Trải nghiệm thực tế của sinh viên ngành Digital Business (Kinh doanh Kỹ thuật số)

RMIT tin rằng mọi trải nghiệm của sinh viên đều phản ánh chân thực nhất chất lượng học tập và môi trường tại RMIT. Nhằm giúp cha mẹ có cái nhìn sâu hơn về các ngành học đang được giảng dạy tại trường, RMIT đã thực hiện loạt bài viết “Trải nghiệm thực tế của sinh viên các ngành tại RMIT“, trong đó ghi lại những chia sẻ chân thực nhất trải nghiệm học tập của sinh viên các ngành đang được giảng dạy tại trường.

Trong kỳ thứ 9 thuộc series này, kính mời Cha Mẹ lắng nghe chia sẻ trải nghiệm học tập thú vị của các sinh viên đang theo học ngành Digital Business (Kinh doanh Kỹ thuật số) tại RMIT. Hi vọng, Cha Mẹ và các con có thêm thông tin và góc nhìn khách quan để làm cơ sở đưa ra những quyết định cùng con trong việc chọn ngành chọn trường đúng đắn và phù hợp nhất.

Sinh viên Hồ Mai Anh
Sinh viên ngành Digital Business - Hồ Mai Anh

Trải qua 6 học kỳ với chuyên ngành chính là Digital Business và ngành phụ là Entrepreneur tại RMIT, em cũng có khá nhiều kỷ niệm và chia sẻ về ngôi trường này. Cũng giống như bao bạn khác, sau khi kết thúc cấp 3, em bước vào đại học với đầy sự bỡ ngỡ, không rõ bản thân thích và phù hợp với điều gì, nên ở khoản thời gian đầu cả em và gia đình đã mất nhiều thời gian về chuyện chọn ngành học. Vì vậy em đã đổi ngành đến tận 3 lần đấy! Nhưng, em rất muốn cảm ơn RMIT, đã sắp xếp chương trình học hợp lý, đi từ nền tảng vững chắc ở năm đầu tiên trước khi bước vào chuyên ngành, nhờ vậy em có một năm để trải nghiệm, và tìm được ngành học phù hợp với bản thân.

Trước khi đến với Digital Business em đã theo học một ngành khác, tuy chưa trải nghiệm môn chuyên ngành nào của ngành đó, nhưng bản thân luôn có cảm giác hoài nghi, không hài lòng về ngành học trong khoảng thời gian đó. Nhưng khi được biết trường có thêm một ngành mới là Digital Business, em đã chộp lấy cơ hội và đổi sang ngay. Em nhận thấy sự phát triển của việc ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ thông tin trong việc chuyển đổi số mô hình kinh doanh, đang được đẩy mạnh rất nhiều không chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu. Nên Digital Business là một cơ hội tiềm năng, để em có thêm hiểu biết, trải nghiệm về chuyển đổi số, thích ứng với thời đại số. Quả thật như vậy, khi bước vào những môn học của ngành, em không chỉ học kiến thức, lý thuyết suông, mà ngành học được thiết kế vô cùng thực tế, tiếp cận những nghiên cứu và dự án gần nhất, những bài tập ứng dụng thực tiễn.

Học và làm được diễn ra song song. Điển hình, trong số các môn mình đã học em ấn tượng với môn Creativity Innovation and Design Thinking, ở môn này em được tiếp cận với tư duy thiết kế sáng tạo và được thực hành nó thông qua một dự án nhóm trên lớp. Ngoài ra em cũng cơ hội làm việc với doanh nghiệp, thông qua môn Digital Marketing để thực hành lên kế hoạch số cho doanh nghiệp.
Tuy học kỳ vừa rồi không được đến trường, nhưng nhờ chương trình trực tuyến em đã ứng dụng những tư duy về ‘thiết kế sáng tạo’, ‘nền tảng kỹ thuật số’ và mô hình kinh doanh thực tiễn tại một cuộc thi về khởi nghiệp giữa Việt Nam và Thái Lan, đội thi của em đã đạt giải National Winner.

