Tôi muốn con mình thất bại

Là cha mẹ, hẳn ai cũng mong con mình thành công. Nhưng với riêng tôi, tôi lại mong rằng, khi con thử làm việc gì đó lần đầu tiên, một chút thất bại sẽ hay hơn.

Con tôi thuộc tuýp trẻ khá sáng dạ, thông minh. Nếu các bậc cha mẹ đây có con giống như vậy, chắc các anh chị sẽ hình dung được điều tôi nói. Kể từ khi con còn nhỏ, đến khi đi học cho tới bây giờ, tôi quan sát thấy cháu hiểu nhanh, làm theo các yêu cầu không gặp khó khăn, thường chỉ cần cố một chút là đã có thể hoàn tất bài tập hay công/ việc được giao ở mức khá trở lên. Đó là một may mắn, nhưng cũng là điểm hạn chế của cháu.

Thứ nhất, cháu đối diện với sự thất bại khá… dở. Có nghĩa là, cháu thường ngạc nhiên sửng sốt khi mình thất bại hoặc kết quả không như dự đoán. Cháu bị xuống tinh thần nhiều hơn chúng bạn, sự xuống tinh thần thường kéo dài lâu hơn và cháu gặp khó khăn để lấy lại sự lạc quan hay niềm tin “thua keo này ta bày keo khác”. Đối với tôi, đây chưa phải là sự tự tin vững chãi. Tôi không mong cháu tự tin theo kiểu “mình không thể thua được”, mà mong rằng cháu sẽ học được tư tưởng “cứ cố hết sức, thua thì làm lại”.

Thứ hai, tôi quan sát thấy ở cháu thiếu sự kiên nhẫn và chăm chỉ. Bởi trong nhiều việc cháu chỉ cần cố một chút đã giỏi, cháu dễ nản lòng và bỏ cuộc ở những việc đòi hỏi sự rèn luyện bền bỉ hay phải kiên trì lặp đi lặp lại cùng một hoạt động, ví dụ như khi học chơi một loại nhạc cụ hoặc một môn thể thao. Nó cũng dẫn đến việc cháu khó phá vỡ “đỉnh cao” của chính mình, nghĩa là khi đã giỏi mà muốn giỏi hơn nữa, thì lại không biết làm thế nào hoặc không có phương pháp bởi từ trước đến nay không quen với việc cố gắng hơn.

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi sẽ cố làm cháu tin rằng mình không giỏi, cần phải cố gắng nhiều hơn, bởi đây là cách làm mang lại hiệu quả tiêu cực, khiến cháu mất tự tin và nỗ lực trong lo âu. Tôi muốn cháu hiểu và tin vào năng lực của mình, bên cạnh đó tìm thấy niềm vui khi chinh phục những đỉnh cao mới.

Vậy nên, tôi luôn ăn mừng chiến thắng cùng con, nhưng cũng sẽ là người động viên khi con thất bại hoặc dạy con nhìn thất bại bằng ánh mắt nhẹ nhàng. Tôi thường nói với con hãy cố gắng hết sức, nếu nhìn lại việc đã qua và thấy rằng mình đã cố gắng hết sức thì dù thế nào cũng không tiếc nuối.

Khi con thất bại, thay vì phê bình hay chỉ trích con như “mẹ đã nói rồi mà!”, hay “nếu con thế này thế này thì đã khác”, tôi thường lắng nghe những cảm xúc và suy nghĩ của con lúc đó. Khi con đã điềm tĩnh hơn, tôi thường gợi mở cho con bằng những câu hỏi có hướng giải quyết trong tương lai chứ không nhằm sửa chữa quá khứ, như “có gì mình có thể làm tốt hơn ở lần sau không con nhỉ?”, hay “mình có thể lên kế hoạch thế nào để đạt được kết quả như ý lần sau?”

Quan trọng nhất là, tôi không để cháu tin rằng giá trị của mình phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại. Tôi muốn cháu tin rằng mình luôn có giá trị, có thế mạnh và năng lực riêng, xứng đáng được yêu quý và tôn trọng, còn thất bại thì chỉ là chuyện bình thường ai cũng gặp mà thôi.

Tôi chia sẻ câu chuyện của mình không phải để ngầm “khoe con”, mà đây là những tâm sự chân thành. Tôi tin rằng, khi có con giỏi và thông minh, các bậc cha mẹ chúng ta càng nên quan sát cháu kỹ hơn để có phương pháp giáo dục thích hợp, bởi cháu thường hiểu chuyện nhiều hơn, và hấp thu cái tốt/ xấu từ môi trường xung quanh nhiều hơn mức độ người lớn chúng ta nghĩ. Qua đây tôi cũng mong được các bậc cha mẹ khác chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con để học hỏi lẫn nhau, tôi vô cùng cảm ơn.

Đây là lá thư tâm tình của một bậc phụ huynh về việc nuôi dạy một đứa con thông minh. Bạn nghĩ sao về những chia sẻ này? Hãy cho vị phụ huynh này và chúng tôi được biết ý kiến của bạn với nhé.

Comments

  1. Bài viết rất hay và ý nghĩa cho các bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ con em mình. Cảm ơn tác giả

    1. Cám ơn anh đã quan tâm đến bài viết. Chúc anh và gia đình nhiều niềm vui.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.