Nếu có nghiên cứu về mặt thể chất, rất có thể học sinh Việt Nam sẽ nằm ở nhóm có sức khoẻ yếu so với các nước khác trong khu vực châu Á hoặc Đông Nam Á. Bởi đơn giản các em học quá nhiều và vận động quá ít. Các em học cả ngày ở trường, sau đó đi học thêm và về nhà làm bài tập. Giờ thể dục ở trường quá ít ỏi, chương trình lại đơn điệu. Một số em có năng khiếu và yêu thích thể thao như nhảy, bóng rổ, bóng đá, cầu lông, thì chỉ được chơi ở đầu học kỳ và đến mùa thi thì ba mẹ cấm hẳn. Cả nhà trường lẫn phụ huynh đều chỉ nhất mực chăm chút cho phần trí tuệ của học sinh. Chỉ cần các em vẫn còn giải được toán, nhớ được công thức vật lý hay cân bằng phương trình hoá học thì không có gì phải lo lắng. Còn các em căng thẳng, ít cười, mau mệt, da kém hồng hào hay tim hay đập nhanh vì lo âu thiếu ngủ là chuyện thường, chẳng sao. Đối với người lớn, thể thao và học vấn là lựa chọn giữa hai bờ chiến tuyến, được này phải mất kia. Nhưng thật ra, thể thao và học vấn là hai yếu tố bổ trợ cho nhau, hoàn thiện lẫn nhau, như học sinh có vui khoẻ thì mới học được nhiều và tiếp thu kiến thức càng nhiều thì lại càng cần sức khoẻ.
1. Lợi ích của thể thao và trí tuệ
Nghiên cứu cho thấy, vận động thường xuyên sẽ giúp phát triển thêm các kết nối giữa các nơ ron của não bộ, giúp các em suy luận và tư duy tốt hơn. Vận động cũng giúp tăng cường trí nhớ và sự tập trung trong khi học. Vận động cho tim đập nhanh trong một thời gian để tim được “tập thể dục”, bơm máu đi khắp cơ thể, đưa máu lên não nuôi dưỡng các tế bào thần kinh. Vận động giúp não tiết ra các hormone hạnh phúc, như dopamine, endorphin và giảm hormone stress như cortisol, cho các em suy nghĩ tích cực, đầu óc sáng suốt để sẵn sàng cho những kiến thức mới. Hãy tưởng tượng khi gặp một bài toán khó, giữa một học sinh ủ dột và suy nghĩ tiêu cực với một học sinh tươi tắn, khoẻ khoắn, ai sẽ có nhiều năng lượng cũng như sự kiên trì để giải toán tốt hơn?
2. Lợi ích của thể thao và cảm xúc
Tuổi teen là tuổi các em phải trải qua nhiều thay đổi và bùng nổ về mặt cảm xúc bởi não bộ đang trong thời gian chuyển đổi, điều tiết. Được vận động, chơi thể thao, giao tiếp với bạn bè là cách rất tích cực để các em xả bớt những rối rắm không hiểu được trong tâm trạng của mình, tăng kỹ năng giao tiếp, kết bạn, cảm thấy mình thuộc về vì thế trở nên tự tin hơn. Đặc biệt với những em hướng nội, thường có xu hướng “nuốt” cảm xúc vào trong, lâu dần trở thành rối loạn tâm lý, thì thể thao lại càng cần thiết bởi các em được giải toả căng thẳng trong đầu. Với những em hướng ngoại, thể thao là nơi các em được sống đúng với con người quảng giao, thích bạn bè của mình, bù lại cho những giờ học trong lớp chỉ cắm cúi trên trang sách.
3. Thể thao và ngoại hình
Các phụ huynh Việt Nam lúc nào cũng mong con cao lớn và không thôi trầm trồ trước vóc dáng của teen các nước châu Á phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng, ba mẹ chỉ tập trung tẩm bổ cho con thật nhiều, nào sữa, nào thực phẩm chức năng, mà quên rằng thể thao là yếu tố cực kỳ quan trọng để cải thiện vóc dáng. Không có thể thao, những dinh dưỡng này không thể phát huy hết tác dụng, con không phát triển chiều cao, lại còn thừa cân, thừa dưỡng chất, khiến con bệnh hay mặc cảm với bạn bè. Thế nên, thay vì mua những thực phẩm đắt tiền bắt con ăn uống mỗi ngày, hãy cho phép con dành thời gian chơi thể thao.
Nhiều ba mẹ nghĩ rằng bây giờ phải học đã, khi nào ra trường đi làm có thời gian rồi thích chơi gì thì chơi. Suy nghĩ đó là hết sức sai lầm, bởi thể thao cần được hình thành như một thói quen và niềm yêu thích từ sớm, sau này mới có thể ở lại trong tính cách lúc trưởng thành của con. Đợi đến lúc con đi làm đã là quá trễ. Con sẽ quên mất cảm giác khi chơi thể thao là như thế nào, rằng mình từng yêu thích vận động ra sao. Ngược lại con sẽ tái diễn niềm tin khi còn đi học, rằng thể thao là không cần thiết, không có thời gian. Con sẽ không có thói quen tìm đến thể thao khi mệt mỏi, mà sẽ dễ tìm đến nhậu nhẹt, ăn uống, mua sắm… những phương pháp giải khuây tiềm tàng mối nguy về sau. Vì vậy, ba mẹ đừng lấy đi niềm vui vận động của con thời học sinh. Học thêm một tiếng mỗi ngày không làm con giỏi hơn bao nhiêu, nhưng vận động một tiếng mỗi ngày sẽ giúp con rất nhiều về mọi mặt, cả bây giờ và tương lai.
Giang Trần