Với các bạn trẻ sinh sau năm 2000, mạng xã hội và Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các con. Ngoài Facebook và Youtube có phần phổ biến cha mẹ đã biết, còn có Tiktok, Twitter, LinkedIn, Discord hay nhiều kênh khác.
Trên không gian mạng, các con có thể làm tất cả mọi thứ từ học tập, kết bạn, kiếm tiền, mua sắm, vân vân. Ngoài những ích lợi các con nhận được từ mạng xã hội, ở đây cũng có những vấn đề riêng biệt của thế hệ này như “áp lực đồng đẳng”, “bội thực thông tin”, “nội dung rác”, “bắt nạt trên mạng” hay “sống nhanh”.
hay vì lo lắng hay cấm đoán các con sử dụng các nền tảng này, cha mẹ hãy dành thời gian tìm hiểu về những xu thế, vấn đề của giới trẻ trên không gian mạng – từ đó hiểu và kết nối với con tốt hơn, hỗ trợ con khi cần.

Áp lực đồng đẳng
Trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều những người thành công. Họ là những người làm quản lý ở các công ty, hoặc học và có học bổng ở các trường đại học danh giá, hoặc đạt thành tích cao tại các cuộc thi, gameshow, hoặc có hàng triệu người theo dõi. Những người này thường xuyên chia sẻ các câu chuyện thành công của họ trên mạng. Những câu chuyện này về mặt tích cực là nguồn động lực để các con cố gắng, tuy nhiên về mặt tiêu cực có thể khiến các con áp lực khi nhìn lại bản thân mình. Việc so sánh này không thể tránh khỏi bởi các con đang sử dụng mạng xã hội nhiều giờ mỗi ngày.
Nhiều bạn trẻ đang học cấp 3 khi lên mạng thấy những bạn cùng độ tuổi mình tham gia nhiều hoạt động, kiếm được nhiều tiền, đạt giải thưởng nhiều cuộc thi, khi nhìn lại mình thấy không có thành tích gì nổi bật, hàng ngày chỉ đi học và đi về, đâm ra tự ti và nghi ngờ về năng lực của bản thân. Tính tự ti này để lâu có thể dẫn đến những ảnh hưởng về tâm lý và khả năng ra quyết định của con.
Cha mẹ hiểu được điều này để khi có cơ hội được trò chuyện cùng con, hãy động viên con cố gắng hơn mỗi ngày và phát huy những điểm mạnh con đang có. Việc không nên làm là so sánh con với bất kỳ người nào khác dù là người quen hay không quen.

Bắt nạt trên mạng
Một thực trạng khác đang diễn ra là việc bắt nạt trên mạng. Thời nào cũng có những người bắt nạt người khác. Khác với thời cha mẹ việc bắt nạt thường diễn ra ngoài đời và với tần suất ít, thời nay việc bắt nạt thường diễn ra trên mạng xã hội với tần suất nhiều hơn. Bắt nạt ở đây thường là việc chỉ trích cá nhân trên mạng và bêu xấu thông tin cá nhân của bản thân và gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những kẻ bắt nạt hiện nay nhiều hơn thời trước bởi nhờ có sự phát triển của công nghệ, rất nhiều người có thể lập ra một tài khoản ảo không biết là ai để đi công kích người khác. Ngoài ra, hiệu ứng đám đông trên mạng cũng là một lý do khiến cho việc này diễn ra thường xuyên hơn.
Tuy những việc trên diễn ra trên mạng, nhưng hậu quả vẫn có thể để lại trong đời sống thực. Nhiều bạn trẻ khi trải qua việc bị công kích và chỉ trích cá nhân trên mạng đã rơi vào trạng thái trầm cảm, ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, từ đó kéo theo những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất.
Biết rằng trên mạng có những thực trạng như trên, tuy nhiên cha mẹ cũng không thể cấm con mình không sử dụng mạng xã hội. Thay vào đó, cha mẹ hãy hướng dẫn và dạy con cách sử dụng mạng xã hội đúng cách. Cha mẹ hãy dạy con cách phân biệt những lời bình luận từ tài khoản thật và tài khoản ảo để xem những lời bình luận đó có đáng giá hay không. Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy con về việc bảo mật thông tin cá nhân của bản thân khi tham gia mạng xã hội. Thêm vào đó, cha mẹ hãy khuyến khích con chia sẻ những vấn đề nếu có, bởi lẽ trong trường hợp con bị bắt nạt trên mạng, con sẽ biết rằng con có cha mẹ là hậu phương vững chắc ở phía sau để bảo vệ.

Bội thực thông tin và nội dung rác
Bất kỳ thông tin gì cũng có thể tìm được trên mạng trong thời gian hiện nay. Từ định hướng nghề nghiệp, cách xây dựng mối quan hệ bạn bè – đôi lứa hay nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, không phải thông tin nào trên mạng cũng được kiểm chứng và đáng tin. Có rất nhiều nội dung rác trên mạng cố tình làm sai sự thật để thu hút người xem. Nếu con tiếp cận những nội dung rác và không biết phân biệt đúng sai, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con.
Không thể cấm con sử dụng mạng xã hội, cũng như không có cách nào để mạng xã hội ít nội dung rác hơn. Thay vào đó, cha mẹ hãy cùng con học về cách phân biệt các nguồn thông tin trên mạng xã hội. Ví dụ, trong quá trình học tại RMIT, sinh viên RMIT được học kỹ năng tư duy phản biện (critical thinking) – khi đọc hay xem bất kỳ một thông tin nào trên mạng cũng cần biết phản biện và đặt câu hỏi xem thông tin đó đúng hay sai, có đáng tin hay không. Đây là một kỹ năng rất cần thiết không chỉ trong việc sử dụng mạng xã hội mà còn cả trong việc đi làm, cha mẹ có thể khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa hoặc các chương trình đào tạo kỹ năng này.

Lời kết về sự khác biệt thế hệ
Khi tìm hiểu về cuộc sống của giới trẻ hiện nay, chắc chắn có những điều cha mẹ cảm thấy choáng ngợp, không hiểu được và thấy “sao mà khác mình thế”. Khi những suy nghĩ này xuất hiện, cha mẹ hãy khoan đánh giá những điều đó đúng hay sai, hãy nhìn nhận đó là sự khác biệt thế hệ, cũng giống như thời của cha mẹ chúng ta rất khác với thời ông bà về trước.
Thế hệ trẻ sinh sau những năm 2000 là thế hệ rất cá tính, luôn mong muốn có bản sắc cá nhân của riêng mình. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nhiều những vấn đề các con có thể gặp trong tương tác xã hội. Những lúc này, việc cha mẹ ủng hộ, động viên, đồng hành, cố gắng tìm hiểu những gì trong thế giới của con sẽ là nguồn động lực và chỗ dựa rất lớn để con vững bước trong hành trình trưởng thành.
👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm bạn với con tại ĐÂY
👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.