Sở hữu kinh nghiệm giảng dạy đa dạng tại Ireland và Dubai, bề dày hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo, thầy Eddie Ryan – giảng viên ngành Thiết kế Ứng dụng sáng tạo có phong cách sáng tạo mang nét tổng hòa Á-Âu thú vị. Dù chỉ mới giảng dạy tại RMIT được 1 học kỳ, nhưng thầy luôn cố gắng để đem đến cho sinh viên RMIT những góc nhìn đa chiều về lĩnh vực thiết kế trong mỗi bài giảng của mình.

Mô tả bản thân là một người đầy sáng tạo, song, thầy Eddie không cho rằng gu sáng tạo của mỗi người có thể hình thành chỉ trong một hoặc hai ngày, mà cần ít nhất 3 năm học tập và trau dồi. Để giúp sinh viên có được những kiến thức nền tảng tốt và đi đúng hướng trong 3 năm quan trọng này, tôn chỉ trong phương pháp giảng dạy của thầy là đặt sinh viên làm trung tâm của bài giảng.

“Đối với tôi, thành công trong mỗi bài giảng được đánh giá chủ yếu qua hai yếu tố: phương thức truyền đạt kiến thức liệu đã phù hợp với sinh viên hay chưa, và cách tôi diễn giải lý thuyết liệu đã đủ dễ hiểu cho sinh viên”, thầy Eddie chia sẻ.

Một số thông tin về Thầy Eddie:

✨ Giảng viên, ngành Thiết kế Ứng dụng sáng tạo, RMIT Việt Nam

✨ Thạc sĩ Nhiếp ảnh, Trường Nghệ thuật Belfast, Đại học Ulster, Bắc Ireland

✨ Thạc sĩ Truyền thông Hình ảnh, Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Quốc gia, Dublin

✨ Từng giảng dạy tại các trường Đại học Công nghệ Midlands (Ireland) và Đại học Middlesex (Dubai)


Thầy đã từng giảng dạy ở đâu trước khi đến với RMIT?

Tôi đã từng giảng dạy các lĩnh vực khác nhau trong ngành thiết kế, như thiết kế ấn phẩm, thiết kế triển lãm, chỉ đạo nghệ thuật và quảng cáo. Tôi bắt đầu bén duyên với nghề sư phạm từ vai trò giảng viên bán thời gian, trở thành giảng viên chính thức, rồi công tác tại các vị trí giảng viên cấp cao, chủ nhiệm bộ môn, phụ trách 3 chương trình Cử nhân tại Đại học Công nghệ Midlands (Ireland). Sau đó, tôi chuyển đến công tác tại Đại học Middlesex (Dubai) với vị trí giảng viên ngành Truyền thông Ứng dụng và là giảng viên sáng lập chương trình Cử nhân Danh dự Thiết kế đồ họa. Những trải nghiệm và kinh nghiệm giảng dạy ở nhiều quốc gia khác nhau này chính là kho báu vô giá mà tôi tích lũy được sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Thiết kế & Sáng tạo.

❓ Thầy đã giảng dạy ở RMIT từ bao giờ, và điều gì đã khiến thầy quyết định lựa chọn RMIT?

Tôi đã giảng dạy tại RMIT được hơn 4 tháng. 8 năm trước, khi lần đầu tiên đến Hà Nội, tôi đã cảm thấy rất ấn tượng về cảnh quan và con người nơi đây. Sau chuyến du lịch đó, trong lòng tôi luôn ấp ủ dự định quay lại Việt Nam, và thật may mắn cho tôi khi đã được RMIT dang rộng vòng tay, chào đón tôi quay trở lại Việt Nam sinh sống và làm việc.

❓Nếu để chọn 1 từ để miêu tả bản thân, thầy sẽ chọn từ nào và tại sao?

Quả là 1 câu hỏi khó, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ chọn từ “sáng tạo”, bởi nó liên quan mật thiết đến ngành học mà tôi đang giảng dạy. Tất nhiên, nó không thể lột tả hết tính cách của tôi bởi tôi còn rất nhiều “bí mật chưa được bật mí”

❓Điểm đặc biệt nhất về sinh viên RMIT mà thầy nhận ra trong thời gian giảng dạy là gì?

