Nghi ngờ bản thân vốn bị coi là “liều thuốc độc” triệt tiêu sự tự tin và cản bước con tiến tới các mục tiêu của mình. Thế nhưng, nếu được nhìn nhận đúng đắn, cảm giác này hoàn toàn có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong quá trình học tập và phát triển tính cách của con. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 3 gợi ý để cha mẹ có thể giúp con “đả thông” tư tưởng và mở lòng đón nhận cả những nỗi nghi ngờ.
1. Nghi ngờ bản thân giúp con có sự chuẩn bị tốt hơn
Với bất kỳ công việc nào, sự cẩn trọng luôn là một yếu tố cần thiết để đạt được kết quả như ý. Một lần không kiểm tra lại bài trước khi nộp có thể khiến con sai một lỗi ngớ ngẩn, một lần chủ quan tới sát giờ có thể khiến con lỡ hẹn phỏng vấn vì lạc đường. Nếu khăng khăng tin rằng mình luôn đúng, con sẽ dễ mắc vào cái bẫy của sự chủ quan. Lúc này, một chút “nghi ngờ” để nhìn lại chắc chắn sẽ giúp con loại đi những sai lầm không đáng có.
Luôn hướng đến sự hoàn thiện còn là cách giúp con nỗ lực phát triển không ngừng. Không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kết quả các công việc, sự nghi ngờ còn giúp con vượt qua được những giới hạn bản thân, mở ra những cơ hội trước giờ vốn bị rào cản “mình không làm được” che khuất.
2. Nghi ngờ bản thân giúp con “đối nhân xử thế” khéo léo hơn
Trong quá trình làm việc nhóm, “nghi ngờ bản thân” lại có thể giúp con giao tiếp hiệu quả hơn. Bởi lẽ, chỉ khi từ bỏ cái tôi cứng đầu của mình, con mới có thể đặt mình vào hoàn cảnh và suy nghĩ của người khác, từ đó dễ dàng lắng nghe ý kiến của mọi người hơn.
Đây cũng là thói quen góp phần hình thành nên đức tính khiêm tốn. Ai cũng có những điều còn chưa biết, ai cũng có thể mắc lỗi sai. Thế nhưng, điều quan trọng là con có thể chân thành chia sẻ điều ấy với những người xung quanh với một thái độ cầu thị. Chỉ có như vậy, con mới nhận được những lời khuyên thực sự có giá trị.
3. Nghi ngờ bản thân là động lực khiến con suy nghĩ sáng tạo hơn
Hiểu rằng “ai cũng chỉ có thể biết một phần nhỏ của cuộc sống” là bài học lớn. Nhận thức rõ giới hạn của bản thân rồi, con sẽ cởi mở hơn với những hiểu biết xung quanh, dễ dàng tiếp thu những cách tiếp cận vấn đề sáng tạo hơn.
Ông chủ và là nhà sáng lập thương hiệu xe Ford đã từng nói rằng: “Nếu tôi cứ hỏi mãi mọi người rằng họ muốn gì, câu trả lời rồi cũng chỉ là họ đang muốn những con ngựa nhanh hơn mà thôi.” Nếu Henry Ford không nghi ngờ chính hiểu biết của bản thân và sẵn sàng chạy theo những khám phá mới, có lẽ sẽ mất rất nhiều năm nữa trước khi chúng ta có được cỗ xe công nghiệp đầu tiên.
Không chỉ vậy, mỗi lần tự vấn bản thân là một lần con trưởng thành hơn – “Liệu mình đã làm hết sức chưa?” “Liệu quyết định đó có đúng đắn?” “Liệu con đường mình đang đi có thực sự phù hợp?”. Những câu hỏi này buộc con tự đánh giá và rút ra kinh nghiệm, từ đó, lựa chọn được hướng đi tốt nhất cho tương lai của mình.
Trên hành trình khôn lớn của con, “nghi ngờ” là một từ khoá khó, nhưng rất đáng để chinh phục. Cháy hết mình với đam mê, nhưng đủ tỉnh để biết đâu là chiến lược phù hợp nhất. Bảo vệ ý kiến đến cùng, nhưng đủ “lí trí” và công tâm để hiểu đâu là lựa chọn hợp lý nhất. Bài học cân bằng giũa tự tin và nghi ngờ, luôn cần cho con ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào cuộc đời, từng bước học cách trưởng thành.
Giang Nguyễn