Sinh viên Võ Trần Minh Hiển
Sinh viên ngành Digital Business - Võ Trần Minh Hiển

Khởi nghiệp là hướng đến những sự đổi mới luôn là niềm đam mê của em từ những năm cấp 2. Digital Business là ngành học em chọn để phát triển sở thích của mình và đó cũng là lý do mang em đến với trường ĐH RMIT. Trước đó, em có một người chị là cựu sinh viên và em đã chứng kiến những thay đổi tích cực rõ rệt về mặt suy nghĩ và định hướng của chị sau khi học ở đây. Chính vì những lý do đó, em tự tin là môi trường ở RMIT phải gọi rất là tuyệt vời và có mong muốn được trở thành sinh viên của trường sau này.

Về ngành học của em – Digital Business, các môn học và nội dung giảng dạy đều rất cụ thể và thực tế, tất cả đều rất sát với nhu cầu của một sinh viên luôn yêu thích StartUp và sự đột phá. Macroeconomics (Kinh tế vĩ mô) có lẽ là môn học em ấn tượng nhất vì có những yếu tố về kinh tế ở mức độ vĩ mô, rèn luyện những kỹ năng, kiến thức kinh tế từ những điều cơ bản nhất. Bên cạnh đó, hai môn học Design Thinking và Digital StartUp (Tư duy thiết kế và khởi nghiệp thời đại số) là bàn đạp tiếp theo thúc đẩy sở thích và đam mê của em sau này. Qua môi trường học tập, văn hoá và con người ở RMIT, em cảm thấy mình có rất nhiều cơ hội để trau dồi và phát triển cả trong và ngoài những bài giảng trên lớp.

‘Cuộc sống sinh viên’ có lẽ sẽ là điều mà bạn nào cũng nên trải nghiệm khi học ở RMIT. Đối với em, đây là những trải nghiệm thú vị nhất và không thể nào quên được sau khi ra trường. Đặc biệt phải kể đến GFCC (Golden Flame Competition Club), sau 3 học kì gắn bó thì em đã không còn coi nơi đây là một câu lạc bộ nữa mà GFCC đã trở thành ngôi nhà tại RMIT. Cả môi trường, văn hóa và những con người ở nơi đây đã khiến em trở thành một phiên bản tốt hơn qua mỗi ngày.

Sau khi nhìn nhận lại bản thân qua suốt 1 năm ở RMIT, em có thể thấy được sự thay đổi rõ rệt trong lối tư duy và suy nghĩ trong học tập và đời sống. Từ một con người mập mờ trong định hướng, thì khi ở RMIT, tương lai và mục tiêu về 1 con đường phía trước ngày càng rõ ràng hơn. Sự thay đổi này đến từ những gì mà em đã học được trên lớp và còn phải kể đến những trải nghiệm từ những cuộc thi mình đã tham gia. Hành trình hơn 1 năm ở RMIT, em đã tham gia 5 cuộc thi trong lĩnh vực Marketing, StartUp, Môi trường và Phân tích dữ liệu. Dù chưa bao giờ được ẵm giải cao nhất, nhưng em đã có được những kinh nghiệm chuyên sâu và những sự “giác ngộ” kiến thức trong suốt quá trình đó. Từ đó em có thể định hướng một lối tư duy mới cũng như xác định những ngành nghề mình muốn làm khi ra trường dễ dàng hơn. 

Sinh viên Nguyễn Minh Hằng
Sinh viên ngành Digital Business - Nguyễn Minh Hằng

Trước đây em là học sinh RMIT Melbourne, chuyên ngành của em về Business Information Systems (Hệ thống thông tin kinh doanh). Nhưng vì do dịch nên em đã bảo lưu và về nước, em đã quyết định sẽ chuyển toàn bộ việc học về Việt Nam để không bị gián đoạn. Bản chất của ngành học Business Information Systems là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và kinh doanh, em cũng rất thích ngành học này nên khi về Việt Nam thì em khá băn khoăn trong việc đổi ngành vì BIS không khả dụng tại RMIT Việt Nam. Mặc dù vậy, khi thấy ngành Digital Business thì em đã khá là hứng thú, vì nó vừa có yếu tố kinh doanh, cũng vừa được học về một chút công nghệ. Em còn đặc biệt ấn tượng khi Digital Business học rất nhiều về xu hướng thời đại kết hợp phương pháp học đi đôi với thực hành, nên cho em cơ hội bắt kịp với những thay đổi của công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh. Ban đầu, khi chuyển về RMIT Việt Nam thì em cũng có một chút bối rối về văn hóa dạy và học ở đại học Việt Nam. Sự khác nhau chủ yếu về cách dạy, cách học cũng như cách chấm điểm và làm việc đều rất khác chương trình Úc. Tuy nhiên, em đánh giá chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất của RMIT Việt Nam không hề thua kém, xứng đáng với môi trường quốc tế.

