Thế giới ảo có thực sự xấu?

Mạng internet và điện thoại di động vẫn được người lớn coi là có hại cho trẻ con, đặc biệt là trong lứa tuổi teen. Tuy nhiên, bên cạnh những tác hại thì thế giới mạng đôi lúc lại rất có ích cho sự phát triển của con. Trong bài viết này, cha mẹ hãy cùng chúng tôi lật lại góc nhìn để thấy được những điểm tuyệt vời của các công cụ trong “thế giới ảo” nhé. 

1. Cánh cửa mở ra tri thức 

Với mạng internet, con có thể tự do khám phá gần như tất cả những gì mình muốn. Thư viện, vốn được coi là “thánh đường của tri thức”, giờ đây thu gọn lại trong chiếc điện thoại hay máy tính nhỏ của con. Thuật toán thông minh của các công cụ tra cứu như Google không chỉ giúp chúng ta tìm kiếm tư liệu thuận tiện hơn, mà còn nhanh hơn, chính xác hơn và cập nhật liên tục. 

Không chỉ vậy, sự phổ biến của công nghệ này đã dẫn đến sự lên ngôi của các khoá học, lớp học trực tuyến. Chẳng còn bị hạn chế bởi chương trình học trên trường, con có thể đăng kí bất cứ môn học nào trên các trang giáo dục như Coursera, Udemy, edX… với một mức giá rất hợp lý. Với 77.84% người trẻ được hỏi chia sẻ rằng họ đã từng học trên các nền tảng này, đào tạo trực tuyến được Diễn đàn Kinh tế thế giới mệnh danh là “tương lai của giáo dục”. 

2. Cộng đồng kết nối và sẻ chia 

Chưa bao giờ chúng ta có thể kết nối dễ dàng như thế với những người xung quanh mình. Năm 1995, có chưa tới 1% dân số thế giới kết nối trực tuyến. Chỉ sau hơn 20 năm, đã có 3.5 tỷ người có kết nối Internet – chiếm tới gần một nửa số người trên hành tinh này và con số này đang tăng với tốc độ khoảng 10 người/giây. Trong cộng đồng “ảo” khổng lồ này, chúng ta đang ngày càng có nhiều công cụ hơn để giao tiếp với nhau. 

Cha mẹ chỉ thường xuyên vào Facebook để xem tin của bạn bè, các con còn có Instagram để đăng ảnh “sành điệu”, có Snapchat để chia sẻ những khoảnh khắc nhí nhố, có Twitter để cập nhật ý kiến mới nhất từ những cái tên mình quan tâm. Với các con, mạng xã hội không chỉ để kết nối, mà còn là nơi thể hiện và xây dựng hình ảnh cá nhân của mình. Đặc biệt, với các bạn lần đầu đi du học, việc nhớ nhà, cô đơn, nhờ có những ứng dụng gọi điện video, nhắn tin như Skype hay Messenger mà cũng nguôi ngoai phần nào. 

3. Cơ hội tương lai rộng mở 

Internet, với những công cụ hữu ích của mình, thực sự đã vượt ra khỏi phạm vi giải trí từ rất lâu. Con có thể chạm đến hàng nghìn cơ hội giá trị chỉ nhờ một cú click chuột. Lấy một ví dụ gần gũi, các con muốn đi du học, nhờ có các trang web của trường, các bài viết hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trên mạng mà có thể hiểu về các chương trình học không thua gì bạn học tại Anh, Mỹ. Bên cạnh đó, các mạng xã hội về công việc như LinkedIn cũng là nơi tuyệt vời để con tìm kiếm các cơ hội việc làm, làm quen với các anh chị nhiều kinh nghiệm tại chính công ty mà mình mơ ước. 

4. Giá trị thực cho thế giới 

Có rất nhiều bạn trẻ đã bước chân từ thế giới ảo ra ngoài đời thật một cách thành công. Trong một bài viết về nghề vlogger trước đây, chúng tôi đã giới thiệu một công việc “rất hot”, nhưng chưa từng tồn tại trong thời của cha mẹ. Thật vậy, với hàng triệu lượt theo dõi, những chàng trai, cô gái mới hơn hai mươi tuổi ấy đã và đang trở thành “con cưng” của các nhãn hàng đình đám và thực sự có thể tự lập tài chính. 

Cùng với những tổ chức hoạt động vì cộng đồng, họ nói về niềm đam mê của mình, nói về những chuyến đi xa khám phá thế giới, nói về cách chúng ta yêu thương bản thân, quan tâm tới những người xung quanh và sống trọn vẹn trong từng phút giây. Nhờ có internet, họ đang truyền đi những giá trị sống tích cực. 

Tất nhiên, internet luôn tiềm ẩn những góc tối không được kiểm soát hay khả năng “gây nghiện” trên các mạng xã hội. Nhưng không thể vì những lí do ấy mà chúng ta bỏ qua các cơ hội tuyệt vời từ phát minh kì diệu này. Thế giới thực và thế giới ảo đã dần hoà làm một, bước vào thế giới ấy, thế hệ của con tất nhiên cần sự cẩn trọng, nhưng cũng rất cần tự do hơn, sáng tạo hơn. 

Giang Nguyễn

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.