Trắc nghiệm nghề nghiệp

Khi con chuẩn bị chọn ngành nghề cho bậc đại học, con thường được hướng dẫn làm một số bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Những bài trắc nghiệm này thường giúp con nhận ra sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó có những gợi ý ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, ba mẹ và con cần lưu ý một vài điểm sau đây để hiểu đúng về kết quả các bài kiểm tra này.

Trắc nghiệm nghề nghiệp cho biết thiên hướng, không dự đoán thành công

Kết quả trắc nghiệm nói lên những đặc điểm chính của con ở thời điểm hiện tại, thường là điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, những giá trị con coi trọng, môi trường làm việc con yêu thích hoặc những thứ con ghét. Từ đây, cha mẹ có thể dự đoán con phù hợp với những mảng ngành nghề nào. Tuy nhiên, kết quả không nói lên rằng con giỏi đến đâu, cũng không đảm bảo rằng con sẽ tự nhiên thành công trong những nghề nghiệp này. Vì vậy, việc con yêu thích và có khả năng sẽ không là gì cả nếu con không siêng năng học hỏi và cố gắng trong ngành nghề con chọn.

Trắc nghiệm nghề nghiệp cho con hướng đi, không phải một câu trả lời cụ thể

Trắc nghiệm nghề nghiệp không đưa ra cho con một lựa chọn ngành nghề duy nhất, mà định hướng về một mảng ngành nghề. Ví dụ, kết quả của 1 bài trắc nghiệm thường sẽ liệt kê ra những thế mạnh, điểm yếu và sở thích của con, dựa trên đó, con sẽ phù hợp làm những công việc có các đặc điểm như nào, và liệt kê danh sách một số ngành nghề để con lựa chọn. Nếu con vẫn chưa thể chọn ngay, con sẽ phải tìm hiểu, đọc thêm thông tin về các ngành nghề này để xem ngành nghề nào con yêu thích hơn cả.

Bài trắc nghiệm nghề nghiệp nào cũng giống nhau, nên chỉ cần làm một bài bất kỳ là được

Đúng là điểm chung của những bài trắc nghiệm hướng nghiệp là giúp con định hướng ngành nghề tương lai. Tuy nhiên, để làm ra một bài trắc nghiệm chất lượng và chính xác, đòi hỏi bài trắc nghiệm đó phải dựa trên những nghiên cứu đáng tin cậy, được viết bởi những chuyên gia bởi họ biết cách đặt câu hỏi rõ ràng để người đọc hiểu đúng và trả lời đúng trọng tâm. Nếu người đọc hiểu sai câu hỏi và trả lời lạc đề, bài trắc nghiệm sẽ không đo lường được thứ cần đo và sẽ định hướng sai. Những bài trắc nghiệm nghề nghiệp tự chế, trôi nổi trên internet thường có cách đặt câu hỏi mù mờ, dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt với nhiều lỗi dịch thuật, hoặc cho ra kết quả rất sơ sài, thiếu sót. Định hướng nghề nghiệp là việc quan trọng, ba mẹ và con không nên sử dụng những bài trắc nghiệm kém chất lượng mà nên có những bước hướng nghiệp đầy đủ và đúng cách.

Bài trắc nghiệm Holland được sử dụng ở đại học RMIT

Khi định hướng ngành nghề cho sinh viên, đại học RMIT sử dụng bài trắc nghiệm sở thích Holland được phát triển bởi tiến sĩ tâm lý học người Mỹ – John Holland. Trắc nghiệm Holland chia tính cách con người ra làm 6 nhóm, tương ứng với 6 loại ngành nghề phù hợp: kỹ thuật, nghệ thuật, nghiệp vụ, nghiên cứu, quản lýxã hội. Bài trắc nghiệm này đã được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia hàng đầu về giáo dục, như Hà Lan, New Zealand, Thuỵ Sĩ… Khi được hiểu đúng và phân tích đúng, kết quả của bài trắc nghiệm Holland rất đáng tin cậy trong việc giúp con định hướng nghề nghiệp tương lai của mình.

Để tìm hiểu về bài trắc nghiệm này và các bài phân tích sâu cho từng nhóm sở thích, cha mẹ có thể tìm hiểu tại bài viết “Hướng nghiệp cùng trắc nghiệm tính cách Holland“.

Comments

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.