Khi trở thành tân sinh viên, sẽ có rất nhiều công việc cùng lúc ập đến mà con cần phải nhanh chóng thực hiện. Đó có thể là những bài tập nhóm, công việc câu lạc bộ, hay những dự án đầu tiên con được tham gia ở nơi làm việc.
Để xử lý chúng một cách năng suất và hiệu quả, RMIT gợi ý con một số website để khám phá và trải nghiệm. Với sự hỗ trợ từ những trang web này, con hoàn toàn có thể sắp xếp và hoàn thành công việc với hiệu suất cao nhất.
Quản lý thời gian & sắp xếp công việc

Outlook Calendar hoặc/và Google Calendar
Khi lên đại học, lịch trình học tập, làm việc, sinh hoạt rất dễ bị chồng chéo lên nhau. Outlook Calendar hoặc Google Calendar có thể giúp con sắp xếp thời gian biểu theo ngày, theo tuần, theo tháng tùy nhu cầu. Ngoài ra con cũng có thể thêm những lời nhắc để ghi nhớ các công việc hàng ngày.
Con có thể tải ứng dụng trên điện thoại, máy tính bảng và dùng đồng thời với website trên máy tính, rất dễ dàng để truy cập bất cứ đâu.
Đây là trang web rất nổi tiếng với các bạn sinh viên, và thậm chí cả người đi làm. Notion tích hợp nhiều chức năng như thiết lập bảng, gõ văn bản, sắp xếp lịch trình, lên kế hoạch, v.v… Rất phù hợp để con sắp xếp công việc, nội dung học tập, hay thậm chí quản lý thời gian của mình.
Notion còn có tính năng làm việc theo nhóm, tức là các bạn sẽ có thể cùng truy cập và quản lý chung một tài khoản để xử lý các đầu mục công việc khác nhau.
Thời gian đầu sử dụng, có lẽ sẽ cần thời gian để làm quen với sự đa dạng của website này. Tuy nhiên khi đã thành thạo, con sẽ thấy Notion vô cùng hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Hầu hết mọi người thường đã quen với các tiện ích của Google như Google Drive, Google Sheet, v.v… Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng hiệu quả Google Keep – nơi giúp con viết note, vẽ hình, lập to-do list, v.v… trên nhiều thiết bị.
Thông qua Google Keep, con có thể ghi lại nhanh chóng các ý tưởng của mình để sử dụng sau này. Con có thể mở Google Keep trên điện thoại, máy tính, hoặc trong lúc đang sử dụng Google Docs.
Con cũng có thể thêm các tài khoản email khác nhau để cùng các bạn đóng góp nội dung trên Google Keep, tương tự với các tiện ích khác của Google.
Tìm kiếm giáo trình, tài liệu


Thư viện RMIT là nguồn học liệu khổng lồ con có thể tiếp cận khi trở thành sinh viên của trường. Không chỉ tiếp cận được thư viện tại Việt Nam, con còn được tiếp cận với thư viện hiện đại với nguồn tư liệu lớn tại Melbourne.
Google Scholar cũng là kênh mà con có thể tìm kiếm nguồn tài liệu học thuật bên cạnh thư viện của trường.
Ngoài ra, sinh viên RMIT còn được tiếp cận rất nhiều cơ sở dữ liệu uy tín thuộc nhiều lĩnh vực mà bình thường muốn sử dụng sẽ phải trả phí rất cao. Một số cơ sở dữ liệu đó bao gồm: EBSCOhost Web, Euromonitor Passport, IBISWorld, LinkedIn Learning, ProQuest Central, PubMed, Scopus, Web of Science…
Z-library được mệnh danh là website sách điện tử lớn nhất thế giới. Tại đây, con có thể tìm đọc miễn phí đến 5 triệu đầu sách và hơn 74 triệu bài tạp chí khác nhau, trong đó bao gồm cả tài liệu tiếng nước ngoài và tiếng Việt.
StuDocu cung cấp vô vàn tài liệu hướng dẫn học tập, đề cương, đáp án, thậm chí sách giáo khoa cho sinh viên tại Việt Nam. Trang web giúp các con tìm kiếm tài liệu và sách tham khảo từ các trường đại học khác nhau trên khắp cả nước với hàng trăm bộ đề và lời giải của nhiều môn học khác nhau.
Libgen hay Library Genesis là một thư viện chia sẻ miễn phí nhiều bài báo học thuật, sách giáo trình hoặc sách truyện phổ thông, hình ảnh, sách nói và các loại tạp chí. Thông qua trang web này, con có thể khám phá được nhiều nguồn tài liệu thú vị và hữu ích cho quá trình học tập.
Thiết kế, sáng tạo


Khi là một sinh viên, con sẽ thường xuyên làm việc nhóm và cần phải chuẩn bị bài thuyết trình. Thông qua 03 website được gợi ý ở đây, con có thể tự tạo miễn phí những bản trình bày chuyên nghiệp với đa dạng mẫu thiết kế.
Canva, Slidescarnival và Slidesgo là 03 trang web vô cùng thân thiện với người sử dụng. Chỉ trong thời gian ngắn, con đã có thể nắm thành thạo cách sử dụng và nhanh chóng tạo ra sản phẩm cho riêng mình.
Trong quá trình học tập, đây là 03 trang web có thể giúp con lấy cảm hứng và hỗ trợ con trong việc sáng tạo.
Behance là nơi những nhà sáng tạo đăng tải sản phẩm của mình. Thông qua việc tham khảo các mẫu thiết kế từ họ, con có thể được truyền cảm hứng để tìm ra phong cách riêng độc đáo của mình. Behance còn sở hữu những video hoặc bản phát trực tiếp nhằm hướng dẫn hoặc chia sẻ về quá trình thực hiện các sản phẩm từ những nhà sáng tạo. Dù con là người mới thì cũng hoàn toàn có thể xem và học hỏi theo được.
Freepik và Unsplash là 2 website chứa những tài nguyên miễn phí mà con có thể sử dụng vào mục đích cá nhân như thiết kế bài thuyết trình hay làm bài tập. Trong đó, con có thể tìm thấy những bản thiết kế 2D hoặc 3D trên Freepik, và rất nhiều ảnh chụp chất lượng cao tại Unsplash.
Ngoài những phần mềm thiết kế miễn phí với tính năng hạn chế kể trên, sinh viên RMIT có thể sử dụng các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp có bản quyền trong hệ sinh thái Adobe như Adobe Express, Photoshop, Illustrator, Premiere Pro, Audition…
👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

