Việc áp dụng một phương pháp học tập chung cho nhiều ngành nghề không phải là sự lựa chọn khôn ngoan, bởi mỗi ngành nghề đều có những đặc thù nhất định. Kinh tế, Tài chính sẽ đòi hỏi nhiều kiến thức học thuật và sự bền bỉ nghiên cứu. Trong khi đó, Marketing, Nhân sự, hay Quản trị Du lịch và Khách sạn sẽ yêu cầu nhiều trải nghiệm và quan sát thực tế hơn. Bởi vậy, nếu con bạn là sinh viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, hãy đảm bảo con được thực hành thật nhiều thay vì chỉ “chăm chăm” vào nghiên cứu sách vở.
Vì sao thực hành được cho là yếu tố quan trọng mà sinh viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn nào cũng cần có?
Quản trị Du lịch và Khách sạn là ngành nghề làm việc trực tiếp với con người: gặp gỡ đối tác, chăm sóc khách hàng, giao tiếp với đồng nghiệp,… Con cần biết cách nói chuyện sao cho lịch thiệp, biết quan sát từng hành vi của khách hàng, biết làm chủ cảm xúc của bản thân dù đang buồn phiền hay nóng giận để tránh những tình huống giao tiếp “dở khóc dở cười” rất khó lường trước.Những kỹ năng này chỉ có thể có khi được rèn giũa qua thực tế.
Bên cạnh đó, Quản trị Du lịch và Khách sạn cũng là ngành có sự “địa phương hóa” rất lớn. Thông thường, các ngành khác sẽ có những luật lệ hay phương pháp xử lí tình huống chung trên phạm vi toàn cầu, nhưng sự “địa phương hóa” trong ngành du lịch lại là yếu tố quyết định tới thành bại của cả một công ty. Nếu như không đi thực địa, trải nghiệm tận mắt nền văn hóa của từng địa phương mà chỉ học thuộc từ xa qua sách vở, con sẽ khó mà lấy được lòng tin từ khách hàng, hay tệ hơn là vô tình tạo ra những “dịch vụ giả”.
Không chỉ vậy, làm việc trong ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn còn đồng nghĩa với việc “hứng chịu” những tình huống “trời ơi đất hỡi” đột ngột từ đâu rơi xuống. Đặt nhầm phòng cho khách, làm đổ cafe lên áo của khách, bị khách “bùng” tour du lịch vào ngày cuối trước khi chốt tour… là những điều hết sức bình thường mà mọi sinh viên theo học ngành này cần được trải nghiệm thực tế để rút ra những bài học xử lí tình huống cho riêng mình.
Chương trình Quản trị Du lịch và Khách sạn của RMIT sẽ giúp con bạn thành công trong ngành này như thế nào?
Nắm rõ được tầm quan trọng của việc thực hành trong ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, RMIT luôn nỗ lực nghiên cứu giáo trình giảng dạy để đưa ra chương trình học với nhiều trải nghiệm thực tế nhất cho sinh viên của mình.
Thứ nhất, phương pháp giảng dạy của RMIT bao gồm các buổi học, chuyên đề, tọa đàm trực tiếp với giảng viên và chuyên gia trong ngành. Các con sẽ được làm dự án theo nhóm, từ đó phát huy kỹ năng giao tiếp của mình thông qua các hành động trao đổi, lắng nghe, viết, vẽ và thuyết trình với nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Hơn nữa, các con còn có thể gặp gỡ, học hỏi từ các diễn giả khách mời và các cố vấn giàu chuyên môn, từ đó có thêm nhiều cơ hội thực tập.
Thứ hai, chương trình Cử nhân Quản trị Du lịch và Khách sạn tại RMIT có chất lượng giảng dạy đạt chuẩn quốc tế, nhưng không quên kết nối chặt chẽ với các giá trị văn hóa tại Việt Nam bằng cách “địa phương hóa” nội dung giảng dạy. Các con được tiếp xúc với nhiều cơ hội trải nghiệm thực tiễn như thực hiện các công tác quản lý, vận hành dịch vụ lưu trú bằng tác phong chuyên nghiệp, thỏa mãn các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe của ngành. Nhờ những kinh nghiệm thực tế này, các con sẽ “nằm lòng” các vấn đề của địa phương, từ đó có lợi thế hơn các bạn có ít trải nghiệm khác.
Thứ ba, RMIT đưa ra khóa thực tập theo phương pháp mới kéo dài 12 tuần vào học kỳ cuối, giúp các con có cơ hội làm việc trong những khách sạn, khu nghỉ dưỡng được quản lý bởi các tập đoàn quản trị nhà hàng – khách sạn hàng đầu thế giới, được trải nghiệm thực tế quá trình vận hành của từng phòng ban, từ bộ phận lễ tân, sự kiện, buồng phòng đến khu vực nhà hàng và các dịch vụ ẩm thực cho đến vị trí quản trị và hoạch định chiến lược trong lĩnh vực này. Khi tham gia khóa thực tập này, khả năng ứng biến và xử lí các tình huống bất ngờ của con sẽ được cải thiện rõ rệt bên cạnh việc áp dụng các kiến thức nền tảng đã học vào những trường hợp thực tế cụ thể.
Như vậy, nếu con bạn xác định theo học ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, hãy định hướng cho con về tầm quan trọng của việc thực hành. Có sách vở mà không có thực tế, con sẽ sớm trở nên đuối hơn so với các bạn khác cùng ngành. Tại RMIT, chúng tôi luôn quan niệm rằng rèn luyện kĩ năng giao tiếp, tham gia nhiều chuyến thực địa và luyện tập khả năng ứng biến trước các tình huống “oái oăm” chính là chìa khóa giúp con bạn thành công trong ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn.
👇 Đọc thêm các bài viết liên quan:
Sinh viên đón đầu làn sóng du lịch hậu khủng hoảng như thế nào?
Thực hành: Yếu tố quyết định thành bại của sinh viên Quản trị Du lịch & Khách sạn
Vì sao bạn nên học Quản trị Du lịch & Khách sạn tại Đại học RMIT?
1001 vai trò con được trải nghiệm khi con là sinh viên ngành Du lịch & Khách sạn tại RMIT