con gái tuổi teen

“Con gái tôi từ khi bước vào cấp 2 bỗng quan tâm thái quá đến vẻ bề ngoài. Cháu thường chuẩn bị rất lâu trước khi đi học, và từng cự nự không muốn đến lớp học thêm chỉ vì chiếc áo cháu muốn mặc hôm đó giặt phơi chưa khô. Cháu bảo không thể mặc áo khác vì không hợp. Thứ hai tuần rồi cháu phải viết bản kiểm điểm vì trang điểm đi học, trái với nội quy trường. Tôi giận, bảo sẽ tịch thu đồ trang điểm của cháu thì cháu nổi giận làm ầm ĩ cả lên. Tôi phải làm sao?”

“Con tôi năm nay vào lớp 9, là năm cuối cấp, tôi mong cháu tập trung cho việc học. Thế nhưng, tôi nghe phong thanh cháu đang thích một anh lớp mười một, quen nhau qua mạng xã hội. Cùng lúc đó có hai bạn trai trong lớp cũng thích cháu. Tôi lo quá, học còn không có thời gian, giờ cháu lại vướng vào những chuyện tình cảm này.” 

Quý vị phụ huynh thân mến,

Những lời tâm sự trên chắc chắn rất quen thuộc với những cha mẹ có con gái bước vào tuổi teen. Vì vậy, bài viết hôm nay của RMIT & Cha Mẹ là để hy vọng sẽ giúp ích phần nào cho các bạn trong việc ứng xử với con. 

Những băn khoăn và khủng hoảng về hình thể, về giá trị bản thân, tìm kiếm sự thuộc về nơi bạn bè đồng trang lứa, và những rung động đầu đời… là những hiện tượng phổ biến mà tuổi teen, đặc biệt là con gái, hay gặp phải. Chúng tôi xin được gọi là “hiện tượng” thay vì là ‘rắc rối’ hay ‘vấn đề’ bởi những chuyện này tốt hay xấu tuỳ vào từng teen, từng mức độ và tuỳ cách bạn ứng xử với chúng. Dưới đây là một số nguyên tắc chung mà cha mẹ có thể áp dụng linh hoạt vào từng trường hợp.

1. Quan sát hệ quả nơi con và tìm điểm cân bằng

Quan sát hệ quả – có nghĩa là quan sát tất cả những tác động, cả tốt và xấu, của các hiện tượng vừa nêu lên con. Ví dụ, ở trường hợp con đang hẹn hò với bạn trai, bạn hãy quan sát tất cả các thay đổi của con khi việc này xảy ra, ví dụ, con vui vẻ hơn, yêu đời hơn, thích chơi một môn thể thao nào đó vì cậu bạn kia cũng thế, muốn học một món ăn mới để tự tay nấu cho bạn…đó là những điểm tích cực. Những điểm tiêu cực có thể là con có hơi xao lãng chuyện học hành, hoặc con quá chăm chú vào chuyện tình cảm mà bỏ quên các bạn gái khác hay gia đình…

Dựa vào đó, bạn có thể bình tĩnh hơn trước những việc con đang trải qua, và điều chỉnh cách bạn muốn ứng xử với sự việc đó. Cho phép con hoàn toàn tự do hay ngăn cấm tuyệt đối là hai thái cực bạn hết sức tránh. Bởi vì những việc như quan tâm đến ngoại hình, rung động với người khác…đều là những trải nghiệm quan trọng và bình thường của con trong quá trình trưởng thành. Chuyện tình cảm cho con hiểu về bản thân mình, về cách mình đối xử và muốn được đối xử trong một mối quan hệ. Quan tâm đến ngoại hình là cần thiết, bởi nó giúp con học cách tôn trọng và chăm sóc cơ thể mình, xây dựng một khái niệm lành mạnh về hình thể, rằng mình có những điểm này xinh, mình yêu các đặc điểm này về mình, mình nên ăn mặc như thế nào để tự tin nhất. 

Nếu ngăn cấm hoàn toàn, để con chỉ biết vùi vào học, con có thể bị thiếu hụt các kỹ năng xã hội, không biết cách kết bạn, tự ti vì vẻ ngoài mà không biết cách nào để cải thiện. Nếu để con tự do, con có thể đưa ra những quyết định mà mình phải trả giá đắt. 

Vì vậy, bạn hãy tìm điểm cân bằng giữa những thay đổi của con và mong muốn của bạn, sau đó bàn bạc với con thẳng thắn, rõ ràng. Hãy  tiếp tục theo dõi, nếu các thay đổi vẫn nằm ở phạm vi an toàn, hãy để yên và thường xuyên hỏi han, trò chuyện với con. Nếu các thay đổi tiến dần về mức có hại, hãy thực hiện các biện pháp cần thiết. Đối thoại, đừng độc thoại và đối đầu. 

2. Điều chỉnh môi trường của con – nhất là thế giới ảo 

Thế giới và xã hội ngày nay có thể nói là khá phức tạp với teen. Con được tiếp cận internet và mạng xã hội, được tiếp cận với lượng thông tin khổng lồ, nhanh chóng, không biên giới. Điều này như con dao hai lưỡi, con có thể học nhanh hơn, kết nối bạn bè nhiều hơn, nhưng cũng đồng nghĩa với việc con thường xuyên tiếp cận với thế giới ảo lung linh, không biết đâu là thật giả, đúng sai. 

Tiếp xúc với những điều hào nhoáng quá thường xuyên, với một tâm trí ít kinh nghiệm sống và nhiều mơ mộng như teen, các con dễ so sánh mình và theo đuổi những hình tượng phi thực tế, từ hình thể, cách sống cho đến cách ứng xử. Ví dụ, con mong muốn mình phải đẹp như cô người mẫu instagram kia (qua những bức ảnh đã được xử lý kỹ càng, kéo chân dài, ép cho eo thon…), muốn mình được du lịch đây đó thường xuyên hoặc trở nên nổi tiếng, nghĩ rằng yêu đương phải kịch tính thế kia…Tuổi teen vốn đã nhiều mâu thuẫn giữa những lý tưởng của các con và thực tế, nên hạn chế châm thêm nguyên liệu từ thế giới ảo. 

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy thời lượng con dành cho màn hình điện thoại càng nhiều, con càng ít hạnh phúc, ít khoẻ mạnh và nguy cơ các bệnh tinh thần càng tăng. Cố gắng xây dựng cho con một thời khoá biểu bận rộn, ngoài việc học, cho con chơi thể thao và giao việc nhà cho con. Khi con bận rộn với đời sống thực, thời gian dành cho thế giới ảo tự khắc giảm đi.

Con gái tuổi teen thật nhiều rắc rối, điều đó cũng bình thường thôi. Rất mong ba mẹ hãy kiên nhẫn và yêu thương, bình tĩnh và nghiêm khắc khi cần thiết, để cùng con đi qua giai đoạn nhiều kỷ niệm và lắm trắc trở này. 

Giang Trần

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.