“Thà bị ghét vì là chính mình còn hơn được thích mà phải giả tạo.” – Andre Gide.
Nếu một ngày con đi học về cùng đôi mắt nặng trĩu tâm sự, hoang mang lo lắng kể rằng con bị nói xấu vì từ chối cho các bạn chép bài, rằng các bạn tẩy chay con vì con thường xuyên “tranh luận” trong giờ sinh hoạt lớp, hãy nhẹ nhàng nói với con rằng: “Thà bị ghét khi là chính mình còn hơn được yêu thương bởi một vỏ bọc khác”.
Cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng “biết từ chối” là một kĩ năng quan trọng khi con lớn lên, và “thích tranh luận” thể hiện rằng con có tư duy phản biện tốt. Nếu chỉ vì bị các bạn “nói xấu”, các bạn “tẩy chay” mà con gồng mình trở thành một người cả nể, một người không dám nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình, con sẽ dần đánh mất bản thân và tự biến mình thành một phiên bản nhạt nhòa như bao người khác.
Cha mẹ hãy phân tích cho con hiểu rằng “bị ghét” là điều không ai muốn, nhưng trong xã hội này, con sẽ không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Nếu như bị ai đó “ghét”, con cần tự nhìn lại bản thân mình, và tìm cách chứng minh cho họ thấy rằng điều con làm không đáng ghét như họ nghĩ. Ví dụ như thay vì đồng ý cho bạn chép bài, con dành thời gian giảng bài cho bạn, và giúp bạn hiểu được giá trị của những công sức, chất xám mà mình bỏ ra cho một bài tập khó. Hay khi con tranh luận, hãy cho các bạn thấy những ý kiến đóng góp của con mang tính chất xây dựng như thế nào đối với cuộc thảo luận trong các giờ sinh hoạt.
Cha mẹ hãy nói cho con biết rằng “được yêu quý” bởi những người không chấp nhận và tôn trọng “cái tôi” của con, là một điều xa xỉ và vô nghĩa. Con cần tập trung vun đắp cho những mối quan hệ thật sự quan trọng với mình, thay vì cố gắng biến bản thân trở thành một người khác chỉ để nhận lấy vài lời khen xã giao “vô thưởng vô phạt”. Hãy khiến những người bạn quan trọng với con thấu hiểu con hơn, hãy để họ yêu quý con bởi con là chính mình. Còn những ai chỉ yêu quý lớp vỏ bọc mà con tạo ra, sau cùng cũng sẽ không ở lại khi con gỡ “chiếc mặt nạ hoàn hảo” trước mắt họ.
Cùng quan điểm với câu châm ngôn này, RMIT luôn tạo ra một môi trường mà ở đó con được thỏa sức thể hiện cá tính, được khuyến khích sống thật với bản thân, đồng thời biết cách chấp nhận và thấu hiểu sự khác biệt trong tính cách của mỗi người. Chúng tôi muốn các em được yêu thương khi là chính mình chứ không phải là bất cứ một ai khác.