Ngày nay, những doanh nghiệp được định giá lớn nhất thế giới phần lớn đều là công ty khởi nghiệp. Trước làn sóng ấy, tư duy khởi nghiệp – sắc bén, sáng tạo và không ngừng tìm kiếm các giải pháp tốt hơn dần trở nên không thể thiếu trong việc định hình và phát triển sự nghiệp của mỗi người. Vì vậy, tại RMIT, dù các con theo học ngành nghề nào, chúng tôi cũng luôn khuyến khích việc rèn luyện kĩ năng này thông qua hệ thống hoạt động đa dạng và ý nghĩa.

1. Từ sự chủ động trong lớp học

Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị, Giáo sư Mathews Nkhoma, người ủng hộ các sáng kiến khởi nghiệp ở RMIT trong suốt thời gian dài, chia sẻ “Đại học RMIT coi việc kiến tạo văn hóa khởi nghiệp tại trường là trọng tâm chiến lược từ nhiều năm nay.” Điều này đã được lan toả và thể hiện trong từng hoạt động và chương trình mà nhà trường tổ chức, định hướng cho các con. 

Theo đó, trước tiên, sinh viên RMIT luôn được khuyến khích chủ động trong chính việc học của mình. Với phương pháp đánh giá toàn diện (authentic assessment), không bị bó buộc trong những bài kiểm tra “theo kiểu đối phó”, các con được sáng tạo, được rèn luyện cách làm việc đồng đội ngay trong chính các dự án, bài tập nhóm trên lớp. Ở đó, con phải tự tìm vấn đề, xác định cơ hội và rồi đưa ra những các giải quyết sáng tạo nhất, hiệu quả nhất. 

2. Tới cuộc thi khởi nghiệp Future Founders Competition

Cuộc thi Nhà sáng lập tương lai (Future Founders Competition) được khởi xướng từ năm 2019 và do chương trình ươm tạo RMIT Activator triển khai thực hiện, chào đón sinh viên từ mọi ngành học. Xuyên suốt năm tuần tranh tài, các đội có cơ hội trau chuốt, mài sáng ý tưởng của mình qua hàng loạt buổi tập huấn nâng cao kỹ năng, các buổi cố vấn từ chuyên gia trong ngành và nhiều công cụ hỗ trợ trực tuyến khác. Mười ba đội xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết có cơ hội trực tiếp trình bày ý tưởng của mình trước người dự khán.

Năm 2019, sinh viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn Nguyễn Quang Hồng Phúc cùng đồng đội đã giành giải Khán giả bình chọn tại Cuộc thi Nhà sáng lập tương lai đầu tiên với một ý tưởng về ứng dụng du lịch. Chính trải nghiệm này đã thôi thúc cô bạn tham gia thêm ba cuộc thi nữa, với mỗi lần là một ý tưởng kinh doanh khác nhau. “RMIT Activator thực sự là bước đệm để tôi bước chân vào thế giới khởi nghiệp”, Phúc chia sẻ. “Điều tôi đánh giá cao nhất là cơ hội kết nối với những doanh nghiệp đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, cũng như học hỏi sự sáng tạo và niềm đam mê từ các bạn sinh viên khác”.

3. Bước ra ngoài cuộc đời thực 

Không chỉ được lồng ghép từng hoạt động ngoại khoá, từng tiết học, “tư duy khởi nghiệp” còn được mài giũa trong chính các dự án thực tiễn. Đầu năm nay, RMIT Activator đã triển khai chương trình tăng tốc khởi nghiệp trên nền tảng trực tuyến kéo dài 12 tuần mang tên LaunchHUB, cùng lúc ở cả Úc và Việt Nam, hướng tới đối tượng sinh viên, cựu sinh viên, cán bộ giảng viên Đại học RMIT cùng các nhà đồng sáng lập không xuất thân từ cộng đồng trường. 

Chương trình này chào đón các ý tưởng khởi nghiệp chỉn chu hơn, đã được thử nghiệm trên thị trường và sẵn sàng chuyển sang triển khai bước tiếp theo. Theo đó, những cái tên như “Ngũ Hành Games” – doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực board game (trò chơi nhóm) hay “Refill Đây” – ý tưởng triển khai các trạm làm đầy di động giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa từ sản phẩm gia dụng và vệ sinh cá nhân đã lần lượt ghi dấu tài năng và nhiệt huyết của sinh viên RMIT. Với những sân chơi lớn này, các con vừa được cọ xát thực tế, vừa có cơ hội hiện thực hoá những dự định và ước mơ của mình. 

Nói về tinh thần và tư duy khởi nghiệp tại RMIT, giáo sư Nkhoma đã khẳng định “Giúp sinh viên sẵn sàng cho cuộc sống và công việc là một phần sứ mệnh của trường. Đối với nhà trường, thành công còn to lớn hơn nếu sinh viên của chúng tôi có thể tạo ra công ăn việc làm và doanh nghiệp của chính mình”.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.