giup con phat trien ki nang nghi cho nguoi khac

Khác với Gen Z (thế hệ sinh từ năm 1997 trở lại đây), cha mẹ không lớn lên với sự phát triển công nghệ, cũng không sinh ra trong một môi trường đầy đủ về vật chất, nhiều cha mẹ thậm chí còn có tuổi thơ gắn liền với hai chữ “khó khăn”. Do vậy, thật khó để thế hệ của cha mẹ có thể thực sự hiểu được Gen Z, thậm chí nhiều người còn đánh giá thế hệ của con là “ích kỷ”, bởi các con có điều kiện vật chất tốt nhưng lại chẳng mấy ai biết “nghĩ cho người khác”.

Để lý giải cho điều này, nhiều cha mẹ chọn đổ lỗi cho sự phát triển của công nghệ, của mạng xã hội, của trò chơi điện tử, của phim ảnh,… mà không hay biết rằng chính bản thân mình cũng có một phần trách nhiệm trong việc định hình năng lực biết cảm thông và nghĩ cho người khác của con. Liệu có lúc nào cha mẹ nhìn lại toàn bộ quá trình con trưởng thành và tự hỏi gốc rễ của vấn đề là ở đâu?

Con trở nên ích kỷ để… bảo vệ bản thân?

Chúng ta thường nói các con là thế hệ “vượt sướng”. Liệu điều này có đúng?

Chính vì lớn lên trong điều kiện vật chất tốt, Gen Z thường xuyên phải chịu sự phán xét và so sánh về năng lực so với nhiều đối tượng khác. Cụ thể hơn, con chẳng còn lạ lẫm gì với nhân vật “con nhà người ta” hoàn hảo không tì vết, hay cả những câu chuyện khó khăn trong quá khứ của cha mẹ nữa. Sẽ không có gì lạ nếu con cảm thấy bị áp đặt với những khuôn mẫu mà con chẳng hề muốn, rồi cứ thế trở nên khép mình hơn, ít giao tiếp hơn.

Không dừng lại ở đó, là thế hệ lớn lên trong thời đại internet, sự so sánh và phán xét mà con phải hứng chịu không chỉ đến từ những người xung quanh, mà còn đến từ mạng xã hội. Đối mặt với những tấm gương liên tục được nêu tên, hay hình ảnh hạnh phúc của người khác mỗi ngày, con sẽ xây lên trong mình tâm lý cạnh tranh, đồng thời cũng cảm thấy áp lực về tinh thần nhiều hơn.

Trái ngược với những điều đó, sự “ích kỷ” của con cũng có thể bắt nguồn từ sự nuông chiều của cha mẹ. Tất nhiên chiều chuộng con cái chẳng có gì sai, nhất là khi thế hệ của cha mẹ đã trải qua không ít vất vả. Song, cha mẹ đừng quên rằng bất cứ hành động nào cũng đều có cái giá của nó. Khi còn nhỏ, con có thể vòi vĩnh và đòi hỏi rất nhiều từ cha mẹ, nhưng khi lớn lên và vẫn mang theo thói quen đó, con sẽ trở nên ích kỷ và đòi hỏi những người xung quanh phải quan tâm đến mình.

Làm sao để “ích kỉ” biến thành “có ích”?

Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, thay đổi tính cách là việc rất khó mà cha mẹ có thể làm được khi con đã trưởng thành. Tuy nhiên, không phải là không có cách để cải thiện khả năng biết nghĩ đến người khác của con. Mời cha mẹ tham khảo một số gợi ý dưới đây:

👉 Khuyến khích con tham gia hoạt động tình nguyện

Cách tốt nhất để biết nghĩ cho người khác chính là đặt mình vào vị trí của họ. Thay vì sử dụng lời nói quá nhiều, cha mẹ hãy để con tự trải nghiệm bằng hành động. Hãy giúp con lựa chọn những chương trình ý nghĩa để tham gia, để con sớm hiểu rằng trên thế giới có rất nhiều người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, để từ đó, con có thể nhận ra, khi con san sẻ lòng mình, tình thương của mình cho những người yếu thế hơn, con sẽ thấy bản thân trở nên tốt đẹp hơn, biết nghĩ cho người khác hơn.

👉 Cho con biết rằng, chúng ta đều đang dựa vào người khác để sống mỗi ngày

Nghe thì hơi lạ, nhưng cha mẹ thử nghĩ kỹ mà xem. Chúng ta sống trong những ngôi nhà được những người thợ xây nên, đọc những trang sách do nhà văn sáng tác ra, ăn những món ăn được chế biến từ nguyên liệu do bàn tay của ai đó cày cấy, trồng trọt tạo nên. Tất cả chúng ta đều đang sống và cống hiến cho xã hội điều gì đó mỗi ngày, vì vậy tất cả đều xứng đáng được trân trọng và được yêu thương, thay vì phách lối, coi thường những người lao động.

👉 Cha mẹ hãy là tấm gương

Cách nhanh nhất để con học được kỹ năng nghĩ cho người khác, đấy chính là lấy cha mẹ làm tấm gương. Nếu cha mẹ luôn biết suy nghĩ và cảm thông cho người khác, đồng thời chủ động chuyện trò, chia sẻ cùng con, sớm hay muộn thì con cũng sẽ nhìn vào và dễ dàng học theo.

Nhiều cha mẹ muốn con phải là một người hoàn hảo, nhưng chưa chắc bản thân đã làm được những điều cha mẹ kỳ vọng ở con. Nếu muốn con biết nghĩ cho người khác, thì cha mẹ cũng nên tập cách đặt mình vào vị trí của con để cùng con tìm ra phương án tốt nhất.

👉Hãy cho con thời gian để trưởng thành

Một điều đặc biệt mà cha mẹ cần nhớ, đấy là bất cứ đứa trẻ nào cũng cần thời gian để trưởng thành. Ngay cả khi con đã bắt đầu định hình tính cách riêng, thì cũng đừng sốt ruột. Để thay đổi một điều gì đó, bất cứ ai cũng cần thời gian và sự rèn luyện đều đặn, lặp di lặp lại, thường xuyên nhất có thể. Nghĩ cho người khác là một kỹ năng hoàn toàn có thể rèn luyện được.

Con nên biết rằng kỹ năng làm việc với con người là 1 trong top 10 kỹ năng của thế kỷ 21. Nguyên nhân thì có lẽ là một phần là do sự phát triển chóng mặt của công nghệ và các thiết bị điện thoại thông minh. Song, việc hình thành những kỹ năng nghĩ cho người khác còn có thể giúp con phát triển EQ, và tăng cường khả năng thích nghi ở bất cứ bối cảnh học tập, làm việc nào.

Cha mẹ hãy cứ bình tĩnh nếu con vẫn còn đang mang trong mình những đặc điểm của một cô bé, cậu bé có chút ích kỷ, cứng đầu. Bởi lẽ, đó cũng là chuyện không có gì lạ ở độ tuổi bồng bột, sắp trưởng thành. Con cần sự kiên trì, tình yêu thương và sự đồng hành của cha mẹ, đó mới chính là liều thuốc mạnh nhất để con trở thành một người biết nghĩ cho người khác bằng tất cả sự chân thành.


👉 Đọc thêm các bài viết hay và bổ ích về cách Nuôi dạy con tại ĐÂY.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.