Bạn phản ứng thế nào khi thấy con buồn vì thi trượt đại học mà con yêu thích?
– “Việc gì phải buồn? Không học trường này thì học trường khác.”
Hay bạn nói với con ra sao khi bạn thân nhất của con theo gia đình ra nước ngoài sinh sống?
– “Buồn làm gì, con vẫn cón thể gọi điện, chat video với bạn mà!”
…
Những câu động viên nghe thật quen thuộc trong mỗi gia đình phải không? Thời xưa khó khăn biết bao nhiêu, cha mẹ phải nỗ lực lắm mới có được sự công nhận của ông bà, của anh chị em, hay của xã hội. Có khi chẳng được làm công việc mình thích, chẳng được ở bên người mình thương, buồn cũng phải chịu, ấm ức cũng phải nuốt vào lòng. Dần dà, cảm xúc của bản thân không còn là ưu tiên hàng đầu nữa.
Cha mẹ hay tâm sự rằng, bởi bản thân chưa từng được ai quan tâm, lắng nghe, thông cảm hay chia sẻ nên cũng chẳng biết phải đối mặt với nỗi buồn của con như thế nào. Chỉ biết rằng bố mẹ muốn con luôn tích cực, mạnh mẽ và lạc quan. Tất cả những yếu tố đó đều rất quan trọng, nhưng sự thật là: không giống với cha mẹ, các con sinh ra trên đời này chẳng phải ai cũng hiểu cái cảm giác dành cả cuộc đời mình cho người khác. Và việc liên tục bỏ qua cảm xúc của bản thân thật sự không phải giải pháp duy nhất.
Qua bài viết ngày hôm nay, RMIT mong muốn có thể mang đến cho cha mẹ và các con những kiến thức về “tích cực độc hại”, cũng như những giải pháp hiệu quả để đối mặt với “cơn bão cảm xúc” đến từ bản thân và cả những người xung quanh trong giai đoạn bình thường mới này. Cha mẹ cùng theo dõi và đừng quên để lại những chia sẻ về trải nghiệm hay kinh nghiệm cá nhân của mình nhé!
Biểu hiện của “tích cực độc hại”
“Tích cực độc hại” có thể được biểu hiện qua rất nhiều trường hợp khác nhau. Song, cha mẹ có thể tham khảo một số tình huống như sau:
Thứ nhất, khi con phải đối mặt với một sự mất mát như thi trượt ngôi trường bản thân yêu thích, thì cha mẹ sẽ nói là: “Đừng buồn, lạc quan lên, không học trường này thì học trường khác, có gì đâu mà buồn?”. Tiếp đó, khi con đang trải qua một biến cố trong một mối quan hệ, đó có thể là chuyện bạn bè hoặc tình cảm. Có thể cha mẹ sẽ nói là: “Người đến người đi, mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó, không cần phải buồn.”.
Dù những cách bình luận như trên rất hay được sử dụng để thể hiện sự cảm thông và chia sẻ, nhưng chúng dường như lại không phải phương án phù hợp. Thay vì thật sự lắng nghe và đồng hành cùng con vượt qua khó khăn, những lời nói này lại thật sự tạo cảm giác như cha mẹ đang chối bỏ vấn đề của con, cho rằng con kém cỏi, yếu đuối.
3 hệ quả khôn lường của “tích cực độc hại”
Khiến con cảm thấy xấu hổ, tội lỗi
Khi đang cảm thấy rất buồn và có ai đó cho rằng đây chỉ là chuyện cỏn con, thì một cách tự nhiên, con sẽ cảm thấy cảm xúc của mình bị xem nhẹ. Mặc dù có thể hiểu rằng cha mẹ đang cố gắng động viên con và hướng con đến một cách suy nghĩ tích cực hơn. Nhưng trong thực tế, hành động ấy lại góp phần xây nên bức tường ngăn cách giữa con và cha mẹ.
Từ đó về sau, con sẽ muốn che giấu đi mọi thứ, chẳng dám chia sẻ với ai nữa, bởi nào ai biết rằng vấn đề của bản thân có đủ quan trọng hay không?
Chúng ta trưởng thành bằng cách vượt qua những lần vấp ngã. Thế nhưng nếu con liên tục né tránh những vấn đề của bản thân bằng cách “suy nghĩ tích cực lên” thay vì đối mặt với chúng, thì liệu con có thể hiểu ra ngọn ngành của sự việc để rút kinh nghiệm từ đó hay không?
