Trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp

RMIT tin rằng mọi trải nghiệm của sinh viên đều phản ánh chân thực nhất chất lượng học tập và môi trường tại RMIT. Nhằm giúp cha mẹ có cái nhìn sâu hơn về các ngành học đang được giảng dạy tại trường, RMIT đã thực hiện loạt bài viết “Trải nghiệm thực tế của sinh viên các ngành tại RMIT“, trong đó ghi lại những chia sẻ chân thực nhất trải nghiệm học tập của sinh viên các ngành đang được giảng dạy tại trường.

Trong bài viết thứ tư thuộc series này, chúng tôi xin được chia sẻ những trải nghiệm học tập của 3 sinh viên đang theo học ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại RMIT. Hi vọng, cha mẹ và các con có thêm thông tin và góc nhìn khách quan để làm cơ sở đưa ra những quyết định chọn ngành chọn trường đúng đắn và phù hợp nhất.

Sinh viên Hoàng Cẩm Anh

Trong hơn 3 năm học Truyền thông tại RMIT, kiến thức và các bài tập, dự án ở trường liên tục được cập nhật và bám rất sát với thực tế khi đi làm. Chính vì vậy, khi ứng tuyển vào một số công ty, em nhận ra điểm chung của các nhà tuyển dụng đó là rất thích sinh viên Truyền thông của RMIT. Em nhớ khi tham gia một vài buổi phỏng vấn, các anh chị phòng Nhân sự rất ấn tượng với sinh viên RMIT có thành tích cao, có chị thậm chí còn hóm hỉnh chia sẻ rằng, “Chị nhìn thấy thành tích ở trường RMIT của em là chị phải gọi phỏng vấn em ngay”.

Hơn thế, em cảm thấy ở RMIT, mình thật sự được coach (huấn luyện) và training (đào tạo) một cách bài bản để dễ dàng thích nghi và thành công trong ngành Truyền thông. Không ít giảng viên ở RMIT đã từng làm trong ngành một thời gian dài nên họ rất am hiểu về những cơ hội, khó khăn hay thách thức thực tế của người làm truyền thông. Chính vì vậy, em cảm giác các thầy cô như đang truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm chứ không đơn thuần chỉ là dạy học nữa. Thầy cô ở RMIT cũng rất tận tậm và đặc biệt khuyến khích sinh viên đặt thật nhiều câu hỏi, thậm chí có giảng viên còn không nề hà tham vấn với sinh viên lúc 11 giờ đêm để kịp thời giải đáp thắc mắc của em về bài tập.

Sắp ra trường rồi, em sẽ rất nhớ những buổi học nhóm vui vẻ cùng nhau bàn bạc và cười đùa. Ở RMIT, sinh viên phải làm việc nhóm rất nhiều và may mắn là em được làm việc với những người có thế mạnh riêng khiến em có thể học tập từ họ. Khi mới vào trường, em cứ ngỡ chỉ chơi được với một số người nhất định vì tính em cũng khá ngại ngùng. Nhưng qua việc làm nhóm ở RMIT, em được làm việc với nhiều bạn bè với những màu sắc khác nhau, khiến em thật sự biết cách tôn trọng, cởi mở và mở lòng hơn với những sự khác biệt riêng ấy.

Và có lẽ điểm nhấn tuyệt vời nhất trong quãng thời gian học tại RMIT của em là được đi du học trao đổi sang RMIT Melbourne (Úc). Em được thật sự trải nghiệm cuộc sống tự do, học cách tự lập từ những việc hàng ngày như nấu ăn hay dọn dẹp, được tạo nên những kỉ niệm khó quên cùng bạn bè, được học những điều mới lạ từ đất nước Úc và mỗi ngày thức dậy đều đặt câu hỏi “hôm nay nên đi đâu chơi, đi đâu khám phá, đi đâu thử xem, thử ăn cái này cái kia”, khiến em cảm thấy mình được mở mang hơn rất rất nhiều. Chắc chắn đó sẽ là quãng thời gian của cuộc đời sinh viên mà sau này đi làm rồi, em sẽ nhớ nhiều lắm! 

Cựu sinh viên Hoàng Nhật Minh

Điều em rất cảm kích khi học Truyền thông tại RMIT đó là mọi người luôn tôn trọng em dù em là người khuyết tật. Các thầy cô thường khuyến khích em sử dụng các chất liệu và cảm hứng từ chính cuộc sống của mình để đưa vào bài tập trong ngành Truyền thông, và em rất biết ơn vì điều đó.

Có lẽ người để lại ấn tượng lớn nhất với em là cố giảng viên Tiến sĩ Bennett McClellan. Thầy đã tiếp thêm niềm tin cho em rằng em có thể sử dụng máy ảnh dù là người khiếm thị và em có thể chỉnh sửa video thành thạo như những sinh viên có thị lực bình thường.