Đối với ngành Digital Business, mặc dù đây là ngành học mới, nhưng nội dung giảng dạy và chất lượng giáo viên đều rất ổn. Điều em thích nhất về ngành học này là các môn học không hề khô khan một chút nào. Các môn học đều được cập nhật chính xác với xu hướng thị trường lao động, các bài giảng đều được giáo viên lồng ghép những kiến thức chuyên sâu và ví dụ thực tế. Và là vì ngành về Đổi mới sáng tạo (Innovation) nên chúng em đều được thỏa sức thể hiện sự sáng tạo và ý tưởng của mình. Digital Marketing là môn học yêu thích nhất của em trong những môn tự chọn. Em may mắn được học một cô giáo viên rất tuyệt vời, vô cùng tâm lý, chuyên môn sâu và sẵn sàng lắng nghe trao đổi cùng sinh viên. Môn học còn yêu cầu sinh viên làm việc trong môi trường nhóm và với khách hàng thực tế bên ngoài ngoài trường, nên em thực sự có thể hiểu sâu về các tình huống kinh doanh thực tế cũng như cách giải quyết phù hợp.

Các hoạt động sinh viên đồng thời là những trải nghiệm đặc biệt mà em không thể không nhắc đến. Sau 1 kỳ về Việt Nam thì em có đăng kí 2 câu lạc bộ là CLB m nhạc (RMIT Music Club) và RMIT GFCC (Golden Flame Competition Club). Ở đâu cũng đều cho em cơ hội phát triển, từ bạn bè, học tập cũng như tạo cho mình môi trường để vừa thể hiện đam mê âm nhạc của mình. Bên cạnh đó, em vừa được nâng cao kiến thức chuyên ngành và kĩ năng qua các cuộc thi, bổ trợ cho công việc sau này. Em đã gặp rất nhiều người bạn mới tuyệt vời, luôn sẵn sàng hỗ trợ và cùng nhau phát triển. Trước đây em cũng chưa bao giờ có khái niệm gì về các cuộc thi cho sinh viên, nhưng sau khi vào GFCC thì em đã tự thúc đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn và đăng kí cuộc thi AWS Build On Vietnam (cuộc thi hackathon do Amazon Web services (AWS) phối hợp với VnDXE tổ chức), và may mắn vào được top 9 toàn quốc. Đó cũng là cuộc thi đầu tiên cho sinh viên em từng tham gia. Chia sẻ thêm một chút là em cũng có đang tham gia 1 cuộc thi về Business Analytics cùng các bạn trong GFCC, và có thể là sẽ đăng kí tiếp một cuộc thi trong kì này nữa.

Sau một quãng thời gian ngắn ở RMIT, em cảm thấy bản thân đã cởi mở và trưởng thành hơn rất nhiều. Em đã từng chỉ chú tâm vào việc học, làm sao để được điểm cao trên lớp và đi thực tập. Tuy nhiên, khi ở trong một môi trường năng động như vậy thì tự bản thân mình cảm thấy có nhu cầu cần phải năng động hơn, hoạt bát hơn nữa. Chính vì thế, em đã đăng kí tham gia vào các câu lạc bộ, các chương trình hội thảo khác nhau để mở rộng tầm nhìn cũng như mối quan hệ của mình. Em không chỉ học được kiến thức chuyên ngành mà còn về các kỹ năng thực tế. Vài lời cuối là em thật sự rất khuyến khích các bạn học sinh theo ngành Digital Business nếu các bạn là người yêu thích sự đổi mới hiện đại, thích được trải nghiệm thực tế và học về những xu hướng trong tương lai nha!


RMIT thực sự là nơi các bạn sẽ trưởng thành rất nhiều và có nhiều trải nghiệm đẹp nếu bạn biết nắm bắt đó.


👉 Tìm hiểu ngành Digital Business (Kinh doanh Kỹ thuật số) của RMIT tại đây

👉 Phân biệt những ngành học cùng “họ” Digital (Kỹ thuật số) của RMIT

👉 Phân biệt 2 ngành học Digital Business và Digital Marketing tại RMIT

👉 Đọc thêm về trải nghiệm thực tế của sinh viên các ngành học khác của RMIT tại đây

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.