Thà không biết gì còn hơn biết sai”. – George Bernard Shaw

Hành trình tìm kiếm và chinh phục tri thức vốn dĩ không dễ dàng. Biết nhiều mà không thấu đáo, hoặc thậm chí là biết sai thì còn nguy hiểm hơn là không biết gì. Bởi lẽ, hiểu biết sai sẽ dẫn đến các hành vi và quyết định sai lệch, tiềm tàng nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trong nuôi dạy con, hiểu sai về bản chất chuyện “yêu đương” của con trẻ dễ dẫn đến những phản ứng thái quá, gây tổn thương cảm xúc của con, thậm chí đẩy con vào những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Trong truyền thông, nghiên cứu hời hợt về khách hàng, xác định sai các đặc điểm của họ có thể dẫn đến sự đổ bể của cả một chiến dịch truyền thông đắt đỏ. Trong khoa học, sự chính xác về thông tin còn quan trọng hơn, bởi những công bố, thành tựu nghiên cứu hôm nay chính là nền móng của tương lai.

Chính vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các con cần được định hướng rõ ràng về thái độ tiếp nhận tri thức – không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng, hướng đến các tri thức thực sự có giá trị. Việc này đòi hỏi trước tiên sự chọn lọc “khắt khe” về nguồn thông tin. Sau đó là nỗ lực đào sâu, tìm tòi, đánh giá. Tư duy phản biện, vốn là điều học sinh Việt còn yếu, lại là kĩ năng quan trọng giúp con có thể chạm đến cốt lõi của vấn đề. Sau cùng, thái độ cầu thị, sự trân trọng và khao khát tri thức chính là điều sẽ giúp các con vượt qua cạm bẫy của sự tự mãn, giúp con “đi chắc, tiến xa” trên con đường học tập.

Để các con làm được điều đó, cha mẹ hãy để các con có cơ hội “được” thấy mình “biết ít”, thấy mỗi ngày đều đầy ắp những tri thức mới mẻ, thấy cuộc đời ngoài kia thật rộng lớn – mông lung mà rất đỗi thú vị. Để con hiểu rằng, tri thức thực sự là một thử thách lớn rất đáng chinh phục. 

Nếu bạn đồng ý với chúng tôi thì hãy chia sẻ bài viết này.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.