📌 Lời khuyên từ Nguyễn Phương Duy – cựu sinh viên RMIT, hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Đại học Princeton danh giá

Ngoài việc cần phải tự tin với các môn tự nhiên và thỏa mãn các điều kiện xét tuyển của nhà trường, các bạn học sinh cần chuẩn bị gì để học tốt ngành Kỹ thuật ở đại học và tiến xa hơn trên con đường khoa học kỹ thuật?

Tốt nghiệp thủ khoa ngành Kỹ sư Điện và Điện tử Đại học RMIT và hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Princeton danh giá, Nguyễn Phương Duy sẽ giải đáp những thắc mắc mà các em học sinh và cha mẹ thường gặp khi chọn ngành Khoa học và Kỹ thuật, và chia sẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đi xa và thành công trong lĩnh vực này.

Đôi nét về Nguyễn Phương Duy:

🔸 Cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

🔸 Cựu sinh viên học bổng toàn phần ngành Kỹ thuật Điện và Điện tử RMIT

🔸 Thủ khoa ngành Kỹ thuật Điện và Điện tử Đại học RMIT Việt Nam khóa 2019

🔸 Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Princeton – top 8 đại học danh giá nhất Hoa Kỳ – với chuyên đề nghiên cứu xoay quanh sự tương tác giữa người và robot, giúp nâng cao tỷ lệ an toàn cho các hệ thống tự động như xe không người lái và robot cứu nạn.

👉 Mời cha mẹ xem thêm thông tin chi tiết dưới đây để được giải đáp những thắc mắc về chọn ngành Kỹ thuật và con đường khoa học.

Học Kỹ thuật có cần phải lập trình hay không?

📌 Phương Duy giải đáp:
Nhiều cha mẹ và học sinh hiểu lầm rằng Kỹ thuật khác với Công nghệ Thông tin, nên không cần phải lập trình. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào ngành kỹ thuật mà sinh viên lựa chọn. Nếu chọn kỹ thuật nông nghiệp hay y sinh, các bạn sẽ không cần phải lập trình nhiều. Còn nếu các em chọn học Kỹ sư ở RMIT, chắc chắn các em sẽ phải lập trình rất nhiều.

Tuy không nhất thiết phải biết lập trình, các ứng viên sẽ được đánh giá cao hơn nếu là một kỹ sư biết lập trình. Lời khuyên chân thành của Duy dành cho các em chính là hãy đầu tư thời gian để học lập trình, vì nó sẽ mang đến nhiều lợi ích lâu dài.

Học Kỹ thuật có cần phải viết luận và thuyết trình không?

📌 Phương Duy giải đáp:

Nhiều cha mẹ và học sinh cấp 3 lầm tưởng rằng học tập và làm việc trong ngành khoa học kỹ thuật không đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và truyền đạt ý tưởng. Tuy nhiên, khi chọn nhóm ngành Kỹ thuật ở RMIT và theo đuổi con đường khoa học nâng cao, sinh viên (và các nhà khoa học tương lai) sẽ cần phải trình bày ý tưởng và nghiên cứu của mình rất nhiều bằng các hình thức nói (thuyết trình) và viết (luận/ báo cáo khoa học).

Viết luận và thuyết trình là hai điều kiện bắt buộc, gọi là science communication (truyền thông khoa học). Nếu không có truyền thông, những phát minh và sáng kiến khoa học sẽ không thể chạm được đến công chúng. Ngoài ra, truyền thông cũng chính là mấu chốt giúp các nhà khoa học hợp tác với nhau để đạt được thành tựu chung của nhân loại.

Chỉ cần học giỏi là có thể thành công trên con đường khoa học, kỹ thuật?

📌 Phương Duy giải đáp:
Bên cạnh nền tảng toán – lý khá ổn, biết lập trình, có khả năng giao tiếp, viết luận và thuyết trình, các em học sinh cũng nên trau dồi thêm những kỹ năng sau đây để học tốt và làm tốt trong con đường khoa học và kỹ thuật:

1️⃣ Hãy tập cách đặt câu hỏi cho mọi vấn đề
Đặt câu hỏi ở đây không phải là trả treo, mà là rèn luyện sự tò mò. Biết cách đặt câu hỏi hay chính là tiền đề cho quá trình làm nghiên cứu sau này. Khi làm nghiên cứu ở bậc tiến sĩ, công việc của Duy là phải tự đặt câu hỏi và ra đề bài cho chính mình, rồi tự đặt ra giả thiết và đi tìm lời giải.

2️⃣ Hãy tập tính kiên trì và bền bỉ
Dù làm bài trong lớp hay nghiên cứu khoa học, câu trả lời mà chúng ta tìm ra sớm nhất đôi khi lại không phải là câu trả lời chính xác. Trong khoa học, để tìm ra một đáp án đúng, có khi phải cần đến 1000 đáp án sai từ 1000 cuộc thử nghiệm trước đó. Và hầu hết công chúng chỉ nhớ đến đáp án chính xác cuối cùng mà thôi. Do đó, để theo đuổi “bài toán” đến cùng và đạt được thành tựu đầu tiên trong khoa học, bạn phải thật kiên nhẫn, bền bỉ và đủ đam mê với chủ đề đó.

3️⃣ Hãy học cách hợp tác
Nếu ta không phải “người khổng lồ” có thể làm việc độc lập và thành công, hãy học cách đặt câu hỏi, trao đổi với mọi người, nêu lên ý kiến của mình và làm việc cùng đồng nghiệp để tạo nên thành tựu chung của nhân loại. Trong khoa học, chúng ta học hỏi rất nhiều từ nhau và những người đi trước. Những cuộc thí nghiệm cho ra đáp án sai sẽ giúp ta tránh đi vào lối mòn và tăng tỷ lệ tìm ra đáp án đúng cho lần này và những lần sau.

Làm khoa học là phải có phát minh để đời?

📌 Phương Duy giải đáp:

Nhiều người nghĩ rằng khi làm việc trong ngành khoa học kỹ thuật, ta cần phải phát minh ra một cái gì đó rất vang dội, chẳng hạn như bóng đèn điện hay một định luật vật lý mới. Trên thực tế, đôi khi các nhà nghiên cứu phải mất rất lâu mới có được thành tựu đầu tiên.

Phương Duy cũng từng nghĩ rằng làm khoa học là phải để lại tiếng vang cho đời, phải tạo ra một cái gì đó của riêng mình. Tuy nhiên, sau một thời gian làm nghiên cứu cho bậc tiến sĩ, Duy nhận ra khoa học là một hành trình dài, đòi hỏi sức bền.

Ai cũng cần một khoảnh khắc “Eureka!”, khoảnh khắc sáng tạo xuất thần. Khoảnh khắc đó không tự nhiên mà đến, mà là kết quả sau một thời gian dài thử nghiệm, suy nghĩ và lĩnh hội. Nếu ép bản thân đưa ra đáp án khi ta chưa sẵn sàng, điều đó sẽ làm mất đi ý nghĩa của hành trình khoa học.


Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.