Sau kỳ thực tập bắt buộc của ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại RMIT, em đã trở thành nhân viên chính thức tại phòng Truyền thông và Gây quỹ của tổ chức từ thiện Saigon Children, chuyên phụ trách mảng nội dung website. Đồng thời, em là điều phối viên cho dự án truyện tranh về an toàn mạng của tổ chức này.

Trước khi có được công việc hiện tại, em đã trải qua một khoảng thời gian ngắn khá lo lắng vì hai tổ chức khác trước đây có ý định tuyển dụng em đã phải thu hồi lại lời mời làm việc do ảnh hưởng của COVID-19.

Thật may mắn là nhờ cổng thông tin tuyển dụng CareerHub của RMIT, em đã có ba tháng thực tập tại tổ chức Saigon Children. Sau đó, em được gia hạn thêm một tháng thực tập rồi trở thành nhân viên chính thức của tổ chức. Em rất vui khi được tiếp tục bước trên con đường mình đã chọn, đó là làm truyền thông liên quan đến giáo dục đặc biệt và công tác xã hội. Đây là một lĩnh vực khá đặc thù và chưa thực sự phổ biến nhưng phù hợp với năng lực, tính cách cũng như kinh nghiệm của em.

RMIT và các thầy cô, bạn bè ở ngành Truyền thông đã cho em sự tự tin, kiến thức và kỹ năng mà em tin rằng không trường đại học nào khác ở Việt Nam có thể đem đến cho những sinh viên khuyết tật như em. Em rất hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn nhận được những cơ hội và trải nghiệm tuyệt vời như em từng có.

Cựu sinh viên Đỗ Lan Chi

Nếu chỉ có 1 từ để miêu tả trải nghiệm 3 năm rưỡi làm sinh viên RMIT của mình, “đáng giá” sẽ là từ em chọn.

Với em, quãng thời gian theo học ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại RMIT Hà Nội đã mở đầu trong bỡ ngỡ, ngây thơ để rồi kết thúc viên mãn, trọn vẹn khi em trưởng thành và mạnh dạn bước ra ngoài cuộc sống.

Ngành Truyền thông tại RMIT là nơi đã thúc đẩy em vượt qua giới hạn của bản thân và cho em cơ hội thực hiện rất nhiều cái “lần đầu” của mình như: lần đầu học cách dựng kịch bản, dựng báo, dựng phim và… dựng bản thân dậy để tiếp tục sau nhiều lần thất bại; lần đầu học cách phát triển một chiến dịch truyền thông – từ khâu phân tích khách hàng, nghiên cứu thị trường tới lên concept rồi hiện thực hóa ý tưởng; lần đầu học tập và sinh sống với nhiều trải nghiệm không-bao-giờ-quên khi đi du học trao đổi ở Melbourne, Úc.

Cá nhân em đánh giá chương trình học của ngành Truyền thông tại RMIT rất bài bản và thực tiễn nhờ kỳ thực tập cũng như những bài tập dự án cho phép sinh viên được làm việc với khách hàng thật hoặc giải đề bài mô phỏng bám sát thực tế. Chẳng hạn, ở môn Sáng tạo nội dung quảng cáo (Copywriting), em nhận được đề bài mô phỏng từ Liên Hợp Quốc (UN) là lên nội dung và thiết kế ấn phẩm truyền thông tuyên truyền các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân trong thời điểm COVID hoành hành. Nhìn chung, bài giảng và bài tập của ngành Truyền thông đều mang tính ứng dụng cao, giúp sinh viên rèn luyện cách tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề ngay từ năm nhất.

Nhờ vậy mà ngay từ năm đầu đại học khi thực tập tại một công ty nước ngoài, em đã may mắn được các anh chị quản lý nhận xét tích cực về kỹ năng cũng như tư duy làm truyền thông.

Trong một thế giới đầy biến động như hiện tại, những kiến thức chúng ta từng biết và quen thuộc với có thể sẽ dần thay đổi và cải tiến không chỉ với ngành Truyền thông mà với tất cả các ngành khác. Thế nhưng em tin rằng tư duy sắc bén và kỹ năng phân tích – xử lý vấn đề sẽ luôn giúp chúng ta giữ vững bản lĩnh và sự tự tin, bất chấp mọi đổi thay của thời cuộc.

Và RMIT chính là nơi rèn luyện cho em cả về tư duy và kỹ năng đó. 


▪ Tìm hiểu ngành Cử nhân Truyền thông Chuyên Nghiệp của Đại học RMIT tại ĐÂY

▪ Tìm hiểu thêm về trải nghiệm của các sinh viên đang theo học các chương trình Cử nhân khác tại RMIT ở ĐÂY

▪ Đọc thêm: Làm việc trong ngành truyền thông thì thế nào?

▪ Đọc thêm: Phân biệt ngành Tiếp thị Số & ngành Truyền thông Chuyên nghiệp của RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.