digital marketing rmit

Vừa qua, cuộc thi social marketing toàn quốc Peaking Point 2021 (tổ chức bởi SIFE RMIT Vietnam – cơ sở Hà Nội) đã trao giải nhất cho nhóm sinh viên RMIT với ý tưởng xuất sắc giải quyết những vấn đề xã hội đương đại bằng chiến dịch truyền thông – marketing.

Với chủ đề “Những vấn đề xung quanh cộng đồng đa dạng giới và tính dục”, Nguyễn Viết Thông (sinh viên ngành Digital Marketing; ĐH RMIT), Lê An Khanh (sinh viên ngành Computer Science; ĐH Wilfrid Laurier), và Cao Trà Giang (Digital Marketing; ĐH RMIT) đã thể hiện kỹ năng xây dựng chiến dịch truyền thông và góp phần xoá nhoà những định kiến không đáng có với kiến thức minh bạch và tình yêu thương gia đình.

Viết Thông, An Khanh, Trà Giang đã được nhiều khen ngợi từ các nhà bảo trợ chuyên môn và giám khảo cuộc thi như Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường – iSEE, tổ chức cộng đồng UniGEN, trường marketing Markus với sự thấu hiểu chuyên sâu về tâm lý của cha mẹ và tình yêu thương của họ dành cho con mình. Các em cũng có những ý tưởng phù hợp để cha mẹ luôn có thêm những nguồn kiến thức, tư vấn, lắng nghe đáng tin về sự đa dạng giới và tính dục.

👇 Kính mời quý phụ huynh cùng đọc tiếp bài phỏng vấn Viết Thông, An Khanh, Trà Giang


Đối với cha mẹ, chẳng ai muốn phải để con mình gặp khó khăn, tự thân con chống chọi với những thành phần khắc nghiệt xã hội. Vì thế, khi thấy con mình tự đặt bản thân vào tâm điểm của một định kiến xã hội đã lỗi thời và không còn chính xác, họ ra sức bảo vệ con mình với tất cả những gì họ đang hiểu được, bằng tất cả sự yêu thương, vận dụng tất cả bản năng của một người cha, người mẹ.

Hiểu tâm lý của những người mẹ và cha, Thông, Khanh, Giang đã xây dựng mô phỏng chiến dịch truyền thông về cha mẹ của những bạn thể hiện sự đa dạng giới và tính dục tại chung kết cuộc thi Peaking Point 2021.

Chiến dịch “Thế giới đã tốt hơn cho chúng con” muốn gửi thông điệp đến cha mẹ rằng họ cùng con mình đang sống trong một thế giới đã mới hơn; nơi mà việc bạn đời con mình là ai không còn kích động bạo lực vô cớ từ người dưng và con họ cùng cả xã hội (như bạn bè, người thân, đồng nghiệp,…) đã và đang được trang bị những kiến thức mới, những luật nhân quyền mới, và có được những sự bình thường mới đầy bình đẳng và khoan dung.

Ý tưởng của nhóm các em sinh viên hướng đến việc thể hiện hình ảnh bình đẳng và khoan dung, xây dựng nền tảng kiến thức và trả lời những thắc mắc từ cha mẹ từ ngoài đời đến cả trên mạng.

“Khi được cơ hội phỏng vấn những bạn thuộc cộng đồng LGBTIQ, nhóm em nhận ra có nhiều bạn đã “coming out” (tự tin và ủng hộ sự đa dạng giới và tính dục). Các bạn rất thoải mái thể hiện cá tính của mình ở ngoài xã hội. Tuy nhiên, ở nhà thì ngược lại. Những bạn ấy sợ vì nhiều lý do: chưa “coming out” với cha mẹ hoặc đã “coming out” rồi nhưng ba mẹ không thoải mái với điều đó. Từ đó, nhóm em mới đào sâu và tìm lý do tại sao vấn đề này tồn tại, và nghĩ ra hướng giải quyết.

Sau khi phỏng vấn vài bậc phụ huynh thế hệ X, nhóm em nhận ra rằng cha mẹ lo lắng cho sự hạnh phúc và thành công của con mình vì họ vẫn có góc nhìn về một thế giới cũ. Họ đã quen và chấp nhận với một thế giới mà vẫn còn kỳ thị sự đa dạng giới và tính dục trong xã hội, không có sự công bằng cho những bạn này từ chốn công cộng cho tới công ty”, các em chia sẻ quyết định chọn dẫn dắt cha mẹ từng bước đến góc nhìn mới.

