Vì sao cần đánh giá sinh viên đúng cách?
Thời chúng ta còn là học sinh sinh viên, khi vẫn đang định hình bản thân, chúng ta đối chiếu rất nhiều vào thước đo của những người xung quanh, đặc biệt là thầy cô và cha mẹ. Ở thời điểm đó, sự đánh giá một người trẻ vẫn còn rất đơn giản, ngoan-hư, hiền-dữ, ít nói-hoạt bát, và tuỳ môi trường hoặc sự ưa thích của mình mà khen chê một tính cách nào đó. Cách đánh giá này dễ khiến chúng ta tin rằng chỉ có một vài tính cách là nổi trội mà thôi, mình nên cố gắng giống với những hình mẫu đó.
Sau này, khi những nghiên cứu về cá tính và tâm lý con người phát triển hơn, người ta nhận ra con người muôn màu hơn thế. Những học thuyết hay phương pháp đánh giá tiềm năng con người (ví dụ thuyết 16 nhóm tính cách của Myer Briggs) thường là để giúp một cá nhân hiểu hơn về mình để phát triển đúng hướng, chứ không phải để phê phán hay loại bỏ những tính cách nào đó.
Đối với con cái của chúng ta, đặc biệt ở lứa tuổi teen hoặc sắp trở thành sinh viên, được nhìn nhận và tôn trọng toàn bộ bản chất của mình, được tạo môi trường để mình được phát huy hết tiềm năng sẽ cho các con hai lợi thế vô cùng to lớn.
Thứ nhất, các con sẽ có cái nhìn tích cực và tự tin về bản thân mình. Hay nói cách khác, con nhìn được cả hai mặt sáng tối của bản thân và sống vui với nó. Con không nhìn chăm chăm vào mặt tối để tự ti, cũng không chỉ chấp nhận mặt sáng để tự kiêu. Con cũng có cái nhìn tích cực về những người xung quanh. Bạn có thế mạnh của bạn, tôi có thế mạnh của tôi. Con sẽ ít so sánh mình với người khác nhưng sẽ so sánh với chính mình, so với tuần trước, tháng trước, mình đã tiến bộ đến đâu.
Thứ hai, được đánh giá đúng sẽ giúp con tạo ra một chiếc “la bàn” bên trong, định hướng cho mình, giúp mình tìm thấy những môi trường thích hợp. Mình có những tính cách này, giá trị này, mình sẽ yêu thích những thể loại công việc nào và sẽ không thể chịu đựng khi làm những gì… Bằng cách đó, con sẽ so sánh và đối chiếu thị trường làm việc với bản thân, chứ không hoang mang chạy theo bạn bè hay xu hướng nhất thời.
Đại học RMIT Việt Nam và phương pháp đánh giá sinh viên Authentic Assessment
Hiểu rằng mỗi sinh viên đều ẩn chứa những tiềm năng độc đáo, từ lâu đại học RMIT Việt Nam đã áp dụng phương pháp đánh giá Authentic Assessment. Khác với phương pháp đánh giá truyền thống thường tập trung chủ yếu vào bài thi cuối kỳ, phương pháp này bao gồm nhiều hình thức đánh giá khác trong suốt quá trình học như: bài thuyết trình nhóm, dự án cá nhân/nhóm, bài viết luận hay bài báo cáo… với yêu cầu cụ thể. Bằng cách này các em sẽ được đánh giá công tâm trên rất nhiều phương diện và được bộc lộ hết thế mạnh của mình, dù các em hướng nội hay hướng ngoại, thích làm việc độc lập hay làm việc nhóm, chuộng lý trí hay thích dung hoà tình cảm. Các em còn được học hỏi từ nhau thông qua các hoạt động đánh giá này. Bài làm của sinh viên sau đó còn được gửi giữa các cơ sở Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh – Melbourne để chấm chéo và bảo đảm chất lượng dạy và học giữa các cơ sở là tương đương.
Albert Einstein từng nói, “nếu bạn đánh giá một con cá dựa trên khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời mà tin rằng mình ngu dốt.” Việc đánh giá một sinh viên cũng như vậy. Một đánh giá sai lầm nếu được lặp đi lặp lại quá lâu, em sinh viên ấy sẽ hình thành niềm tin tiêu cực về mình và quên đi những tiềm năng mình đang có. Ngược lại, nếu được đánh giá đúng bản chất và được tôn trọng, em sẽ tiến rất xa trên con đường em chọn cho riêng mình.
Việc đánh giá công bằng và khách quan một sinh viên là trách nghiệm chính của một trường đại học, tuy nhiên, chúng tôi cũng rất muốn cha mẹ tham gia vào quá trình này bằng việc thực hành sự công tâm khi đánh giá năng lực của con em mình. Làm được như vậy, chắc chắn các em sẽ nhận ra được năng lực của mình và biết phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để trở thành những công dân toàn diện.
Comments