rmit-nguyen-le-hoai-thuong-co-sinh-vien-truyen-thong-chuyen-nghiep-dam-me-lam-nhac-kich-cua-rmit-hn

Tự thành lập và điều hành một tổ chức nhạc kịch thì như thế nào đối với các sinh viên mới chỉ 19, 20 tuổi? Không chỉ tự sáng tác kịch bản gốc, dàn dựng, sáng tác và sản xuất tất cả các bài hát trong vở nhạc kịch của mình, nhóm sinh viên thành lập nên Fragments, một tổ chức nhạc kịch độc lập phi lợi nhuận tại Hà Nội, còn lo xin tài trợ, bán vé, làm quảng cáo, thương hiệu… để đưa kịch nghệ tới đông đảo khán giả yêu nghệ thuật đất Hà Thành.

RMIT có dịp được trò chuyện cùng Nguyễn Lê Hoài Thương, cô sinh viên năm cuối ngành Truyền thông Chuyên nghiệp tại RMIT Hà Nội, đồng sáng lập Fragments, để hiểu hơn về niềm đam mê này của Thương, cũng như biết được những kiến thức tích luỹ được từ RMIT đã giúp Thương ra sao trên con đường đưa nhạc kịch đến gần hơn với khán giả trẻ.

Một vài thông tin về Hoài Thương:

🏅 Đồng sáng lập & chỉ đạo âm nhạc tại Fragments

🏅 Đạt học bổng Thành tích học tập xuất sắc của RMIT Việt Nam

🏅 Đạt giải Outstanding Cambridge Learner Award – High Achievement in AS Level Sociology của Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge (Cambridge International Examinations)

🏅 Cựu học sinh trường Singapore International School – SIS

1. Vì sao em lựa chọn RMIT? Bố mẹ có ảnh hưởng gì tới lựa chọn này của em không?

Thật lòng mà nói thì RMIT không phải là lựa chọn đầu tiên của em vì em rất muốn đi du học, tuy nhiên, bố mẹ em thì lại muốn giữ con gái ở gần và em đã theo học tại RMIT là do vậy.

2. RMIT không phải là mong muốn ban đầu của em nhưng cho tới nay thì em thấy RMIT thế nào?

Dù không phải là lựa chọn “đầu tiên” nhưng RMIT với em là lựa chọn “đúng đắn”. Ở đây, em thấy được sự Chủ động, những Trải nghiệm và Đầy những bất ngờ.

3. Vậy thì RMIT trong tưởng tượng của em trước đây và trên thực tế thế nào?

Trước khi vào trường em đã tưởng rằng đây là nơi có nhiều bạn ‘sang chảnh’ và em sẽ khó có thể hòa nhập được. Nhưng sau khi dành thời gian ở RMIT thì em đã có cơ hội nhận ra nhiều khía cạnh khác nhau của sinh viên trường mình. Em rất ngưỡng mộ việc mỗi bạn đều có cho mình những sở thích và đam mê riêng.

4. Điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể mang tới cho em là gì?

Trong suốt những năm đại học, RMIT đã cho em không gian và cả thời để trải nghiệm và khám phá những thứ em chưa từng được thử trước đây.

5. Niềm đam mê của em với nhạc kịch bắt đầu từ khi nào?

Lúc em 14 tuổi là lần đầu tiên em được đi máy bay một mình sang London để thăm anh trai. Không biết là tình cờ hay có kế hoạch mà trong một ngày gần cuối chuyến đi thì anh đã dắt em đến West End và hai anh em xem vở nhạc kịch Jersey Boys. Đó là lần đầu tiên em nhìn thấy một sân khấu như vậy. Từng chi tiết từ phím đàn, lời nói, câu hát, bước chân tới đạo cụ đều được sắp đặt trơn tru. Rõ ràng là một vở nhạc kịch đã được tập đi tập lại vô số lần nhưng vẫn đem lại một cảm giác rất thật.

Tại thời điểm đó, hay thậm chí là ngay lúc này, em chưa dám nói rằng mình đam mê nhạc kịch nhưng đó là lúc em biết rằng có một thế giới như thế, có những công việc như thế tồn tại.

