Trải nghiệm du học trao đổi khi là sinh viên RMIT

Mọi sinh viên theo học tại RMIT đều có cơ hội du học trao đổi từ 6 tháng tới 1 năm tại RMIT Melbourne hoặc hơn 200 cơ sở giáo dục đối tác của RMIT trên toàn thế giới. Đây là một trong những trải nghiệm thú vị và sẽ đem lại nhiều bài học quý báu cho sinh viên. Bài viết dưới đây là lời tâm sự của Lê Tuấn Anh, cựu sinh viên RMIT, về trải nghiệm khó quên này. 

Tại sao tôi lại đi trao đổi sinh viên?

Tôi có một quan điểm là, trong cuộc đời của mỗi người, đặc biệt là khi còn trẻ, nếu có cơ hội đi nước ngoài một chuyến thì nên đi luôn và ngay. Đi du lịch vài ngày, đi công tác vài tuần hay đi học một vài tháng – nếu có điều kiện về thời gian và tài chính, phải nắm bắt lấy liền. Đi nước ngoài bên cạnh việc được học những điều mới, thì còn là cơ hội để đắm chìm vào một nền văn hóa mới, đi ra khỏi cái giếng nhỏ Việt Nam mà lâu nay mình vẫn ngồi. Việc gặp những con người mới, tiếp xúc những kiến thức mới, nói một thứ ngôn ngữ mới, đi chơi những nơi mới – không ít thì nhiều, kiểu gì cũng giúp cho một cá nhân mở mang đầu óc ra được rất nhiều. 

Tôi có một quan điểm chắc chắn như vậy, bởi chính bản thân mình là một người đã được trải nghiệm sự mở mang đó nhờ sáu tháng đi trao đổi sinh viên qua RMIT Melbourne vào năm 2014. Khoảng thời gian sáu tháng thực sự không quá dài nhưng nó đã định hình và thay đổi thế giới quan của tôi rất nhiều. Đầu năm 2014, khi vừa kết thúc năm thứ hai tại RMIT, tôi quyết định tham gia chương trình trao đổi sinh viên vì ba lý do.

Đầu tiên, tôi cũng ham hố đi nước ngoài, được mở mang tầm mắt và học hỏi những điều hay ho như đã nói ở trên. Thứ hai, sinh viên trao đổi tụi tôi chỉ cần đóng mức học phí y hệt như tại Việt Nam – tức là rẻ hơn nhiều so với việc phải đóng học phí theo mức học phí của nước mà tôi đến, thế nên phải tận dụng thời cơ liền. Thứ ba là một lý do cá nhân, từ bé tôi là một chàng ‘công tử bột’ trong nhà, được bố mẹ nuông chiều chẳng phải đụng chân đụng tay vào việc gì trong nhà, nên tôi muốn nhân chuyến đi xa này để ‘trưởng thành’ hơn – vì tôi biết, ai rồi cũng phải trưởng thành, chứ làm sao cứ bám theo bố mẹ mãi cho được. 

Trao đổi sinh viên đã mang lại gì cho tôi? 

Cái đầu tiên mà chuyến trao đổi sinh viên qua Úc mang lại cho tôi chính là sự mở rộng về kiến thức ở một đất nước phát triển. Tôi học ngành Truyền thông Chuyên nghiệp, thời điểm 2014, đây vẫn là một ngành mới ở Việt Nam, đến giờ có lẽ vẫn vậy. Tuy nhiên ở Úc, truyền thông đã rất phát triển rồi. Người ta thường nói, muốn nhìn thấy trước tương lai của một lĩnh vực ở Việt Nam sẽ phát triển ra sao, hãy tìm hiểu về những gì đã và đang xảy ra ở một đất nước phát triển. Khi sang Úc học những môn về lịch sử truyền thông, tìm hiểu và nghiên cứu về các hoạt động truyền thông của những công ty lớn tại đây – bản thân tôi mới vỡ lẽ ra được rất nhiều, và từ đó dự đoán được tình hình tại Việt Nam những năm tiếp theo. Cũng vì thế mà tôi có sự chuẩn bị cần thiết về kỹ năng và kiến thức để đón đầu. 

