Có một thực tế là nhiều cha mẹ chú trọng bồi dưỡng cho con lòng tự tin, sự cứng rắn, vững vàng, dạy con nhân ái, cảm thông với người khác, nhưng lại vô tình quên dạy con yêu thương, tử tế với chính bản thân mình.

Lý do là vì cha mẹ không hiểu rằng, không phải sự tự tin hay nỗ lực, mà chính sự nhân từ với bản thân – hay còn gọi là lòng tự trắc ẩn – mới là chỗ dựa vực con đi qua thất bại, bảo vệ con khỏi những tổn thương và bình thản bước tiếp trên hành trình trưởng thành.

Tự trắc ẩn là gì và tầm quan trọng của lòng tự trắc ẩn?

Tự trắc ẩn (self-compassion) có nghĩa là đối xử tốt và hiểu rõ bản thân khi đối mặt với những trải nghiệm khó khăn và cảm xúc tiêu cực. Lòng tự trắc ẩn được hợp thành bởi ba yếu tố:

🔖 Đối xử tốt với bản thân (self-kindness): Con tử tế, cảm thông với chính mình khi xảy ra những tình huống không vui, thất bại hay tổn thương.

🔖 Nhân tính chung (common humanity): Hãy giúp con hiểu rằng con không khác người. Sai lầm, thất bại hay đau khổ không phải là điều gì đó quá đặc biệt, đó là trải nghiệm hết sức thông thường của mỗi người trong cuộc đời này.

🔖 Chánh niệm hay tỉnh thức (mindfulness): Con hãy nhìn mọi thứ như nó vốn có, một cách khách quan, không suy diễn, không thiên vị, không hà khắc, không dày vò, chỉ trích bản thân, hay kìm hãm những suy nghĩ của chính mình.

Thật đau lòng nếu một ngày ta biết rằng, con thường tự trách móc, dằn vặt bản thân vì bị điểm kém, bị phê bình… và dần sa lầy vào hố sâu trầm cảm, chỉ bởi vì con được dạy rằng phải cố gắng, cố gắng không ngừng, để trở nên tốt hơn, để giống như “con nhà người ta”, để thành phiên bảo hoàn hảo nhất của chính mình…

Trong trường hợp này, các con cần biết tự trắc ẩn. Đó là sự kết nối với bản thân theo cách tích cực, lắng nghe chính mình với sự bình tĩnh và thấu hiểu. Lòng tự trắc ẩn giúp con giảm lo âu, căng thẳng, vượt qua những cú sốc, nỗi đau, thất bại, tiến tới tự chữa lành chính mình và chín chắn hơn về mặt tư duy.

Một số cách giúp con luyện tập tự trắc ẩn

Công bằng mà nói, chúng ta khó lòng đòi hỏi một thiếu niên mới lớn có thể tự trắc ẩn hoàn hảo, mặc dù cậu/cô ấy rất thân thiện và tốt bụng với người khác. Đó là vì tuổi mới lớn còn vô số điều chưa biết về cuộc đời, phải đối mặt với những áp lực trên hành trình lớn lên và kỳ vọng từ cha mẹ. Và tất nhiên, tâm tính của các chàng trai cô gái trẻ vẫn còn thay đổi rất nhiều trước khi trở thành những người lớn thực sự.

Tuy vậy, có 3 cách mà cha mẹ có thể hướng dẫn con hàng ngày, để con biết cách trân trọng và tử tế với bản thân hơn:

💚 Tập yêu chính mình

Ngay cả với người lớn, kỹ năng này không phải ai cũng có. Ví dụ dễ thấy là các mẹ thường bị ám ảnh và đau khổ bởi hình thể không hoàn hảo của mình, dù cho đó là minh chứng đẹp đẽ của việc đưa các thiên thần mới đến với thế giới và nuôi dạy các con nên người.

Đừng để điều đó lặp lại với con mình. Hãy dạy con rằng dư vài kg và đôi má bầu bĩnh chỉ làm tăng thêm vẻ xinh đẹp rạng ngời của cô thiếu nữ chứ không phải là béo phì, vài nốt mụn trứng cá không làm giảm vẻ nam tính của anh chàng bắt đầu lún phún ria mép. Hãy dạy con chấp nhận bản thân con như vốn có, nhìn ra điều tốt đẹp trong con thay vì dùng người khác làm thước đo chính mình. Và cha mẹ đừng quên, hãy ngừng ngay việc so sánh con mình với “con nhà người ta” nhé.

💚 Cho phép mình mắc lỗi

Con người, dẫu xinh đẹp, thông minh, thành đạt đến mấy cũng không hoàn hảo. Sự khiếm khuyết là chuyện bình thường, mắc sai lầm là điều khó tránh. Con hãy coi đó như là bài học, một cơ hội để mình trưởng thành.

💚 Thực hành chánh niệm

Trước khi thực hành chánh niệm được với bản thân, hãy tập cách nhìn khách quan không phán xét với sự vật hiện tượng hay người khác. Thanh thiếu niên, nhất là lứa tuổi mới lớn thường có xu hướng phản ứng nhanh với các sự việc. Cha mẹ thấy rõ điều này khi thường than phiền với nhau: “mình chưa nói xong mà nó đã cãi xong rồi”. Đây là một đặc tính của lứa tuổi chưa trưởng thành.

Tuy nhiên thay vì mặc kệ nó và tự nhủ rằng con sẽ thay đổi khi đủ lớn, thì hãy tâm sự với con để con tự dừng lại lâu hơn trước khi phản ứng. Thời gian dừng này, dù chỉ vài giây, đủ để con suy nghĩ về nguyên nhân, hậu quả và bối cảnh của sự việc, luyện tập cái nhìn bình tĩnh, khách quan và có chiều sâu đối với mọi thứ.

Giúp con bồi dưỡng lòng tự trắc ẩn còn là phương thức kết nối cha mẹ và con cái vô cùng hữu hiệu. Một đứa con được cha mẹ hướng dẫn về lòng tự trắc ẩn sẽ biết cách tự bảo vệ mình trong mọi hoàn cảnh, bởi vì con nó hiểu cha mẹ yêu thương và muốn bảo vệ con nhiều như thế nào.


👉 Đọc thêm các bài viết hay và bổ ích về cách Nuôi dạy con tại ĐÂY.

👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.