Sai lầm cha mẹ hay mắc phải khi hướng nghiệp cho con

Từ 2009, khi mới về công tác trong vị trí chuyên viên tư vấn hướng nghiệp tại đại học RMIT Việt Nam, tôi đã nhận ra rằng giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp sẽ tăng hiệu quả nếu có sự tham gia của cha mẹ sinh viên. Trong rất nhiều ca tư vấn hướng nghiệp khó khăn, mỗi khi tôi được gặp cha mẹ các em, lắng nghe và đồng hành cùng họ, thì kết quả bao giờ cũng tốt và nhanh hơn khi tôi chỉ làm việc với các em một mình.

Vì vậy, trong bài viết hôm nay, tôi xin chia sẻ một vấn đề chung mà quý cha mẹ hay gặp khi hỗ trợ con cái hướng nghiệp. Tôi tin khi các bậc cha mẹ hiểu được vấn đề rõ ràng, họ sẽ hỗ trợ con cái rất tốt trong quyết định chọn ngành học, trường học, và chuẩn bị cho công việc tương lai.

Quá chú trọng vào kết quả

Có mục tiêu là điều rất tốt khi lên kế hoạch nghề nghiệp, nhưng nếu mục tiêu ấy không dựa trên yếu tố căn bản nhất của hướng nghiệp là hiểu rõ bản thân để chọn ngành phù hợp thì sẽ mang lại nhiều hại hơn lợi cho các em.

Lấy ví dụ cụ thể, cách đây vài năm tôi đã gặp một sinh viên quyết định học ngành Ngân hàng dù em chẳng có chút năng khiếu hay thích thú gì trong việc học toán và tài chính. Lý do khiến em học ngành ấy là vì dì ruột em lúc ấy đảm nhận chức vụ phó giám đốc chi nhánh của một ngân hàng khá tên tuổi ở quê em. Dì hứa rằng chỉ cần em có bằng cấp liên quan, dì sẽ thu xếp cho em một vị trí trong chi nhánh ngân hàng ấy. Em theo lời khuyên cha mẹ theo học ngành Ngân hàng vì muốn đạt một mục tiêu nghề nghiệp là có ‘công việc đảm bảo, ổn định’ ngay sau khi ra trường. Kết quả là em học rất khổ sở mới tốt nghiệp được với tấm bằng loại trung bình, và ngày em ra trường em được tin dì em không còn ở vị trí phó giám đốc của chi nhánh ngân hàng ấy nữa. Điều này có nghĩa rằng em không có được công việc đảm bảo ấy. Để rồi với tấm bằng loại trung bình, với sự thật rằng bản thân không hề yêu thích ngành mình đã học, với mớ kiến thức ít ỏi và kỹ năng không sâu vì em không chú trọng trau dồi trong suốt thời gian học (không trách được vì em có phù hợp ngành Ngân hàng đâu), em trở lại khởi điểm của một bạn trẻ không biết mình thích gì, giỏi gì, và phải làm gì để có một chỗ đứng vững vàng trong thị trường tuyển dụng cạnh tranh ngày nay.

Cũng một câu chuyện tương tự, tôi đã biết một sinh viên học ngành Tài Chính vì em thích và có năng khiếu về con số, học Toán rất giỏi, và ưa thích bất cứ điều gì liên quan đến tiền tệ. Không may mắn thay, năm em ra trường các ngân hàng Việt Nam đang bị khó khăn, liên tục cải tổ hệ thống, tái cấu trúc và sa thải nhân viên. Dĩ nhiên em không tim được công việc liên quan đến ngành em đã học. Ba mẹ em rất lo, hối hận đã cho em học ngành Tài Chính, bản thân em cũng rất bối rối và có lúc nghi ngờ quyết định học Tài Chính của mình. Khi em gặp tôi, chúng tôi ngồi phân tích những kỹ năng em học được trong suốt thời gian học đại học và trong các hoạt động ngoại khoá trong và ngoài trường. Em nhận ra rằng mình có thể nộp đơn vào rất nhiều vị trí bên ngoài ngành Tài Chính với những kỹ năng và kiến thức em thu thập trong suốt thời gian học đại học. Với tấm bằng loại giỏi (vì em rất thích và có khiếu trong ngành em chọn), với sự hiểu biết bản thân, em tự tin nộp đơn vào các vị trí Nghiên cứu thị trường và được nhận rất nhanh vào một công ty có tiếng. Suốt thời gian ở công việc này, em học được nhiều kiến thức mà trước đây em không nghĩ mình sẽ thích. Và hai năm sau đó, khi ngân hàng trong nước ổn định, em dễ dàng chuyển qua một vị trí trong ngân hàng không khó khăn lắm nhờ vào bằng cấp em đã có, kinh nghiệm làm việc trong ngành nghiên cứu thị trường, và thái độ làm việc tích cực.

