Lê Tuấn Anh - Cựu sinh viên RMIT

Bài viết được thực hiện bởi Lê Tuấn Anh, một cựu sinh viên RMIT.

Hôm nay xin kể đến quý cha mẹ câu chuyện của tôi – một cựu sinh viên RMIT – đã “thất bại” như thế nào tại trường. 

Thất bại đầu tiên – Thi trượt

Con đường học RMIT của tôi bắt đầu từ việc học tiếng Anh. Học xong cấp 3 với không một chữ tiếng Anh trong đầu, tôi chấp nhận dành 1 năm học tiếng Anh chuyên sâu tại RMIT. Học tiếng Anh tại RMIT rất nặng, 5 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần – 10 tuần liên tục cho mỗi khóa học, chẳng khác gì đi học cấp 3 cả. Nhưng chính việc học nặng vậy mà tôi tiến bộ rất mau, từ một đứa mù tịt tiếng Anh sau 9 tháng đã đủ IELTS 6.5 bắt đầu chương trình cử nhân ở trường rồi. 

9 tháng học tiếng Anh cũng là thời điểm tôi nhận ‘thất bại’ đầu tiên ở RMIT. Số là có một đợt do mải mê vui chơi quên học, tôi đã trượt kỳ thi lên lớp tiếng Anh. RMIT thì nghiêm lắm, trượt tức là học lại từ đầu, chứ không có đóng tiền cho qua luôn. Vậy là đành ngậm ngùi học lại từ đầu khóa học đó. Bây giờ nhìn lại thấy cũng thật hay, nhờ có lần trượt đấy mà bản thân nghiêm túc hơn, chịu đầu tư hơn cho việc học để rồi cả khóa học cử nhân sau đấy không những không trượt môn nào, mà còn tốt nghiệp loại giỏi nữa. Cảm ơn bản thân đã trượt! 

Thất bại trong quản lý thời gian

Thêm một kỷ niệm thất bại nữa diễn ra trong lúc học bằng cử nhân, lần này liên quan đến việc quản lý thời gian. Sau 9 tháng học tiếng Anh kể trên, tôi bắt đầu con đường cử nhân của mình với chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp

Nhờ kỳ đầu học tốt điểm cao, kỳ tiếp theo tôi đăng ký học liền 4 môn – mà nhiều người nói là khá nặng. Tôi cũng chủ quan tự tin vào khả năng của mình lắm, nên trong suốt 10 tuần học cứ ung dung vừa học vừa chơi thôi – không có lo lắng gì nhiều. Đến tuần cuối khi thi thì mới tá hỏa lên để học. Bốn môn, mỗi môn một đống bài tập dồn vào cùng một lúc, tạo thành một núi bài tập khổng lồ. Một số bài tôi chuyên tâm làm cho tốt, những bài còn lại vì không có thời gian nên tôi làm qua loa cho xong – nghĩ trong đầu chắc giáo viên sẽ ‘nhân nhượng’ mà nhẹ tay cho mình. Nhưng kết quả thì không như vậy. Kỳ đó 2 môn tôi đạt điểm trung bình, 2 môn còn lại vừa đủ điểm để không trượt và không phải học lại. 

Dù lúc đó buồn lắm nhưng bây giờ nhìn lại cũng thấy thật may mắn, vì có những áp lực như vậy trong lúc học, tôi mới rèn rũa được cho bản thân khả năng quản lý thời gian thật tốt và trở thành một chuyên gia về phát triển bản thân cũng như dạy về quản lý thời gian cho các bạn trẻ như thời điểm hiện tại.

Thất bại khi phải sống tự lập

Những năm giữa tại RMIT, tôi có đi trao đổi qua Melbourne 6 tháng – và cũng có trải nghiệm một thất bại nho nhỏ trong quá trình trao đổi này. Bên cạnh việc được đi học ở nước ngoài với mức học phí rẻ như ở Việt Nam, được gặp gỡ và giao lưu với các bạn bè quốc tế, được trải nghiệm văn minh thế giới, chuyến đi này tôi gặp chút thất bại trong việc hòa hợp cùng đám bạn thân khi ở cùng nhau. 

