Chín bản nháp các bộ hoạt hình do sinh viên ngành Cử nhân Thiết kế (Truyền thông số), Đại học RMIT, hợp tác với Liên minh Phòng chống buôn bán người (AAT) thực hiện, đã hỗ trợ tổ chức phi chính phủ này trong việc cung cấp nội dung giáo dục phòng ngừa cho các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và bé gái.

Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông số, giảng viên môn Hoạt hình, Đại học RMIT, ông Ricardo Arce-López, cho rằng “những hoạt động này vừa giúp sinh viên trau chuốt kiến thức cũng như kỹ năng sản xuất hoạt hình vừa giúp được cho cộng đồng, xã hội.”

“Nội dung phim được lấy từ các tài liệu giáo dục của AAT. Sinh viên phải tự nghiên cứu về đối tượng khán giả, nhân khẩu học, nền tảng, phương pháp kể chuyện tiềm năng, và quyết định phong cách hoạt hình truyền tải ý định và nội dung của các em tốt nhất”.

Sau 12 tuần làm việc từ buổi họp đầu tiên rồi lần lượt đến các buổi lên ý tưởng và phát triển đồ họa, cuối cùng sinh viên đã trình bày ý tưởng về bản nháp, phong cách kể chuyện và phát triển đồ họa tại buổi thuyết trình với sự tham gia của đại diện từ AAT và các thầy cô.

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành AAT, ông Georges Blanchard hết sức hài lòng với sản phẩm cuối cùng của sinh viên.

“Tác phẩm của các bạn thật tuyệt vời”, ông Blanchard chia sẻ. “Tôi thán phục từng em một và nếu được chọn, tôi muốn chọn tất cả các tác phẩm (để đưa lên các kênh của AAT). Đây còn là cơ hội tuyệt vời để thu hút sự tham gia của sinh viên Việt Nam, giúp họ nhận thức rõ hơn các vấn đề hiện đang diễn ra ngay trên đất nước các bạn, và chủ động hơn”.

Thầy Arce-López, người đồng hành cùng sinh viên trên hành trình này, hết sức tự hào về kết quả và khen ngợi sự bền chí, dũng cảm và sáng tạo của các bạn.

Ông cho biết: “Nhìn chung, các em đã trưởng thành và đắm mình vào hành trình tạo ra sản phẩm của riêng mình”.

“Đây là hành trình không mấy dễ dàng, nhưng mỗi nhóm đều nỗ lực đưa ra giải pháp và phát triển chất riêng của mình. Nhiều thách thức hiển hiện trên chặng đường này, một số em làm toàn bộ dự án một mình, nhưng không ai từ bỏ. Tất cả đều đi đến cuối hành trình”.

Thực hiện dự án với quy mô như vậy trong vỏn vẹn 12 tuần còn cho sinh viên cơ hội học hỏi về quản lý thời gian, lập ngân sách, cộng tác và các kỹ thuật hoạt hình khác nhau.

“Cơ hội hợp tác với AAT còn mở rộng hiểu biết của chúng em về tầm quan trọng của những gì tổ chức này đang thực hiện, cũng như truyền cảm hứng cho chúng em rất nhiều khi thấy những gì chúng em tạo ra có thể góp phần cải thiện cộng đồng chúng ta”, nhóm Retro Flies cho biết.

Mời cha mẹ cùng xem thông tin về ba dự án nổi bật được chọn giới thiệu trên các kênh của AAT là Daisy, Dear AmyForget Me Not.


Được thực hiện bởi nhóm Retro Flies gồm bốn sinh viên: Trần Thanh Uyên, Lê Gia Hân, Trần Quỳnh Nhi và Nguyễn Võ Trọng Nhân, Daisy là chuỗi hoạt hình mini gồm 10 tập có thời lượng 5 phút mỗi tập. Phim dùng kỹ thuật vẽ tay 2D và hình ảnh đã qua xử lý được cắt kỹ thuật số cùng các vật thể 3D để kể câu chuyện về một bông hoa tháo vát và thông minh tên Daisy cư ngụ tại một khu vườn mang hơi thở văn hóa Việt. Daisy trải qua những thăng trầm trong cuộc sống thường nhật để trưởng thành và tìm hiểu về cuộc sống.

Trong khi nỗ lực giữ mạch truyện đơn giản để trẻ em mọi quốc tịch và lứa tuổi có thể hiểu mà không cần tới lồng tiếng, nhóm còn điểm xuyết thêm đôi nét văn hóa địa phương bằng bối cảnh ban công đặc trưng ở Việt Nam và ghi âm tiếng rao từ những người bán hàng rong trên phố.

Cả nhóm chia sẻ: “Những bộ phim hoạt hình như Daisy có thể truyền tải các thông điệp khó nhằn theo cách vừa hấp dẫn, vừa giàu thông tin. Một chút hài hước có thể khiến câu chuyện về những điều kiêng kỵ dễ thẩm thấu hơn”.

“Nhóm Retro Flies đã làm rất tốt”, thầy Arce-López nhận định. “Các em truyền tải được thông điệp trao quyền một cách tuyệt vời qua câu chuyện trưởng thành của nhân vật chính thông qua những tương tác của cô ấy với người chung quanh”.

Sử dụng các kỹ thuật tương tự như nhóm Retro Flies nhằm nhắm đến nhóm khán giả thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 18, Vũ Tô Thúy Hiền, người sáng tạo ra Dear Amy, đã chọn kể câu chuyện về một cô gái nhút nhát đã trưởng thành từ tương tác của cô với phiên bản tương lai của bản thân mình.

Và đó cũng là câu chuyện về Hiền trong khoảng thời gian 12 tuần làm Dear Amy.

Thầy Arce-López tự hào chia sẻ: “Hiền đã trưởng thành lên rất nhiều so với ngày đầu khóa học. Thực hiện cả dự án một mình là điều không dễ dàng nhưng Hiền đã sản xuất thành công bộ phim hoạt hình phức tạp với một thông điệp mạnh mẽ”.

Luôn yêu thích hoạt hình và cách kể chuyện của loại hình này mà không phương tiện truyền thông nào có thể làm được, Hiền “rất muốn thấy ngành hoạt hình Việt Nam phát triển mạnh mẽ với nhiều chương trình lan tỏa thông điệp tích cực như cách Dear Amy đã làm”.

“Và nếu có thể, tôi muốn dự phần kiến tạo ra tương lai này khi nó diễn ra”, Hiền nói.

Sử dụng kỹ thuật hoạt hình thử nghiệm trong phong cách thiết kế hoạt hình đất sét, tác phẩm Forget Me Not của Minki Jin thành công truyền tải thông điệp nghiêm túc về vấn nạn xâm hại trẻ em và bóc lột theo cách dễ hấp thu hơn.

“Vì đại diện AAT nói rằng họ không muốn có những hình ảnh quá nhạy cảm nên tôi phải xem xét cẩn thận các yếu tố trong bối cảnh phim để làm sao có thể truyền tải sự lố bịch và ghê tởm của bối cảnh câu chuyện mà tôi chọn theo cách người xem có thể thưởng thức được”, Minki chia sẻ về một trong vô số thách thức bạn đối mặt, giống như các bạn khác cùng học môn Hoạt hình nhiều tập đều trải qua, những điều có thể biến thành các cơ hội học hỏi tuyệt vời cho các bạn.


👉 Tìm hiểu thêm về RMITngành Cử nhân Truyền thông số

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.