Sẽ rất khó để liên tục che giấu cảm xúc thật của bản thân mình trong một khoảng thời gian dài. Càng lớn lên, những vấn đề cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Song, nếu con không biết phải làm thế nào để giải tỏa chúng, những nỗi đau và sự chịu đựng âm ỉ ấy hoàn toàn có đủ sức mạnh để bào mòn tinh thần của con và khiến sức khỏe cả thể chất lẫn tâm lý của con ngày một sa sút.
4 cách động viên khi con cảm thấy tiêu cực
Có thể một số phụ huynh sẽ cảm thấy việc nghiêm túc an ủi và động viên các con không phải điều cần ưu tiên. Nhưng hãy nhìn lại những năm vừa qua. Cho dù các con không phải đối tượng duy nhất chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, song không thể vì vậy mà chúng ta lại chối bỏ đi những hệ quả về mặt tinh thần mà các con đang phải đối mặt.
Nhiều nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra rằng trong năm 2020 và 2021, rất nhiều học sinh và sinh viên cho rằng bản thân cảm thấy trầm cảm, lo lắng, căng thẳng hay cô đơn. Và rất có thế, con cũng không phải ngoại lệ. Thay đổi trong phương pháp học tập, thay đổi phương pháp giảng dạy và thi cử, hạn chế hoặc không thể gặp gỡ bạn bè, giới hạn các hoạt động vui chơi giải trí, v.v… đều là những thay đổi không nhỏ đến từ môi trường sống. Và sẽ thật tuyệt vời nếu cha mẹ có thể chia sẻ với con thông qua một số gợi ý sau đây:
“Con đã rất mạnh mẽ”, “Chắc hẳn con đã rất mệt mỏi và vất vả”, là những lời nói có thể chạm đến trái tim con. Để con biết rằng cha mẹ tin vào cảm xúc của con, tin vào những điều con đang nói, và cha mẹ thật sự cảm nhận được rằng con đã trải qua khó khăn và chắc hẳn đang cảm thấy mệt mỏi. Bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ mong muốn được cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu cho nỗi lòng của mình, vì vậy cha mẹ đừng ngại bắt đầu một cuộc trò chuyện sâu sắc, chân thành.
Cha mẹ cũng có thể chia sẻ thành thật về những cảm xúc của bản thân trong gia đình thay vì cố gắng tạo nên một vỏ bọc quá hoàn hảo, quá mạnh mẽ. Bất cứ ai cũng có quyền được cảm thấy khó khăn, được buồn, được khóc. Nếu cha mẹ có thể mở lòng, chắc hẳn con cũng sẽ không ngại ngần trở thành chỗ dựa cho cha mẹ và ngược lại.
Hãy cố gắng chuyên tâm vào câu chuyện của người nói, nếu đó là con. Sẽ không tốt chút nào nếu cha mẹ lại kể về nỗi đau của bản thân hay buông lời phán xét khi con chưa giải quyết được cảm xúc tiêu cực của mình. Bởi hành động ấy tạo cảm giác như cha mẹ đang chỉ quan tâm đến mỗi suy nghĩ và cảm nhận của bản thân mình chứ chẳng hề thật lòng quan tâm đến con.
Cuối cùng, ngay cả khi con chưa sẵn lòng chia sẻ ngay, thì cha mẹ cũng có thể nói rằng: “Bất cứ lúc nào con cảm thấy phù hợp, thì bố mẹ luôn ở đây và sẵn sàng lắng nghe con.”. Hoặc là “Cho dù cha mẹ không thể hiểu hết được, nhưng nếu con cần giúp gì thì hãy nói với bố mẹ nhé.”. Chỉ với một lời nói như vậy, cha mẹ đã cho con thấy được rằng con không hề cô đơn.
Hy vọng rằng thông qua bài viết này, quý phụ huynh sẽ lưu tâm hơn tới những cảm xúc của con và của cả bản thân mình. Lạc quan và tích cực trước những trải nghiệm khó khăn là một điều tốt. Nhưng chỉ có một người duy nhất nên có quyền quyết định, đó là chính bản thân người đó chứ không phải một ai khác. Đừng quên rằng, cảm xúc là tự nhiên, và trải qua nỗi buồn khổ cũng là một trạng thái hoàn toàn tự nhiên của mỗi con người.
👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách Nuôi dạy & làm bạn với con:
▪ 4 cách giúp con không bị làm phiền bởi suy nghĩ tiêu cực trong tâm trí
▪ Triết lý Sisu – giải pháp hiệu quả giúp vượt qua áp lực tuổi teen
▪ 4 cách giúp con rèn luyện tư duy tích cực trong thời covid
👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác.