Là một cựu sinh viên RMIT đã từng học tập tại cả RMIT Việt Nam và RMIT Melbourne, lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế – Tài chính ở độ tuổi 26 tại Úc, thầy Huy dành rất nhiều tình cảm cho RMIT. Từ khi trở về Việt Nam, mục tiêu của thầy luôn là được giảng dạy tại RMIT Việt Nam. Thế nhưng, mục tiêu này chỉ thành hiện thực sau 5 lần thầy nộp đơn xin việc tại RMIT! Mặc dù bị từ chối nhiều lần nhưng thầy Huy chưa bao giờ nản chí và luôn tích lũy kinh nghiệm để tiếp tục nộp đơn vào RMIT. Và cho đến nay, thầy đã có 3 năm thâm niên giảng dạy tại RMIT!

Một số thành tựu của thầy:

✔️Tiến sĩ Kinh tế – Tài chính

✔️Top 15 Nhà kinh tế học ở Việt Nam trong vòng 10 năm qua do IDEAS/RePEc – nền tảng cơ sở dữ liệu trích dẫn lớn nhất trên thế giới về Kinh tế học – bình chọn

✔️Top 15 bài báo nghiên cứu được đọc nhiều nhất mọi thời đại trong tạp chí khoa học Kinh tế học Ứng dụng được xuất bản bởi Taylor and Francis

✔️Giải thưởng bài báo nghiên cứu xuất sắc nhất năm 2019 của trường Kinh Doanh và Quản Trị tại RMIT Việt Nam

—————————————–

1)3 từ để mô tả môi trường học tại RMIT?

  • Chủ động
  • Lấy sinh viên làm trung tâm
  • Hiện đại

2) Trước đây, thầy cũng đã có thời gian theo học và giảng dạy ở các trường đại học quốc tế ở nước ngoài, theo thầy đánh giá, môi trường học ở RMIT có gì giống/khác với ngôi trường ngày xưa của của thầy?

Tôi đã có cơ hội học tập và giảng dạy tại Úc và nhận thấy điểm giống nhau giữa RMIT và các môi trường đó là sự chuyên nghiệp và hiện đại. Còn điểm khác là ở RMIT Việt Nam, số lượng sinh viên ở mỗi lớp học ít hơn, điều này tạo nên một môi trường thân thiện và gần gũi hơn giữa sinh viên và giảng viên. Một điểm khác nhau nữa là sự khác biệt về văn hóa. Ở Úc, có nhiều sinh viên từ nhiều đất nước khác nhau nên rất khó để dung hòa sự khác biệt văn hóa của các bạn sinh viên. Còn ở Việt Nam thì dễ hơn vì đa số là sinh viên Việt Nam.

3) Điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể mang tới cho sinh viên của mình là gì?

Đó là RMIT trang bị cho sinh viên để luôn sẵn sàng cho cuộc sống và công việc. Những môn học tại RMIT đều có những bài tập dự án do các lãnh đạo/nhân viên cấp cao ở các công ty nổi tiếng ở Việt Nam đưa ra. Những câu hỏi thường là những vấn đề các doanh nghiệp đang gặp phải và sinh viên phải đưa ra những giải pháp cho các doanh nghiệp đó. Điều này tạo cơ hội cho sinh viên hiểu sâu về tính ứng dụng của các kiến thức học được từ RMIT và có thêm cơ hội mở rộng mạng lưới quan hệ.

Đồng thời, cơ sở vật chất như phòng Financial Trading Lab ở RMIT là phòng lab duy nhất tại Việt Nam mà sinh viên có thể thực hiện những giao dịch ngoại hối và chứng khoán dựa vào cơ sở dữ liệu thực tế của Refinitiv Eikon.

RMIT cũng luôn cập nhật những chương trình và môn học mới nhất như Công Nghệ Tài Chính để giúp sinh viên đáp ứng được nhu cầu về kiến thức và thực tiễn cho sự chuyển đổi số đang diễn ra trong mọi lĩnh vực trên toàn cầu.

4) Phương pháp giảng dạy của những bộ môn mà thầy đang đảm nhiệm tại RMIT có điểm gì khác biệt?

Tôi luôn dạy cho sinh viên cách nghiên cứu và phản biện tất cả các kiến thức họ được học (kể cả các kiến thức đó đến từ những học giả đoạt giải Nobel). Từ đó, họ có thể cải thiện kỹ năng nghiên cứu, tư duy phản biện (critical thinking) và nhìn nhận sự việc từ các khía cạnh khác nhau và đưa ra những chính kiến hoặc góc nhìn riêng của mình về các kiến thức đã được học. Đây là hai kỹ năng sẽ luôn giúp các bạn sinh viên tồn tại ở bất cứ lĩnh vực nào trong dài hạn.

5) Kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi giảng dạy ở RMIT?

Một sinh viên đã nói với tôi rằng “You are too young to be a lecturer” (Thầy còn quá trẻ để dạy ở đây).

6) Thầy đã trả lời bạn sinh viên ấy ra sao?

Tôi không hề tự ái, mà ngược lại, coi đó là một lời khen (cười).

7) Thầy có những hoạt động gì để trau dồi và mở rộng thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc, nhằm giúp nâng cao chất lượng bài giảng tại RMIT?

Những nghiên cứu khoa học của tôi luôn được áp dụng để nâng cao chất lượng bài giảng trong các bài giảng ở RMIT. Ngoài ra, do đặc thù về các môn tài chính nên việc đầu tư chứng khoán và tiền mã hóa cũng giúp tôi mở rộng kiến thức và cập nhật tình hình thị trường qua đó giúp sinh viên RMIT được cập nhật những kiến thức mới nhất trong tình hình hiện tại.

8) Nếu có một lời khuyên dành cho các sinh viên và tân sinh viên RMIT, thầy/cô sẽ khuyên gì?

Học thật chăm – Chơi thật nhiều – Điểm trung bình không phải là tất cả.

Một điều tôi thường thấy là các bạn sinh viên học rất chăm và làm rất nhiều hoạt động khác nhau nhưng đến cuối cùng các bạn lại cảm thấy không hạnh phúc với điều đó. Chăm chỉ học tập và làm các hoạt động để làm đẹp CV là một điều tốt nhưng các bạn sinh viên cần phải có những hoạt động giải trí phù hợp để thư giãn đầu óc và tránh tình trạng bị mệt mỏi quá mức.

Xin cảm ơn thầy về những chia sẻ này!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.