Ngoài ra, việc làm nhóm cùng bạn bè quốc tế, đứa thì ở Đức phát triển hơn, đứa thì ở Malaysia giông giống Việt Nam, đứa thì đến từ các nước châu Phi còn chưa phát triển bằng, cũng là một cơ hội để vừa rèn luyện ngôn ngữ, vừa cập nhật những gì đang xảy ra trong ngành mình diễn ra ở các nước khác trên thế giới. Những kiến thức này vô giá lắm, nhiều khi đọc qua sách vở không thể cảm thụ được hết. Bên cạnh đó, sáu tháng ở Úc tôi có dành thời gian để học thêm tiếng Tây Ban Nha, nhờ vậy bây giờ ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, tôi có thêm cho mình một vốn tiếng thứ ba – cũng lợi thế hơn hẳn trong việc đi tìm kiếm cơ hội việc làm. 

Điều thứ hai mà nước Úc dạy cho tôi là kỹ năng sống độc lập. Như tôi đã chia sẻ ở trên, ở nhà tôi là một cậu quý tử, sáng dậy có ba gấp chăn, ăn cơm đã có mẹ nấu, nhà cửa không phải lo lắng tí nào cả – chỉ cần đi học, đi chơi và đi về thôi. 

Khi sang đến nước Úc và thuê một căn nhà riêng ở ngoại ô St. Albans (một thành phố cách trung tâm khoảng 30 phút đi tàu) cùng với 5 đứa bạn khác, tôi phải học cách sống độc lập và sống chung với những người khác. 

Sống độc lập là khi phải biết tự tính xem tháng này mình có mấy trăm đô Úc, mấy trăm đô đó chia như thế nào cho tiền nhà, tiền đi tàu, tiền ăn rồi còn tiền đi chơi chỗ này chỗ kia và mua sắm cái này cái nọ. Nếu tháng nào lỡ ăn nhiều, thì phải bớt đi chơi lại. 

Sống độc lập là khi phải biết tự mày mò mà nấu ăn ở nhà vì ăn ngoài tiệm tốn tiền lắm, sau vài lần chiên gà cháy ngoài sống trong, phi hành tỏi khói mù mịt khắp nhà, tôi – một thằng con trai công tử ngày nào – đã tự luyện cho mình kỹ năng nấu các món ăn cơ bản đủ để tôi có thể tự tin không lo chết đói khi sống ở bất kỳ đâu.

Đi trao đổi lần này là một cơ hội mà tôi học được sống chung với những người khác quả thật không dễ. Những đứa bạn ở nhà thân thiết, chí chóe với nhau vậy – khi đi sang và ở cùng một nhà sẽ nảy sinh bao nhiêu là vấn đề. Đứa nào dọn nhà, đứa nào đổ rác, tiền bạc chia ra sao, đồ đạc cất dọn thế nào để không mất và không nhầm lẫn – tất cả những chuyện như thế này, nghe thì khổ nhưng bây giờ suy nghĩ lại thì quả là một bài học lớn và cảm thấy thật may mắn khi học được những bài học như vậy. Ở tuổi trưởng thành bây giờ, có những cái sai sẽ phải trả giá bằng tiền và nhiều thứ khác. Ở tuổi sinh viên có cơ hội được thử, những cái sai, những cái khổ như trên là một cơ hội để tôi trưởng thành và học thêm được những điều mới. 

Kết lại bài này, tôi vẫn nghĩ rằng nếu bạn có cơ hội, thời gian và tài chính – đừng bỏ qua việc đi du học. Du học có rất nhiều cái sướng, cũng sẽ không ít những cái khổ – nhưng tất cả những thứ sướng khổ xảy ra đó, sẽ là chất xúc tác để tôi luyện nên một con người trưởng thành của bạn ngày sau. Để sau này khi ngồi lại trò chuyện cùng con cháu, bạn có thể tự hào kể lại rằng “Ngày xưa bố đã đi đây, ngày xưa ông đã đi đó.” Vật chất có thể mai một, nhưng trải nghiệm thì sẽ là tài sản quý giá luôn ở đó mãi. 

Về tác giả Lê Tuấn Anh:

Lê Tuấn Anh là cựu sinh viên loại giỏi chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp của Đại học RMIT và hiện đang theo đuổi lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh và sinh viên. 

Tuấn Anh đã tham gia giảng dạy nhiều lớp kỹ năng dành cho sinh viên các trường đại học lớn; và là tác giả cuốn sách “Nhắm mắt bắt được việc” và “Định vị bản thân”. Anh hiện đang công tác tại công ty Tâm Lý Hồn Việt với vị trí Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.