Kết

Điểm chính yếu mà tôi muốn chia sẻ đến các bậc cha mẹ là thị trường lao động sẽ thay đổi nhanh đến nỗi không ai dám vỗ ngực đoán chắc những công việc sắp tới sẽ được tuyển dụng nhiều là gì. Và ngay cả khi có thể chắc chắn, thì làm sao con cái chúng ta tồn tại và cạnh tranh được nếu như chúng không yêu thích và giỏi tự nhiên trong công việc ấy.

Vì vậy, trong một thời đại mà mọi thứ thay đổi ở tốc độ chóng mặt, khi mà các cơ hội nghề nghiệp nở rộ như nấm sau mưa nhưng cũng đòi hỏi những kỹ năng ngày càng phức tạp, thì điều duy nhất mà các em có thể nắm vững trong tay mình là hiểu rõ bản thân.

Hiểu rõ bản thân để trau dồi và phát triển thế mạnh tự nhiên thành những kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần. Hiểu rõ bản thân để mạnh dạn tìm hiểu và trải nghiệm những lĩnh vực mình yêu thích xem mình hợp ở đâu nhất. Hiểu rõ bản thân để tự tin dấn thân, kết bạn, xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp với những người biết mình, tôn trọng mình vì những thành quả mình đạt được dù nhỏ dù lớn trong các hoạt động tình nguyện hay các sự kiện trong và ngoài nước.

Vì vậy, khi giúp con cái định hướng nghề nghiệp, điều đầu tiên quý cha mẹ nên làm là giúp con tìm hiểu bản thân thật rõ, cho phép con được trải nghiệm những điều con thích, giúp con trau dồi thêm những kỹ năng con đã giỏi tự nhiên. Khi con làm được bước đầu tiên này, những bước còn lại sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Phoenix Hồ Phụng Hoàng – Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Đại học RMIT Việt Nam

Thông tin về tác giả Phoenix Hồ Phụng Hoàng

Chị Phoenix Hồ có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh. Chị đã tham gia giảng dạy nhiều lớp hướng nghiệp cho giáo viên cấp 2, 3; và là tác giả cuốn sách “Cứ đi để lối thành đường”, với chủ đề về hướng nghiệp cho học sinh sinh viên.

Chị Phoenix có bằng Thạc sĩ Tư vấn và Phát triển Hướng nghiệp của trường Đại học Santa Clara (Mỹ) và bằng Thạc sĩ Quản trị Giáo dục của trường Đại học RMIT. Chị từng giữ vị trí Quản lý tư vấn và hướng nghiệp tại trường Đại học RMIT Việt Nam trong nhiều năm.

Comments

  1. Thực ra tôi đã định hướng cho con học tại RMIT từ khi con đang ở đầu năm cấp 2 và đâu tư cho con theo học tiếng Anh tại TT luyện IELTS hàng đầu. Con cũng hưởng ứng kế hoạch này. Tuy nhiên, đến nay khi con chỉ còn 1 năm nữa là sẽ vào đại học thì tôi lại khá hoang mang khi không biết lựa chọn ngành học của con là đúng đắn chưa và sẽ ra sao nếu con ko theo được hoặc ….. Rất mong nhận đươc chia sẻ và gợi ý từ các chuyên gia. Xin cảm ơn. Thanh Vân

    1. Chào chị, chị có thể cùng con làm bài trắc nghiệm hướng nghiệp được RMIT áp dụng tại đường link này: https://chame.rmit.edu.vn/huong-nghiep-cung-trac-nghiem-tinh-cach-holland/
      Ngoài ra, chị cũng có thể cùng con tham gia các chương trình trải nghiệm và học thử của RMIT để con có thể hiểu thêm về lựa chọn ngành học của mình. Để được hỗ trợ trực tiếp chị có thể để lại tin nhắn tại fanpage ở địa chỉ: https://www.facebook.com/RMITvaChaMe/
      Cám ơn chị.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.