Với sự phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như sự gia nhập của các tập đoàn đa quốc gia với quy mô lớn, Quản trị Nguồn nhân lực đang trở thành một trong những ngành thiếu hụt nhân lực nhất. Theo ước tính, cứ khoảng 100 người lao động thì cần 1 nhân viên nhân sự. Nếu đem con số này áp dụng tại TP.HCM chẳng hạn, với khoảng 138,000 doanh nghiệp đang hoạt động với 1 triệu người lao động, thì cần đến 10,000 nhân viên nhân sự. Đây cũng là ngành có mức lương khá hấp dẫn, đặc biệt là trong các công ty dịch vụ về săn đầu người. Vậy Quản trị Nguồn nhân lực là gì, và ngành này đòi hỏi những kỹ năng gì? Cha mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Quản trị Nguồn nhân lực là gì?

Quản trị Nguồn nhân lực bao gồm việc lên kế hoạch, thực thi, quyết định và quản lý những công việc liên quan đến nguồn nhân sự của một công ty. Người làm nhân sự có nhiệm vụ định hướng và quy hoạch nguồn nhân lực cho chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Khi theo học ngành Quản trị Nguồn nhân lực, con có thể lựa chọn đi theo rất nhiều hướng khác nhau. Trong đó, phải kể đến một số lĩnh vực tiêu biểu như:

  • Tuyển dụng bao gồm “headhunter” và “talent acquisition”  (những người chuyên tìm kiếm ứng viên tài năng)
  • Phúc lợi & tiền lương
  • Đào tạo & phát triển
  • Tư vấn về nhân sự
  • Tư vấn việc làm
  • Công đoàn
  • Đối tác chiến lược kinh doanh lĩnh vực nhân sự (HRBP)

Ngoài ra, hiện nay các chương trình Quản Trị Viên Tập Sự của các tập đoàn lớn cũng luôn có vị trí dành cho nhân sự.

Tiềm năng của ngành Quản trị Nguồn nhân lực

Quản trị Nguồn nhân lực là ngành có triển vọng trong tương lai. Cùng với sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chú trọng hơn vào yếu tố con người. Theo đó, con người là nòng cốt và là trung tâm phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, việc chọn lọc, tuyển dụng, cũng như các chế độ đãi ngộ cho người lao động đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Theo báo cáo HR Best Practice ở khu vực Đông Nam Á năm 2016, trong một công ty, cứ khoảng 100 người lao động thì cần 1 nhân viên nhân sự. Nếu đem con số này áp dụng tại TP.HCM, với khoảng 138,000 doanh nghiệp đang hoạt động với 1 triệu người lao động, thì cần đến 10,000 nhân viên nhân sự. Hơn nữa, ngày càng nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm các nhà Quản trị nhân lực có kỹ năng thu hút, nuôi dưỡng các hạt giống thuộc thế hệ Z.

Tuy nhiên, thị trường hiện nay còn thiếu hụt nhân viên đáp ứng nhu cầu về chuyên môn cũng như kỹ năng nghề. Số nhà quản lý nhân sự tài năng trong ngành này cũng còn khá ít. Vậy nên, trong tương lai, đây được coi là ngành đang có nhu cầu nhân lực lớn tại Việt Nam.

Kỹ năng cần thiết của người làm Quản trị Nguồn nhân lực

Do đặc thù nghề nghiệp, người làm về Quản trị Nguồn nhân lực cần thành thạo tổng hợp rất nhiều kỹ năng liên quan đến con người. Dưới đây là một số kỹ năng tiêu biểu nhất:

  • Kỹ năng giao tiếp: đây là kỹ năng cơ bản mà bất kỳ ai làm nghề này đều phải thành thạo. Trong mọi tình huống, con cần có khả năng giao tiếp, ứng phó khéo léo, tinh tế cũng như “đọc vị” suy nghĩ của người khác.
  • Kỹ năng lắng nghe: không chỉ thương thuyết khéo léo, con còn cần rèn kỹ năng lắng nghe để thấu hiểu mong muốn của nhân sự từ đó kịp thời đưa ra điều chỉnh hợp lý cho doanh nghiệp.
  • Kỹ năng hoạch định và cơ cấu nhân sự: ở cấp độ quản lý, người làm Quản trị nhân lực cần có khả năng phân chia, thu hút, và phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp.
  • Hiểu biết về nhiều lĩnh vực: khác với các ngành khác, khi theo học ngành Quản trị nhân lực, con cần tìm tòi kiến thức xã hội ở nhiều lĩnh vực như kinh doanh, marketing, tài chính… Đây chính là điểm cộng giúp con dễ dàng nhận sự kính nể, yêu mến của nhân sự khi bước vào môi trường doanh nghiệp.

Học Quản trị Nguồn nhân lực tại RMIT

Để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngành nhân lực, Đại học RMIT đang triển khai ngành này tại 02 cơ sở Hà Nội và TP.HCM. Đây là ngành học được công nhận bởi Viện Khoa học Quản lý Nguồn nhân lực Úc (AHRI). Tại RMIT, con sẽ được đào tạo theo phương thức phản biện và gắn liền với thực tế. Trong quá trình học, con sẽ phải giải quyết các tình huống thực tế xảy ra trong môi trường doanh nghiệp. Qua đó, con sẽ sớm có cái nhìn về những vấn đề hay gặp phải trong nghề nhân sự, và không bị quá bỡ ngỡ khi bước vào thị trường việc làm sau này. Ngoài ra, qua các dự án cá nhân, con vừa rèn luyện được kỹ năng làm việc độc lập, đồng thời có cơ hội đánh giá, phân tích, và đưa ra quyết định. Đây là những kỹ năng quan trọng mà người làm nghề Quản trị nhân lực cần nắm rõ.

Kết luận

Hy vọng bài viết này đã giúp cha mẹ hiểu hơn về tiềm năng của ngành Quản trị Nguồn nhân lực tại Việt Nam. Với bằng cấp được chứng nhận toàn cầu, sau khi tốt nghiệp tại RMIT, con có thể chọn làm việc tại Việt Nam, Úc, hay bất kỳ quốc gia nào mình muốn. Để tìm hiểu thêm về, cha mẹ vui lòng xem tại: Chương trình Cử nhân Quản trị Nguồn nhân lực.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.