Trong cuộc sống, sẽ rất khó để chúng ta có thể “cách ly” bản thân khỏi các tác động ngoại cảnh. Một việc gấp không như ý đột nhiên xảy ra, một suy nghĩ so sánh đột nhiên hiện lên khi thấy người bạn cũ nay rất thành công hay đơn giản là những dòng thông báo mới hiện lên hàng giờ trên màn hình điện thoại… chính vào những lúc đó, lựa chọn pro-active thinking (suy nghĩ chủ động) hay re-active thinking (suy nghĩ bị động) sẽ là yếu tố quyết định tới chất lượng công việc và cuộc sống của con.
Nếu cho phép những sự kiện xung quanh làm chủ bộ não, dần dần những tác nhân ngoại cảnh này sẽ nắm quyền điều khiển toàn bộ thời gian và suy nghĩ của chúng ta. Khi đó, con rất khó có được sự cân bằng cần thiết để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất, đồng thời, dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài, mất phương hướng.
Trong khi đó, nếu luôn ở tâm thế chủ động, con sẽ giải phóng bộ não khỏi những mối bận tâm ngắn hạn để tập trung vào những điều quan trọng, có tính dài hạn. Đây chính là chìa khoá để con giữ được sự tự chủ và có thể tận hưởng được từng bước đi của hành trình trưởng thành.
Thực tế, cách tư duy là thành quả của một quá trình luyện tập, tích lũy chứ không phải là năng khiếu bẩm sinh. Con hoàn toàn có thể lựa chọn cách mình khôn lớn qua từng quyết định nhỏ. Trong một chia sẻ của mình, Nguyễn Thành Vinh – chủ nhân học bổng toàn phần của RMIT năm 2020, đã gửi gắm điều này tới các học sinh một cách giản dị và chân thành – “Con rất mong dù các em có mong muốn học RMIT hay du học, thì cũng nên có tâm lý cố gắng hết mình ngay từ lớp 10, ít nhất sau này nhìn lại cũng không còn gì để tiếc!”
Thực vậy, dù ước mơ của con là gì, khi sớm tìm hiểu và vạch rõ con đường mình đi, con sẽ đủ năng lượng và sự tự tin cần thiết để chinh phục và toả sáng hết mình.