Bạn có biết, thực ra thứ tự sinh trong nhà có ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách của chúng ta, của các con, ngay khi còn nhỏ và lúc đã thành người lớn? Người ta đã nghiên cứu qua nhiều năm và tìm ra mẫu số chung của những người là con một hoặc con cả, con giữa và con út cũng như điểm khác nhau giữa họ. Bài viết này xin được chia sẻ các đặc điểm của con cả và con út trong gia đình có hai con, vốn là kiểu gia đình phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng bạn sẽ thấy những kiến thức này thú vị và giúp bạn hiểu con, hiểu mình hơn.
Con cả: thủ lĩnh cầu toàn
Ở những người lớn là con cả, người ta tìm thấy những tính cách chung nổi trội như sau:
— Dễ lo âu: Con cả là đứa con đầu tiên của hai người chưa có nhiều kinh nghiệm làm ba mẹ. Khi mang thai mẹ thường lo lắng nhiều, khi con ra đời cũng có phần căng thẳng, không biết mình đã làm tốt chưa. Sự lo âu này có ảnh hưởng đến tính cách con cả, khiến những người là con cả có xu hướng dễ căng thẳng, khó thả lỏng hơn nhất là khi so sánh với con út.
— Cầu toàn: Khi còn bé, con cả sống trong thế giới người lớn và lấy người lớn làm chuẩn cho mọi việc mình làm, ví dụ ăn uống gọn gàng không đổ ra ngoài một giọt như ba mẹ mới là tốt. Từ đó dẫn đến con thường đặt chuẩn rất cao cho mọi việc mình làm và có xu hướng cầu toàn.
— Có nhu cầu chứng minh bản thân trong mọi việc mình làm, muốn là người giỏi nhất: Con cả từng là con một, từng có tất cả sự quan tâm của ba mẹ cho đến khi em ra đời và trải qua giai đoạn mâu thuẫn khi phải chia sẻ ba mẹ với em. Dẫn đến khi ở trong một môi trường tập thể, con cả có xu hướng làm nhiều việc để chứng minh bản thân là mình xứng đáng được chú ý.
— Ngoài ra, con cả còn có nghị lực rất cao, đã có mục tiêu thì bằng mọi giá sẽ đạt được, có tính chăm lo cho người khác và có xu hướng độc tài muốn mọi người mọi việc phải theo ý mình.
Con út: dạn dĩ ham vui
Ở con út, người ta tìm thấy những nét tính cách nổi trội sau đây:
— Thích sự chú ý, lấy bản thân làm trung tâm: Không phải tự nhiên mà con út được gọi là “út cưng”, bởi khi con ra đời con là nhỏ nhất, nhận được toàn bộ sự quan tâm của gia đình và không phải chia sẻ nó với ai. Con út từ nhỏ đến lớn rất thích được chú ý, nghĩ mình xứng đáng được chú ý chứ không cần phải chứng minh như con cả và tập trung vào bản thân nhiều hơn là lo cho người khác.
— Thoải mái, ít kỷ luật: Khi có con út, ba mẹ đã tự tin hơn với kinh nghiệm nuôi con nên thư giãn hơn so với khi nuôi con cả. Ngoài ra vì là “út cưng” nên kỷ luật và khuôn phép có phần “lơi” hơn các anh chị. Dẫn đến con út thường là những người thoải mái, ít kỷ luật bản thân và thường nghĩ cuối cùng mọi chuyện sẽ ổn thôi nên mình chẳng cần lo lắng.
— Duyên dáng và thích thể hiện: Vốn đã quen cảm giác được chú ý và luôn nghĩ rằng mình nghiễm nhiên được yêu thương, con út thường rất duyên dáng và tươi sáng trong giao tiếp với người khác, dễ hoà nhập với đám đông và nổi bật một cách rực rỡ. Con út thường có nhiều bạn và thường làm việc trong các ngành nghề cần xây dựng mối quan hệ con người như lĩnh vực giải trí, bán hàng hay nghệ thuật.
Dĩ nhiên, lý thuyết về thứ tự sinh này không chính xác tuyệt đối mà sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như mô hình gia đình (con cả sống trong gia đình lớn không phải trông em), khoảng cách giữa các con (nếu hai con sinh năm một thì sự khác biệt sẽ ít hơn) hay giới tính của các con. Lý thuyết này cũng không nhằm để ba mẹ đánh giá, đóng khung các con mà không quan tâm tìm hiểu. Những kiến thức trên là để giúp ba mẹ quan sát các con mình, biết được phần nào những khó khăn hoặc điểm mạnh mà các con có thể có để gỡ bớt hoặc nâng đỡ, ví dụ dành sự quan tâm vô điều kiện cho con cả và kỷ luật hơn với con út. Có như vậy các con mới phát triển hết tiềm năng và cảm nhận được tình yêu thương bất kể vai thứ trong gia đình.