đủ những điều cần thiết, dành cho con những điều tốt nhất.
Hồi con bé, hay khóc đòi hỏi, phải có một người nghiêm giọng để con nín. Lớn hơn, con đứng trước những nổi loạn của tuổi trẻ, phải có một người giữ chân con lại. Luôn cần một người dạy con biết đâu là các giới hạn.
Trước những thành công của con, bố tự hào nhưng cũng lo con sớm thoả mãn với chính mình. Mỗi lần con đạt được một mục tiêu lớn, bố khoe với cả cơ quan nhưng chỉ khen con một hai câu. Bố luôn hi vọng con khiêm tốn, cầu thị, hướng tầm mắt xa hơn, cố gắng nhiều hơn nữa.
Vì bận bịu, bố không có nhiều thời gian gần gũi với con. Bố nghĩ những đồng tiền mình kiếm được sẽ đem lại tương lai tốt hơn cho cả gia đình. Vì thế, bố hay “uỷ thác” hết chuyện chăm sóc con cho mẹ.
Nhưng bố cũng nhận ra rằng, gần gũi con mới thực sự khó
Bố biết rằng con đã tự lo được nhiệm vụ của mình. Chuyện đốc thúc không cần nữa. Nhưng bố vẫn cứ làm nó như một thói quen khó bỏ. Thấy con buồn vì một bài kiểm tra không như ý, bố nghĩ mãi mới lên phòng con. Định vỗ vai động viên nhưng rồi bố lại chỉ chặc lưỡi, buông một câu: “Học hành thế thì thi thế nào được”.
Bố mong rằng mình có thể nói lời nhẹ nhàng và quan tâm khéo léo như mẹ. Ví dụ như vào mỗi dịp sinh nhật của con, mẹ đều biết cách chọn những món quà đẹp mà chỉ thấy thôi con đã cười tít vậy. Bố cũng cố gắng. Bố đã đứng rất lâu trong cửa hiệu quần áo, chọn một chiếc áo phông mà bố nghĩ là trông con sẽ rất dễ thương khi mặc vào ngày sinh nhật của mình. Bố đã hồi hộp im lặng chờ đợi ngày con diện chiếc áo. Nhưng hoá ra là con chẳng bao giờ mặc cả. Có lẽ là bố chưa hiểu được sở thích của con.
Bố cũng muốn ngồi xuống, làm một người bố “hiền lành”, lắng nghe, chuyện trò cùng con. Bố thấy con chui vào phòng sau khi đi học về, mẹ bảo con mới nhận thư trả lời đơn xin học bổng của một trường. Nghe nói họ từ chối. Bố ngồi đọc báo, đợi con xuống ăn và giải thích: “Thua keo này bày keo khác, có gì mà phải khóc.” Lúc ấy đột nhiên con ngước lên nhìn bố hồi lâu, bố biết mình lại trót “đóng vai” quá đạt rồi.
Không biết có muộn không
Năm tháng qua đi, bố đã quen nói lời nghiêm khắc với con, quen đặt ra các quy định cho con mà quên học cách lắng nghe, cách thể hiện tình cảm của mình. Vì thế, những thời gian này, bố đang rất cố gắng để không còn đóng “vai ác” trong gia đình nữa. Bởi bố biết con đã lớn và hiểu chuyện. Bố biết con đang dần có những khoảng trời của riêng mình mà không còn cần sự can thiệp, giúp đỡ của bố nữa.
Nhưng bố cũng lo, tự do sống cuộc đời độc lập rồi, liệu con có coi đó là một sự giải thoát khỏi những hà khắc bấy lâu mà bố áp đặt không?
Liệu sẽ có một ngày con hiểu được tâm sự đằng sau “vai ác” đáng ghét của bố không?
Bố vẫn cố gắng.
Nhưng bố tự hỏi rằng, liệu những cố gắng của bố có đang muộn không?