6. So sánh sản phẩm nhạc kịch đầu tay với sản phẩm mới nhất của mình, em có thấy khác biệt gì không?

Cả hai vở nhạc kịch đều là những cố gắng hết sức từ tất cả các bạn bên cạnh em nên mỗi lần đều cho em rất nhiều trải nghiệm, bài học và cảm xúc. Nhưng nếu đặt hai vở cạnh nhau thì em có thể thấy rõ là mình đã tham vọng hơn rất nhiều rồi. Tất cả mọi thứ từ khâu truyền thông, tổ chức cho đến sản xuất nội dung đều được đầu tư nhiều hơn. Có lẽ là vì em và các bạn đều đã học được thêm nhiều điều trong suốt quá trình sản xuất đấy ạ.

7. Em có ứng dụng những kiến thức tại ngành học tại RMIT vào những vở nhạc kịch của mình không?

Tất nhiên là có chứ ạ. Bài học em trân trọng nhất là cách kể chuyện, cũng là bài học em đem ra ứng dụng nhiều nhất. Ngành truyền thông không chỉ dạy em cách quảng cáo vở nhạc kịch nhưng còn bao gồm cả cách xây dựng thương hiệu, các kỹ năng tổ chức và cả sản xuất nữa.

8. Kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi vào học ở RMIT?

Chắc là cũng có nhiều kỉ niệm vui lắm nhưng vì em đang giữa mùa bão deadlines nên kí ức duy nhất ùa về là những ngày ngắm mặt trời mọc vì phải thức để làm bài. Đây là học kì cuối của em rồi nên chắc sau này nhớ lại cũng sẽ thấy trải nghiệm này khá đặc biệt. Chỉ có ở RMIT em mới biết cảm giác cùng các bạn thâu đêm hỏi nhau làm đến đâu rồi và thay nhau ngủ luân phiên để làm bài nhóm.

9. Nếu có 1 lời khuyên cho các bạn học sinh cấp 3, thì đó sẽ là gì?

Thời gian chuyển tiếp từ cấp 3 vào RMIT của em không phải là quá dễ dàng về mặt cảm xúc nhưng em cũng không hối hận gì về quyết định lựa chọn học RMIT. Hoàn cảnh của mỗi người đều khác nhau nên nếu được em sẽ chỉ khuyên các bạn học sinh là cố gắng nghĩ thoáng hơn và đón nhận mọi thử thách cũng như cơ hội đến với mình một cách nhẹ nhàng.

10. Nếu có một lời nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ của các em học sinh cấp 3 chuẩn bị vào đại học, em sẽ nhắn gì?

Bố mẹ em thường nói là cha mẹ nào cũng muốn điều tốt nhất cho con nhưng đôi khi cách họ thể hiện tình cảm lại không được hiệu quả. Em nhớ là mình từng cảm thấy bước chân từ cấp 3 lên đại học là một bước rất dài và áp lực. Áp lực ở đây không phải mỗi thi cử mà còn là lúc phải định hình con đường trong tương lai. Em chưa thể hiểu hết trách nhiệm cũng như áp lực mà các bố mẹ phải trải qua khi con mình đứng trước ngưỡng cửa đó. Nhưng em vẫn luôn cảm ơn bố mẹ mình vì đã tin tưởng và cho em đủ không gian riêng tư để tự đưa ra quyết định cho mình. Vì vậy, em hi vọng các cô chú phụ huynh hãy cho con đủ không gian và thời gian để tự đưa ra quyết định cho mình, cha mẹ hãy đồng hành cùng con chứ không nên áp đặt. 


Để tìm hiểu hơn kỹ hơn về ngành Cử nhân Truyền Thông Chuyên nghiệp của RMIT, vui lòng xem:

👉 Giới thiệu ngành học tại website chính thức của RMIT

👉 Làm việc trong ngành truyền thông thì thế nào?

👉 Phân biệt ngành Tiếp thị Số & ngành Truyền thông Chuyên nghiệp của RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.