Trong suốt hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, RMIT tự hào vì những phản hồi tích cực của các nhà tuyển dụng đối với chất lượng sinh viên của trường bởi sinh viên RMIT sau khi tốt nghiệp đáp ứng được các yêu cầu công việc họ đang tìm kiếm. Vậy đó là các yêu cầu gì? Sinh viên đang học hoặc sắp vào RMIT cần làm gì để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu đó? Nhân dịp Lễ tốt nghiệp đang tới, RMIT xin mời cha mẹ và các em cùng đọc bài viết này để có thêm góc nhìn.

Tính kỷ luật cao

Có một hiểu lầm thường gặp về RMIT đó là “chỉ cần bỏ tiền là có thể tốt nghiệp được”, thực tế hoàn toàn ngược lại. Sinh viên RMIT đầu vào có vẻ “dễ thở” hơn so với các trường khác (điểm trung bình lớp 12 từ 7.0 và tiếng Anh tương đương IELTS 6.5), tuy nhiên để tốt nghiệp ra trường được hoặc ra trường với tấm bằng khá giỏi đòi hỏi sự kỷ luật cao từ các bạn.

Mỗi ngành học tại RMIT thường đòi hỏi người học hoàn thành khoảng 24 – 32 môn học (đa số các ngành tại RMIT học 3 năm, một số ngành công nghệ, kỹ thuật học 4 năm) để ra trường, không có thi lại khi điểm thấp mà chỉ có học lại từ đầu môn học đó nếu người học không đủ điểm. Việc học lại vừa ảnh hưởng đến thời gian, vừa ảnh hưởng đến tài chính nên mỗi bạn sinh viên RMIT đều cố gắng kỷ luật để có thể vượt qua môn, tránh việc phải học lại.

Tính kỷ luật này là một đức tính được các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp tìm kiếm rất nhiều ở các ứng viên tìm việc hiện nay. Một người có tính kỷ luật tốt sẽ biết xác định mục tiêu và quản lý thời gian phù hợp hoàn thành mục tiêu đó.

Để rèn luyện tính kỷ luật cao, các bạn sinh viên RMIT cần học cách sắp xếp thời gian công việc và cuộc sống cá nhân phù hợp để đáp ứng các yêu cầu của việc học. Ngoài việc tự sắp xếp và điều chỉnh theo thời gian biểu cá nhân, các bạn sinh viên RMIT có thể tìm đến các phòng ban hỗ trợ của nhà trường hoặc tham gia các chương trình đào tạo kĩ năng mềm về quản lý thời gian để cải thiện kĩ năng này.

Làm việc dưới áp lực

Dạo quanh các diễn đàn sinh viên vào một số thời điểm trong năm, cha mẹ sẽ thấy sinh viên RMIT bàn luận và ‘than thở’ rất nhiều về deadline (hạn chót nộp bài tập), rất nhiều assignment (bài tập) cần giải quyết trong thời gian ngắn.

Mới nghe qua cha mẹ có thể cảm thấy việc học tại RMIT rất áp lực, tuy nhiên chính những áp lực này đã rèn luyện cho sinh viên RMIT khả năng làm việc dưới áp lực cao để sau này áp dụng khi bước chân vào thị trường lao động.

Một bạn sinh viên RMIT biết sắp xếp thời gian để cân bằng giữa việc học và chơi, hoàn thành nhiều bài tập trong một khoảng thời gian ngắn sẽ là một người đi làm xuất sắc trong việc sắp xếp hoàn thành nhiều dự án khác nhau của công ty.

Trong thời đại phát triển nhanh về công nghệ hiện nay, khả năng làm việc dưới áp lực cao của sinh viên RMIT giúp các bạn được các nhà tuyển dụng săn đón hơn vì có thể đáp ứng nhiều yêu cầu công việc từ công ty.

Để rèn luyện kĩ năng làm việc dưới áp lực, các bạn sinh viên RMIT ngoài việc học tập tốt các môn học ở trường còn được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khoá tại các câu lạc bộ trong trường. Trong thời gian tham gia câu lạc bộ thông qua việc tổ chức các sự kiện và dự án, làm việc cùng nhiều kiểu người khác nhau giúp các bạn rèn luyện kĩ năng đương đầu và giải quyết các áp lực tốt hơn. 

Sự chủ động và kiến thức thực tiễn

Các công ty thường than vãn về một thế hệ sinh viên ra trường chỉ mới biết kiến thức lý thuyết, doanh nghiệp cần đào tạo lại từ đầu về thực tiễn thị trường. Rất may tình trạng này có thể được giảm phần nào nhờ cách học tập và làm bài tập theo hướng ứng dụng của sinh viên RMIT.

Ở tất cả các ngành học và đa số bài tập, RMIT thường yêu cầu sinh viên nghiên cứu dựa trên một công ty hoặc sản phẩm có thật, tìm hiểu về thị trường lĩnh vực mà các bạn đang quan tâm. Lấy ví dụ một sinh viên ngành Truyền thông sẽ có những bài tập yêu cầu phân tích đối tượng khách hàng của công ty A hoặc phân tích chiến dịch truyền thông gần nhất của công ty B.

Để làm được bài phân tích trên, sinh viên cần chủ động tìm kiếm các thông tin trên Internet hoặc liên hệ trực tiếp với công ty để lấy thông tin. Tại RMIT các thầy cô và phòng ban hỗ trợ nghề nghiệp rất sẵn sàng kết nối các bạn sinh viên với nhiều doanh nghiệp trong mạng lưới quan hệ. Sinh viên càng chủ động trong việc thực hiện các bài tập bao nhiêu, khi ra trường các bạn sẽ càng nhanh chóng hoà nhập với môi trường làm việc bấy nhiêu.

Sự chủ động của một bạn trẻ có thể được rèn luyện ngay từ trước thời điểm vào trường. Ví dụ với nhiều bạn học sinh đang có nhu cầu tìm hiểu về Đại học RMIT, các em có thể chủ động lên website của trường để tham khảo các thông tin chính thống, lên mạng xã hội tìm kiếm và kết bạn với các anh chị cựu sinh viên của trường cũng như dành thời gian tham gia các chương trình học thử để hiểu hơn về chương trình học.

Trên đây là 3 kỹ năng cơ bản một sinh viên tốt nghiệp RMIT có thể sở hữu sau khi tốt nghiệp để bước chân vào thị trường lao động. Ngoài những kỹ năng trên, sinh viên RMIT còn có thể trang bị các kỹ năng khác như thích nghi sự thay đổi, làm việc với công nghệ, kỹ năng giao tiếp, vân vân. Hi vọng bài viết này giúp cha mẹ và các em hiểu hơn về cách học tập tại trường và có hướng sắp xếp học tập phù hợp để nâng cao các kỹ năng trên. 


Tìm hiểu thêm về Đại học RMIT và lắng nghe chia sẻ từ các sinh viên / cựu sinh viên của trường

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.