Trầm cảm vốn không còn là khái niệm xa lạ. Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ vẫn luôn “coi thường” căn bệnh này, cho rằng con mình rất khoẻ mạnh, hoạt bát, không thể bị suy sụp tới mức trầm cảm được. Chỉ đến khi con rơi vào khủng hoảng, có những biểu hiện bệnh nặng thì đã muộn. Bài viết này sẽ giải thích các thắc mắc thường gặp về căn bệnh này, giúp cha mẹ hiểu những nguy cơ mà các con phải đối mặt và từ đó cùng con vượt qua tốt hơn. 

Trầm cảm là gì và nguy hiểm đến đâu?

Trầm cảm là rối loạn tâm lý gây ra tâm trạng buồn rầu, chán nản, mệt mỏi, uể oải, mất hứng thú kéo dài. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại trong một thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho người mắc như: suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, các rối loạn tâm thần khác khiến người bệnh tìm cách tự tử.

Trầm cảm không “chừa” bất cứ ai. Theo PGS, TS Đặng Hoàng Minh, Trung tâm Thông tin hướng nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng tâm lý (Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam đang có khoảng 2.000.000 trẻ em vị thành niên cần trị liệu tâm lý. Thậm chí, càng những đứa trẻ học giỏi, vâng lời, nguy cơ bất ổn tâm lý, căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến trầm cảm lại càng cao. 

Tại sao con tôi lại bị trầm cảm?

Sở dĩ, lứa tuổi thanh thiếu niên dễ bị ảnh hưởng bởi trầm cảm do 3 nguyên nhân chính dưới đây:

  • Thay đổi tâm sinh lý: Cấp 2, cấp 3, và những năm đầu đại học là khi các con đang ở tuổi dậy thì, việc thay đổi môi trường học đôi lúc có ảnh hưởng lớn đến các con. Tâm sinh lý ở khoảng thời gian này chưa ổn định nên các con chưa có đủ khả năng nhận thức toàn diện về các vấn đề mình gặp phải. Vì thế, các con sẽ dễ bị ảnh hưởng từ chính những suy nghĩ tiêu cực và cuốn vào vòng xoáy căng thẳng ấy.
  • Gánh nhiều áp lực: Không chỉ đối diện với các kỳ thi quan trọng, những quyết định thay đổi tương lai, thế hệ Z còn gánh trên vai kỳ vọng về một “cuộc sống hoàn hảo”. Khác với những thế hệ trước lo lắng nhiều hơn về tiền bạc, các con còn khao khát được làm điều mình thích, trở thành một cá nhân có ích và sống một cuộc đời ý nghĩa. Điều này tất nhiên là một thử thách lớn. 
  • Chịu ảnh hưởng từ mạng xã hội: Đây được coi như là “đặc sản” của thế hệ Z. Đến 1/3 thời gian rảnh trong ngày của các con là ở trên mạng xã hội – nơi ai cũng cố gắng để trưng bày những mặt giỏi giang nhất, sành điệu nhất của mình. Vì thế, con dễ rơi vào cảm giác thua kém, cô độc và dần dần chán ghét chính mình. 

Biểu hiện của bệnh là gì?

Thông thường, cha mẹ có thể nhận thấy những biểu hiện sau:

  • Thu mình lại và thường rơi vào trạng thái trầm mặc: Con có xu hướng thu mình, tự cô lập không muốn giao tiếp hay tham gia các hoạt động đoàn thể, phàn nàn không có bạn thân hoặc khó chia sẻ với bạn. Với các mối quan hệ gần gũi, con cũng tỏ ra thờ ơ, ít quan tâm đến các hoạt động diễn ra xung quanh, đối với những người xung quanh, có thể ngay cả với những người thân thiết nhất. Con thường xuyên có cảm giác buồn chán không rõ rệt, không giải thích được nguyên nhân, hay cáu kỉnh.
  • Rối loạn trong sinh hoạt: Con có thể có cảm giác chán ăn hoặc thèm ăn vô độ, ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn bình thường, thường xuyên gặp ác mộng.
  • Rối loạn hành vi: Biểu hiện rõ rệt là việc con khó tập trung, dẫn tới việc khó tiếp thu trong học tập, kết quả học giảm sút. Một số khác lại cảm thấy hưng phấn, thấy khả năng của mình vượt trội, trẻ chăm chỉ học tập, kết quả ban đầu tốt nhưng sau đó kết quả lại bị giảm sút một cách rõ rệt. Nặng hơn, con có thể trở nên quậy phá, hành vi chống đối xã hội, chống đối bố mẹ, trốn học, trộm cắp, lập băng đảng hay nhóm bạn xấu.
  • Tự sát là một triệu chứng nghiêm trọng trong bệnh trầm cảm dù ở bất cứ mức độ nào, từ ý tưởng đến có hành vi tự sát. Nếu phát hiện ra bất cứ hành động nào liên quan tới tự sát ở con, thay vì hoảng loạn, mắng mỏ hay tra khảo, hãy lập tức trấn tĩnh tình hình và đưa con tới gặp bác sĩ tâm lý. 

Cha mẹ nên làm gì để giúp con vượt qua những nguy cơ từ trầm cảm?

Cách tốt nhất khi phát hiện trầm cảm ở con là tới các cơ sở y tế để con có được sự điều trị từ những người có chuyên môn. Nhiều cha mẹ cho rằng con “trái tính”, “dậy thì nên dở dở ương ương”. Tuy nhiên đây là một cách hiểu sai, trầm cảm là một loại bệnh và cần được điều trị phù hợp khi phát hiện.

Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Biện pháp tốt nhất vẫn luôn là lắng nghe con, đối xử với con một cách bình đẳng để con có cảm giác an toàn, tin cậy và sẵn sàng chia sẻ khi gặp các vấn đề. Từ đó, cha mẹ sẽ hiểu con hơn, theo dõi sát sao con và chính con cũng sẽ cảm nhận được rằng – mình không hề đơn độc trên chặng đường lớn khôn thử thách này.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.