Chúng tôi một lũ bạn thân cùng đi trao đổi và ở cùng nhau một nhà, gặp rất nhiều xích mích nhỏ liên quan đến việc phân công vai trò trong nhà, tiền nong, nấu nướng và nhiều những điều khác. Tuy nhiên nhìn về một mặt tích cực, tôi rất vui vì mình đã được gặp những thất bại này. Nhờ trải nghiệm này mà tôi hiểu hơn về cuộc sống tự lập, hiểu hơn về những nỗi vất vả của cha mẹ mình trong gia đình và hiểu hơn về tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội. Cũng may, dù xích mích như vậy, về đến Việt Nam đám bạn chúng tôi vẫn thân thiết với nhau. 

Thất bại vì quá “tham”

Một thất bại đến vào năm cuối, chuyện này liên quan đến việc ‘tham’ và ôm đồm quá nhiều thứ. Tôi vốn dĩ cũng là một đứa khá hoạt bát, thích tham gia hoạt động này kia, nên thời gian học tại RMIT cũng cố gắng tham gia càng nhiều câu lạc bộ càng tốt. RMIT thì có vô vàn câu lạc bộ, từ học thuật cho tới thể thao, cái nào cũng hay ho cả – cái nào tôi cũng ham và tham gia cho bằng được. 

Vui thì có vui thật, bạn thì có nhiều thật, kỹ năng cũng tăng rất nhiều khi tham gia câu lạc bộ – nhưng một bài học tôi học được đó là hậu quả của sự ôm đồm. Bởi vì tham gia nhiều câu lạc bộ, lại giữ vai trò quản lý của nhiều câu lạc bộ khác nhau cùng một lúc, tôi đã không thể tập trung hoàn toàn được vào một nơi nào, dẫn đến việc công việc tại các câu lạc bộ bị trì trệ và ảnh hưởng tới tất cả mọi người. 

Thời gian đấy cũng buồn lắm, nhưng bây giờ đi làm rồi mới thầm cảm ơn trải nghiệm đó, vì có những trải nghiệm như vậy tại môi trường đại học an toàn, mình mới dám dấn thân và hiểu rõ bản thân mình để đương đầu với những thử thách hiện tại nơi công sở. 

“Đánh mất chính mình” – “Thất bại” tôi luôn mong muốn

“Thất bại” cuối cùng phải kể đến, đó là tôi đã ‘đánh mất chính mình’ sau 4 năm học RMIT. Ngày bước vào trường, tôi là một đứa nhút nhát, ít nói, sợ đám đông, sợ thuyết trình và luôn run cầm cập mỗi khi phải nói trước mọi người. Qua 4 năm với hàng trăm buổi thuyết trình trước lớp, những buổi gặp khách hàng thực tế để làm khảo sát môn học, những buổi tranh luận với các thầy cô và đám bạn – tôi đã trở thành một con người khác mất rồi. Cái nhút nhát mất đi, thay vào bằng sự tự tin. Tôi không còn sợ đám đông, không còn run mỗi khi phải trình bày một vấn đề – mà thay vào đó có chính kiến cho riêng mình. Tôi đã có thể đứng trước cả trăm phụ huynh để chia sẻ về hành trình của bản thân, đứng giảng dạy những lớp gần nghìn học sinh để giảng dậy về kỹ năng tìm việc – những điều mà chính ba mẹ tôi không tin rằng đứa con trai nhút nhát của ba mẹ có thể làm được khi tôi mới đặt chân tới RMIT. 

Vậy đó, tôi đã gặp nhiều “thất bại” tại RMIT như vậy. Với tôi, mỗi “thất bại” dù viết thường hay viết trong ngoặc kép đều như một viên gạch lắp vào lỗ trống, một bậc thang nâng tôi lên cao hơn trong hành trình hoàn thiện bản thân. Cảm ơn RMIT vì đã cho tôi cơ hội “thất bại”! 

Về Lê Tuấn Anh:

Lê Tuấn Anh là cựu sinh viên loại giỏi chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp của Đại học RMIT và hiện đang theo đuổi lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh và sinh viên. 

Tuấn Anh đã tham gia giảng dạy nhiều lớp kỹ năng dành cho sinh viên các trường đại học lớn; và là tác giả cuốn sách “Nhắm mắt bắt được việc” và “Định vị bản thân”. Anh hiện là Quản lý Đào tạo & Hướng nghiệp tại công ty TopCV – một trong những nền tảng tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.