“Chỉ có các bạn thi trượt đại học mới vào RMIT thôi!” – Dường như đây đã trở thành một câu nói truyền miệng giữa nhiều phụ huynh không có con học RMIT. Điều này có thật sự đúng không và sinh viên RMIT thật ra là những ai? Cha mẹ hãy cùng chúng tôi đọc bài viết dưới đây để “nhận diện” sinh viên RMIT nhé.
1. Sinh viên thi đỗ các trường đại học trong nước, nhưng vẫn lựa chọn RMIT
Đa số sinh viên RMIT đều thi đại học như bình thường và nộp thêm hồ sơ vào RMIT. Đây là một nước đi khôn ngoan, bởi các con sẽ có nhiều lựa chọn để cân nhắc. Sau khi nhận kết quả đại học, các con có thể quyết định xem mình có học RMIT hay không. Một sinh viên đã lựa chọn RMIT chia sẻ: “Em chọn RMIT chủ yếu là bởi chương trình học tại RMIT hiện đại và tân tiến hơn khá nhiều, lại tập trung vào các hoạt động thực tiễn. Theo học tại RMIT, em có thể áp dụng kiến thức học thuật vào bối cảnh thực tế với một đối tác doanh nghiệp thật sự.” Bên cạnh chương trình học sát thực tiễn, RMIT cũng liên tục ra mắt những ngành học mới chưa từng có hoặc mới xuất hiện ở Việt Nam, ví dụ như Sản xuất Phim Kỹ thuật số, Quản trị Doanh nghiệp Thời trang, Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo,… Điều này cũng giúp trường thu hút được nhiều sinh viên hơn.
2. Sinh viên từ các trường chuyên nộp hồ sơ vào RMIT
Trong một khảo sát nhỏ gần đây trong Nhóm RMIT & Cha Mẹ, chúng tôi khá bất ngờ bởi sinh viên RMIT có rất nhiều em đến từ các trường chuyên ở các tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Học trường chuyên, các con thường đã biết điểm mạnh của mình từ những năm cấp 3, nên sẽ rất thích các chương trình học mang tính chuyên sâu và được đánh giá cao bởi các tổ chức quốc tế của RMIT. Chưa kể, hàng năm RMIT cũng trao tặng hàng chục suất học bổng với những mức khác nhau và dành riêng cho từng ngành học. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để các bạn học sinh có năng lực học tập xuất sắc giành được cơ hội học tại RMIT với chi phí phù hợp.
3. Sinh viên nộp hồ sơ vào RMIT sau khoảng thời gian theo học ở các trường đại học khác tại Việt Nam
Tuy hướng nghiệp những năm gần đây đã được chú trọng hơn, vẫn có nhiều bạn sinh viên đăng ký trường đại học mà chưa thực sự xác định được mình sẽ phù hợp với ngành nghề hay môi trường thế nào. Sau khoảng 1-2 năm đầu học đại học, nhiều bạn cảm thấy mình không phù hợp với ngành học và môi trường ở trường đại học hiện tại nên muốn tìm kiếm một môi trường tốt hơn. Trong lúc đó, RMIT lại đưa ra nhiều ngành học hiện đại và đón đầu các xu hướng tại Việt Nam cũng như thế giới, ví dụ như Digital Marketing, Truyền thông, Quản trị Du lịch và Khách sạn, Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics, Digital Business… cùng các hoạt động thực tiễn kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp. Bởi vậy, sinh viên cảm thấy sẽ học được nhiều điều mới mẻ hơn và dễ dàng rèn giũa sự tự tin của mình hơn tại RMIT. Chưa kể, đa số chương trình cử nhân ở RMIT chỉ kéo dài 3 năm, nên dù đã mất 1 năm học tại trường khác, khi vào RMIT, các con vẫn có thể ra trường cùng lúc với bạn bè đồng trang lứa.
4. Du học sinh quay lại RMIT để “làm lại từ đầu” hay “học tiếp”
Một điều tưởng chừng như “ngược đời”, nhưng lại xảy ra khá nhiều. Đó là việc các sinh viên đã đi du học ở nơi “đất khách quê người” nhưng trở về Việt Nam để học tiếp hoặc học lại từ đầu. Một trong những lý do là vì sức khoẻ và tâm lý của các con. Nhiều sinh viên khi đi du học, do chưa được chuẩn bị tâm lý vững vàng nên lâm vào tình trạng trầm cảm, chịu những ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý. Quyết định đưa con trở về nước một thời gian để ổn định lại tinh thần, nhiều gia đình thuyết phục con nộp hồ sơ vào RMIT để học lại tại Việt Nam. Khi học tại RMIT, con không phải đối mặt với một “cú sốc” về sự khác biệt giữa môi trường đại học trong nước và nước ngoài, bởi RMIT được xây dựng theo mô hình học tập quốc tế. Đồng thời, con vẫn có thể “làm lại từ đầu” với cha mẹ ở bên hỗ trợ, chăm sóc, thay vì bỏ lỡ một vài năm chỉ ở nhà mà không làm gì khác.
Dịch Covid-19 hiện này cũng khiến nhiều sinh viên lỡ dở kế hoạch du học và phải về Việt Nam giữa chừng, hay thậm chí là phải bỏ cơ hội đi du học. Lựa chọn học tại RMIT lúc này giúp tiết kiệm thời gian cho các con. Với những sinh viên đang theo học tại nước ngoài, nhiều bạn đã chuyển tín chỉ về RMIT và học tiếp tại đây; khi dịch bệnh qua đi, các con có thể trở lại trường đại học ban đầu của mình. Các sinh viên đang có kế hoạch đi du học cũng có em đã chuyển vào học tại RMIT, để sau đó có thể chuyển tiếp học trao đổi sang trường khác trong quá trình học tại trường.
Định kiến “ngôi trường của những sinh viên thi trượt đại học” đôi khi có thể khiến cho sinh viên bỏ lỡ những cơ hội phù hợp với mình. Vậy nên RMIT hy vọng rằng sau bài viết này, cha mẹ sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về sinh viên RMIT và những chương trình học, những hoạt động, cơ hội mà RMIT mang tới cho học sinh của mình. Một năm học mới lại sắp bắt đầu, chúng tôi đang rất mong ngóng được gặp gỡ những gương mặt sinh viên ưu tú đến từ mọi miền tổ quốc.