Đối với tôi, tìm hiểu phong tục tập quán và văn hóa của một đất nước là cách để tìm nguồn cảm hứng cho mình trong giảng dạy. Đó là một cách thể hiện sự tôn trọng của bản thân với quốc gia mình đang sinh sống và làm việc, cũng như gắn kết tinh thần với sinh viên, giúp sinh viên “tin tưởng” chính người thầy của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ những trải nghiệm của bản thân tại các quốc gia khác nhau để sinh viên có thêm những góc nhìn đa chiều về ngành và văn hóa, nhận biết sự khác biệt và kết nối giữa văn hóa và nghệ thuật.

❓Theo thầy, điểm mạnh của sinh viên RMIT là gì?

Sinh viên RMIT luôn để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt bởi tinh thần nghiêm túc trong công việc, khả năng bình tĩnh xử lý mọi tình hướng khó khăn và có cá tính độc đáo.

❓ Đại học RMIT hỗ trợ sinh viên như thế nào để sẵn sàng cho công việc và cuộc sống sau này?

Cấu trúc chương trình Cử nhân Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo tại RMIT tiếp cận các kiến thức nền tảng của lĩnh vực Nghệ thuật Đương đại ngày nay. Sinh viên vừa được bổ sung kiến thức một cách toàn diện ở tất cả các khía cạnh của lĩnh vực thiết kế, vừa có cơ hội được học chuyên sâu vào cụ thể từng mảng mà các bạn xác định sẽ theo đuổi sau này.

Bên cạnh cung cấp kiến thức, RMIT còn có các bộ phận hướng nghiệp hay chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên, giúp sinh viên RMIT có được nền tảng học thuật tốt và chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống & công việc sau này.

❓Khi thiết kế bài giảng trước mỗi giờ học, đâu là yếu tố thầy đặt lên hàng đầu?

Khi soạn giáo án giảng dạy, tôi nghĩ rằng không chỉ riêng ngành thiết kế mà bất kỳ ngành nào tại RMIT, các giảng viên cũng đặt sinh viên làm trọng tâm và trải nghiệm của sinh viên là yếu tố cốt lõi của một bài giảng hay. Có 2 điều mà tôi luôn luôn nghĩ đến khi thiết kế bài giảng: một là mình sẽ truyền đạt kiến thức bằng hình thức nào để sinh viên có thể tiếp thu tốt nhất, hai là mình sẽ diễn giải lý thuyết đó như thế nào để sinh viên cảm thấy dễ hiểu nhất.

❓ Kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy ở RMIT là gì?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là khi phụ trách môn Dự án cuối khóa của sinh viên. Khi đó, tôi đã được thấy các sinh viên của mình dành hết thời gian, công sức và đam mê để hoàn thiện sản phẩm của riêng mình. Thực sự tôi rất tự hào! 

❓Thầy có lời khuyên gì cho cha mẹ đang có con học cấp 3 không?

Cha mẹ không nên đặt quá nặng áp lực điểm số cho con, đặc biệt là trong ngành thiết kế. Thông thường, sinh viên theo học ngành thiết kế sẽ mất 3 năm để có thể định hình được “gu” thiết kế cho bản thân mình, và đó mới là thời điểm tài năng của con được phát huy mạnh nhất.

Tất nhiên, cũng có những sinh viên xuất sắc hơn đã khẳng định được tài năng của mình sớm hơn, nhưng cha mẹ không nên lấy đó làm áp lực cho con, mà thay vào đó, cha mẹ hãy ủng hộ, động viên và là chỗ dựa tinh thần cho con để con được phát triển tốt nhất.

Bên cạnh đó, giai đoạn chuyển tiếp từ cấp 3 sang Đại học là một giai đoạn quan trọng mà con sẽ phải đối mặt với nhiều sự thay đổi và khó khăn. Chính vì vậy, cha mẹ hãy là người bạn, đồng hành cùng con qua chặng đường khó khăn đó để con có một hành trang tốt nhất khi bước vào cánh cửa Đại học.


👇 Đọc thêm:

Cần chuẩn bị gì từ cấp 3 nếu con muốn học Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo tại RMIT?

Cha mẹ biết gì về Kinh tế Sáng tạo – nền kinh tế có tiềm năng soán ngôi mọi nền kinh tế khác?

👉 Tìm hiểu ngành Cử nhân Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo của RMIT

👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.