“Ta hãy hy sinh ngày hôm nay của mình để con cái có một tương lai tốt đẹp hơn.” – A. P. J. Abdul Kalam – tổng thống thứ 11 của Ấn Độ
Ngày nay, có thể dễ dàng tìm thấy các bài viết cho rằng cha mẹ không nên và cũng không có trách nhiệm hy sinh cho con cái. “Đủ 18 tuổi thì xách vali ra khỏi nhà, cha mẹ hết nghĩa vụ”. Nhưng với chúng tôi, sự hy sinh của các bậc cha mẹ luôn là một món quà thiêng liêng mang đủ hình hài dáng vẻ. Nó gieo mầm yêu thương và sự “biết nghĩ” trong những đứa trẻ khờ dại.
Đó có thể là hy sinh miếng ăn, cái mặc. “Bằng bạn bằng bè” là một niềm khắc khoải. Cha mẹ nhất định bảo vệ tâm hồn non nớt của những đứa trẻ chớm biết so bì, lần đầu tiên nhận ra sự chênh lệch giữa các gia đình. Một bộ đồng phục mới, lớp học thêm “chuyên sâu hơn” đến chiếc xe máy đầu tiên, tấm vé vào một trường đại học tốt, đều có bóng dáng của những lo toan, tính toán.
Đó cũng có thể là hy sinh một giấc mơ. Tôi chỉ nghĩ, biết đâu, mẹ đã có một thương hiệu thời trang nhỏ đúng ý và bố thì đã trở thành quản lý tại một công ty nước ngoài. Nhưng cha mẹ đã chọn những bữa cơm nhà đầy đủ và xấp bài tập về nhà được “giám sát” hoàn thành đầy đủ của chúng tôi.
Và đôi khi, đó là hy sinh để con trưởng thành và hạnh phúc. Có bậc cha mẹ nào thích gọi video call và một năm ở cạnh con vài tuần? Nhưng nếu đó là ước mơ của con, cha mẹ sẽ ủng hộ. Cha mẹ buông tay để con được bay xa, được sống trọn vẹn từng dự định của mình mà vẫn luôn yên tâm có gia đình phía sau. Đó là sự hy sinh mà bất cứ khi nào nhìn lại, chúng ta đều cảm thấy biết ơn, và có lẽ cũng là quyết định khó khăn nhất của bất cứ bậc cha mẹ nào.