thoi khoa bieu lich hoc rmit

Tháng 10 này, một lứa sinh viên mới sẽ bắt đầu hành trình học tập tại RMIT. Trong rất nhiều việc cần chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu hành trình đại học, việc sắp xếp thời khoá biểu học tập là một trong những việc quan trọng nhất con cần và sẽ phải làm. Việc sắp xếp này sẽ có sự thay đổi đáng kể khi con chuyển từ môi trường cấp 3 lên môi trường đại học quốc tế như RMIT. Về cơ bản, học tập tại RMIT đòi hỏi con cần sự chủ động và tự chịu trách nhiệm cho thời khoá biểu của mình, tuy nhiên con cũng có được nhiều sự lựa chọn và linh hoạt trong việc chọn môn học, thời gian học và thầy cô phù hợp với con.

Bài viết này sẽ giúp các em sinh viên tương lai và cha mẹ hỗ trợ con để sắp xếp một thời khóa biểu hợp lý, khoa học, giúp con cân bằng việc học tập và thư giãn, phát triển bản thân.

❓ Một tuần con lên trường học những ngày nào?

Đây là câu hỏi chúng tôi thường xuyên nhận được từ các cha mẹ có con đang học tại RMIT. Khác với lịch học tại cấp 3, lịch học đại học không cố định vào sáng hay chiều các ngày trong tuần. Thay vào đó, thời gian con lên trường phụ thuộc vào số lượng môn học con đăng ký theo mỗi kì, thời gian và hình thức học của môn học đó. Cụ thể về hình thức học, đại học RMIT hiện đang đẩy mạnh triển khai hình thức học tập Blended learning (Học tập đa hình thức), tổng hợp các hình thức học khác nhau để tận dụng được những ưu điểm của từng hình thức học: học trên nền tảng số, học tại campus, đi thực địa, trải nghiệm thực tế.

Tại Đại học RMIT, mỗi năm sẽ có 3 kì học và thời gian tháng 2 – tháng 5, tháng 6 – tháng 9 và tháng 10 – tháng 1. Trong mỗi kì học, con có thể đăng ký học tối thiểu 1 môn và tối đa 4 môn.

Thời gian học mỗi môn là khoảng 10 giờ/tuần, được chia ra nhiều hình thức học bao gồm học trên lớp, học trên các nền tảng số, tự học, tự nghiên cứu, làm bài tập cá nhân, bài tập nhóm, với một số môn học có thể có thêm các hoạt động trải nghiệm thực tế… Lấy ví dụ, một môn học con có thể cần 3 giờ mỗi tuần học cùng giảng viên và 4 giờ học nhóm làm bài, tổng cộng 7 giờ, ngoài ra là thời gian con cần tự học, tự nghiên cứu, và thư viện với nguồn học liệu “khổng lồ” là nơi nhiều sinh viên RMIT dành nhiều thời gian ở đó, đặc biệt là những cao điểm “chạy deadline”.

Ngoài thời gian cho việc học, nếu con là người năng nổ trong các hoạt động ngoại khoá thì con còn có thể lên trường để tham gia các chương trình đào tạo kĩ năng, các buổi thảo luận chuyên đề hoặc các buổi sinh hoạt CLB.

❓ Có phải con tự do chọn môn học cho mình? Nếu vậy có đảm bảo chất lượng đào tạo?

Đây cũng là một hiểu nhầm thường gặp ở các cha mẹ có con học tại RMIT. Đúng là tại RMIT trước mỗi kì học, con sẽ có quyền được lựa chọn số môn học và tên môn học cũng như tên thầy cô phù hợp với nhu cầu của con.

Tuy nhiên việc lựa chọn này không phải tuỳ ý, thích chọn gì cũng được. Với mỗi ngành học, nhà trường đã có khung chương trình gợi ý – được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia thiết kế chương trình và thầy cô trong ngành, được sắp xếp theo thứ tự yêu cầu và có lộ trình thiết kế mẫu từ 3 – 4 năm. Về cơ bản, con sẽ học tập theo lộ trình này và có thể thay đổi phần nào về thời gian hoàn thành cũng như lựa chọn một số môn tự chọn. Ví dụ cha mẹ có thể tham khảo khung chương trình Cử nhân Truyền thông tại đây.

Tại RMIT có bộ phận Hỗ trợ sinh viên (Student Connect) có thể giúp các con sắp xếp môn học phù hợp nếu các con còn băn khoăn chưa biết sắp xếp như thế nào. Ví dụ, một bạn sinh viên đang chưa biết chọn môn học nào cho học kì sắp tới, hay nên học 2-3 môn hay 4 môn cho học kì sắp tới có thể tìm đến bộ phận Hỗ trợ sinh viên. Tại đây, các chuyên viên hỗ trợ sẽ phân tích dựa trên thành tích học tập các môn của bạn trong học kì trước, cũng như thời gian biểu của bạn (có tham gia CLB nào không, có đi làm thêm không) để từ đó cho bạn những gợi ý chọn môn phù hợp nhất.

❓ Tôi hiểu rằng mỗi môn học tại RMIT có nhiều thầy cô khác nhau, làm sao con tôi biết thầy cô nào dạy tốt để chọn?

Đội ngũ giảng viên của RMIT là những chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tiễn đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi giảng viên đều có bằng cấp từ Thạc sĩ trở lên cùng kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu sâu rộng, dày dạn kinh nghiệm chuyên môn và học thuật.

Các giảng viên tại RMIT Việt Nam sẽ liên tục cộng tác cùng các đồng nghiệp tại RMIT Melbourne điều chỉnh các tài liệu, giáo trình từ Melbourne sẽ được giảng dạy tại Việt Nam, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình giảng dạy và học tập tại RMIT Việt Nam. Các giảng viên và giáo sư của RMIT Việt Nam được tạo cơ hội để không ngừng trau dồi chuyên môn như một phần trong công việc. Vì vậy, cha mẹ và các em hoàn toàn có thể yên tâm chọn bất kì giáo viên nào khi chọn môn.

Thông thường tiêu chí chọn giáo viên của các em sinh viên RMIT hiện tại thường dựa vào phong cách giảng dạy của thầy cô (có thầy cô giảng dạy theo hướng hoạt động nhiều, có thầy cô tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu) và thời gian biểu của các thầy cô có phù hợp với thời gian biểu cá nhân của các em sinh viên hoặc không.

❓ Con tôi có thể làm gì tiếp theo để chọn lựa môn học phù hợp?

Như đã giới thiệu ở trên, trong mỗi ngành học nhà trường đều đã có sẵn thông tin các môn học con cần hoàn thành để tốt nghiệp. Con có thể nhấn vào tên mỗi môn học trong cấu trúc chương trình học trên website để tham khảo chi tiết đầy đủ về mục tiêu môn học, số lượng bài tập cần hoàn thành (các thông tin đều bằng tiếng Anh). Từ các thông tin này con có thể chọn lựa cho mình số lượng môn học phù hợp để hoàn thành trong một kì.

Trên đây là một số thông tin cha mẹ và các em học sinh cần biết về sắp xếp thời gian biểu học tập tại Đại học RMIT. Hi vọng cha mẹ và các em có thể cảm thấy rõ ràng hơn về lộ trình học sắp tới.


🚩 Tham gia Nhóm RMIT & Cha mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các phụ huynh khác

Cử nhân RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.