Nuôi con từ bé đến nay, hẳn bạn không lạ gì những lần con trải qua “chiến thắng hụt”.
Đó là khi con thiếu 0,25 điểm để vào trường chuyên.
Khi con thiếu 1 giây để đoạt huy chương vàng điền kinh toàn trường.
Khi đội bóng lớp con bị tung lưới ở phút cuối cùng của trận đấu.
Chiến thắng hụt quả là những lần thua trận kỳ lạ. Ta như bị tung lên cao bởi cảm giác chiến thắng gần kề, đầu óc phấn khích tột đỉnh, rồi bị ném xuống trạng thái thua cuộc, tâm trí chỉ còn nỗi thất vọng trống rỗng. Những lúc đó, bạn thường nói gì với con? “Tiếc quá! Chỉ còn một chút nữa là thắng rồi!”, hay “Tại xui đó con, lần sau mình sẽ may mắn hơn.”
Trong bài nói chuyện từ Ted này, nhà giám định và phê bình nghệ thuật Sarah Lewis có cái nhìn thú vị hơn về chiến thắng hụt. Không tiếc nuối, không đổ tại vận rủi hay phong độ, mà Sarah khẳng định chiến thắng hụt chính là chất xúc tác mạnh mẽ nhất để kích hoạt lòng quyết tâm nơi con người. Cô dẫn ra nghiên cứu rằng, những vận động viên Olympic đoạt huy chương bạc, mang cảm giác bực dọc vì hụt mất huy chương vàng, thường tập trung cao độ trong tập luyện cũng như thi đấu ở kỳ tiếp theo. Sarah cũng dùng hình ảnh vận động viên bắn cung để chứng minh rằng, thành công thật ra chỉ là khoảnh khắc. Những người bắn cung chỉ thật sự cảm thấy yên tâm khi có thể bắn trúng hồng tâm hết lần này sang lần khác và biết rằng mình có thể chủ động được việc đó. Tương tự với bất cứ lĩnh vực nào khác, thành công chẳng có nghĩa lý gì nếu như ta không tự tin lặp lại kết quả đó khi ta muốn. Câu chốt quan trọng nhất của bài nói, chính là những người vĩ đại nhắm đến sự hoàn thiện, không phải khoảnh khắc thành công, và sự hoàn thiện đến từ một chuỗi những chiến thắng hụt.
Vậy nên, lần tới nếu bạn và con lại đối diện với chiến thắng hụt, hãy hỏi con liệu con có muốn chiến thắng với nỗi hồ nghi mình thắng là do may mắn, hay con muốn dùng chiến thắng hụt như một chất xúc tác để hoàn thiện khả năng của mình và chiến thắng tâm phục khẩu phục ở những lần sau?
—