Nhắc đến các tác hại của smartphone, cha mẹ thường nghĩ tới việc con bị phân tán tư tưởng và lơ là việc học mà bỏ quên một khía cạnh vô cùng quan trọng khác – tâm sinh lí. Sử dụng smartphone nhiều có thể gây ra những tổn thương về tinh thần như gây rối loạn đồng hồ sinh học, giảm khả năng giao tiếp hay thậm chí là trầm cảm… Đây là những vết sẹo tâm hồn mà việc chữa lành rất khó khăn. Vậy, những ảnh hưởng này như thế nào? Cha mẹ nên nắm rõ các biểu hiện và hậu quả để có thể đồng hành và bảo vệ con trước con dao hai lưỡi “thông minh” này.
Khả năng gây nghiện cao
Có người từng gọi thế kỉ 21 là “thế hệ cúi đầu” khi cuộc sống của con người gắn bó quá chặt chẽ với chiếc điện thoại, phần lớn thời gian trong ngày được dùng để lướt các trang tin tức, mạng xã hội. Mải đắm chìm trong thế giới số đó, chúng ta vô tình trở thành những nô lệ không thể dứt mắt khỏi màn hình. “Một trong những điều tuyệt vời của smartphone và máy tính bảng đó là luôn có những điều mới mẻ để khám phá và sự mới mẻ đó gần như vô hạn”, tiến sĩ Gary Small, Giáo sư tâm thần học và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thần kinh và Hành vi con người thuộc Đại học California (Los Angeles, Mỹ) cho biết. “Vì lý do đó, rất khó để từ bỏ và ngưng sử dụng smartphone hay máy tính bảng”. Nghiện smartphone chiếm hết thời gian quý giá trong ngày, tăng nguy cơ rối loạn sinh lí. Không chỉ vậy, bởi thế giới ảo luôn khác thế giới thực tế, khi đặt smartphone xuống để đối mặt với cuộc sống muôn vẻ ngoài kia, con dễ bị choáng ngợp, thậm chí có thể mắc các chứng lo âu rối loạn cảm xúc, rối loạn tập trung hay hành vi…
Thay đổi đồng hồ sinh học
Việc phải đến trường hàng ngày và học tập chiếm hầu hết các quỹ thời gian chính trong ngày của các con. Chính vì thế, khung giờ vàng để con “lên mạng”, chơi điện thoại chính là trước khi đi ngủ. Thế giới hấp dẫn này đôi khi khiến con quên mất thời gian. Đến lúc mẹ vào phòng mới nhận ra đã là 1h sáng. Bên cạnh đó, ánh sáng phát ra từ màn hình các thiết bị này sẽ gây ức chế hormone melatonin sinh ra trong giấc ngủ – yếu tố đảm bảo cơ thể có giấc ngủ ngon và tỉnh dậy tỉnh táo. Vì vậy, không chỉ gây thiếu ngủ, nhức đầu, chóng quên, mệt mỏi vào những ngày sau, thức khuya còn làm đảo lộn đồng hồ sinh học, lấn chiếm vào thời gian nghỉ ngơi và tái tạo của các cơ quan trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài. Đặc biệt với độ tuổi dậy thì, khi các tế bào đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, giấc ngủ điều độ chính là bí quyết giúp các con cao lớn, có sức đề kháng tốt, là tiền đề cho sức khoẻ sau này.
Giảm khả năng giao tiếp xã hội
Bản chất của mạng xã hội là phục vụ nhu cầu giao tiếp của con người. Nhưng khác với giao tiếp ngoài đời, giao tiếp trên mạng được thực hiện dưới dạng “ảo”. Cảm xúc, ngôn từ đều được số hoá, vì vậy các yếu tố quan trọng như ngôn ngữ cơ thể, chất giọng, biểu cảm khuôn mặt… đều bị lược bỏ. Các con có thể sẽ dần mất đi khả năng quan sát và biểu đạt tinh tế này, từ đó giảm khả năng giao tiếp và quản lí các mối quan hệ xã hội hiệu quả. Điều này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu tự tin, cô đơn, thậm chí trầm cảm. Không chỉ vậy, do yếu tố “ẩn danh” mà mạng xã hội còn là vùng đất tiềm năng cho những kẻ “bắt nạt ảo” trên mạng. Viết về vấn đề này, câu chuyện “Marion – Mãi Mãi tuổi 13” là một minh chứng nghiêm túc và đau đớn cho quyền năng đáng sợ của mạng xã hội. Bởi lẽ, khi còn là các cô bé, cậu bé mới dậy thì, lại không được quan tâm, chia sẻ, các con sẽ rất dễ tìm đến các con đường tiêu cực. Với các con, “có những rắc rối tưởng nhỏ nhưng thực ra lại to đùng, có những lúc trẻ cố gắng tỏ ra không có vấn đề gì nhưng nếu bố mẹ không chú ý quan tâm đến con để nhận ra những bất thường thì có thể sẽ quá muộn.”
“Điện thoại thông minh” đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy vậy, dùng chúng một cách thông minh không phải là điều dễ dàng. Thay vì đặt lênh cấm, quát mắng, theo dõi, cha mẹ nên có những biện pháp cụ thể để quản lý việc sử dụng điện thoại của con. Hãy giúp con tự nhận ra rằng, bên ngoài những con số ảo trên điện thoại, là cả một thế giới rộng lớn và đầy thử thách thú vị để con khám phá và chinh phục – thế giới thưc.