Làm chiến dịch truyền thông hướng đến con người và xã hội chẳng phải một điều dễ dàng. Khác hẳn với những chiến dịch truyền thông về sản phẩm và nhãn hàng khi mà phải mang cảm xúc và câu chuyện đến những vật vô tri vô giác, những bạn sinh viên Digital Marketing phải am hiểu hơn nữa về con người, văn hoá, và xã hội. Điều đó đã khả thi hơn khi Thông, Khanh, Giang có cùng chí hướng và công tâm học hỏi.

“Với những môn học ở RMIT Việt Nam như môn Digital Marketing Communication, nhóm em đã có cơ hội được làm việc trực tiếp với khách hàng và tạo nên những chiến dịch truyền thông cho sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên khi đến với cuộc thi, nhóm mình nhận ra với đề tài về con người và xã hội, nhóm em cần thay đổi cách tiếp cận rất nhiều: phải đào sâu hơn về tâm tư của đối tượng con người và xây dựng thông điệp, hình thức truyền tải phù hợp hơn; thay vì chỉ tập trung vào truyền thông hoá những đặc điểm như khi làm về sản phẩm.”

Nhóm chia sẻ thêm về việc có bạn cùng nhóm cũng quan trọng để phát triển những ý tưởng trên cùng nhau: “Từ việc rất hứng thú với đề bài và, đặc biệt, muốn cùng nhau đóng góp cho cộng đồng LGBTIQ+ nên cả nhóm đã cùng cố gắng hết sức mình và đã có một quãng thời gian rất vui vẻ trong suốt quá trình thi. Tất cả bắt đầu từ lúc Khanh tìm thấy cuộc thi, rủ Giang (vì thân từ thời học cấp 3), dẫn vào cả Thông từ RMIT Golden Flames Club (câu lạc bộ rèn luyện các cuộc thi sinh viên)”.

“Nhóm em ai cũng đam mê marketing và muốn thử sức những kiến thức mình học được ở trường lớp ra ngoài thực tiễn. Nó giúp em va chạm với các bạn sinh viên khác và học hỏi thêm kinh nghiệm cho bản thân.

Cuộc thi Peaking Point (tổ chức bởi SIFE RMIT VIETNAM) đã đem lại cho nhóm em một sân chơi trải nghiệm về social marketing về con người và xã hội – cộng đồng LGBTIQ+. Đây một lĩnh vực mà nhóm em chưa từng được học qua. Xuyên suốt cuộc thi, nhóm em có cơ hội được biết thêm về sự đa dạng giới và tính dục, những câu truyện từ các bạn trong cộng đồng và góc nhìn của xã hội với cộng đồng. Những câu chuyện này động viên nhóm đóng góp phần nào việc chia sẻ kiến thức về sự đa dạng giới và tính dục tại Việt Nam đến những người xung quanh nhóm em qua cuộc thi.

Trong quá trình tham gia cuộc thi, những buổi workshop với UniGEN (tổ chức cộng đồng về LGBTIQ+) và iSEE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) giúp nhóm em và các nhóm thi khác biết thêm rằng đã có nhiều chiến dịch vận động quyền cho cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Cùng với những bộ ấn phẩm về xu hướng tính dục, gợi ý quá trình công khai và đồng cảm cho các bạn LGBTIQ+,.. từ iSEEUniGEN, nhóm em đã có thêm cơ hội để hiểu hơn về cách hoạt động của các tổ chức NGO. Qua đó, nhóm em cũng muốn xây dựng một chiến dịch mà có thể thu hút người xem tới những tổ chức này sau cuộc thi. Từ đó, chúng ta cùng có thể lan tỏa nhiều thông điệp khác nhau cho tất cả mọi người”.


Thông, Khanh và Giang đã chia sẻ quá trình tìm ra ý tưởng, vận dụng kiến thức học tập tại RMIT, và hợp tác với các NGO, tổ chức cộng đồng. Tại RMIT, sinh viên luôn được khuyến khích xây dựng, vận dụng kiến thức chuyên ngành và tham gia các hoạt động hướng đến cộng đồng và xã hội.

Phụ huynh có thể khám phá thêm về trải nghiệm sinh viên tại RMIT Việt Nam tại ĐÂY.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.