Quản lý và lãnh đạo - Kỹ năng có thể xây dựng từ gia đình

Quản lý và lãnh đạo là hai kỹ năng quan trọng giúp con thành công trong cả học tập và công việc, thế nhưng khá ít gia đình chú ý rèn luyện cho con từ sớm. Chúng ta thường nghĩ đây là hai kỹ năng “cao siêu” mà con chỉ cần đến, hoặc sẽ tự học được khi con làm việc lâu năm trở thành sếp lớn. Nhưng sự thực không phải vậy, hai kỹ năng này có thể học được từ trong gia đình, học từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, học càng sớm thì càng tốt cho con.

Nghĩ về “lãnh đạo”, chúng ta thường nghĩ đến những từ như “ra lệnh, sai bảo, quyền lực…” và cảm thấy nó chẳng liên quan gì đến các con mình. Cũng vậy, khi nghĩ về “quản lý”, ta thường nghĩ đến “lo việc trong ngoài, kiểm soát, luật lệ…” và cũng không muốn con mình trở nên như vậy.

Nhưng thật ra, “lãnh đạo” là khởi xướng và dẫn dắt mọi người đạt được mục đích chung, còn “quản lý” là ý thức và điều khiển một tổ chức, sự việc… để mọi việc vận hành như ý. Nếu vậy thì hai kỹ năng này tích cực và hoàn toàn phù hợp với các con, nhất là trong giai đoạn mở rộng vùng trời trách nhiệm khi trở thành người lớn. Sau đây là một số cách bạn có thể khuyến khích, cũng như xây dựng kỹ năng quản lý và lãnh đạo cho con ngay từ trong gia đình.

1. Giao việc cho con, và để con chịu trách nhiệm về việc đó

Trước khi quản lý một nhóm hoặc tổ chức, con cần có khả năng quản lý việc mình làm. Một cách hay để con tập dần việc này đó là bạn giao việc cho con, nói yêu cầu bạn cần sau đó để con thực hiện. Việc đó có thể là việc nhà, hay sắp xếp một phần của một chuyến du lịch, hoặc phụ giúp một phần nhỏ của việc kinh doanh trong gia đình. Đừng giao việc cho con và liên tục chỉ trích trong lúc con làm, cuối cùng lại bảo “thôi để đó ba mẹ làm luôn cho.” Không ai có thể phát triển khả năng quản lý, sắp xếp, hay hứng thú với việc mình làm trong một môi trường như thế cả. Bạn có thể khen, chê, đánh giá công việc của con sau khi làm xong, nhưng khi con làm hãy lui sang một bên. Nếu bạn cho rằng “để con làm mất thời gian, sau đó dọn dẹp còn mệt hơn.”, thì cũng như nói rằng bạn không có thời gian cho con phát triển kỹ năng quản lý, và như vậy cũng đừng ngạc nhiên khi sau này con chẳng biết làm gì.

2. Khuyến khích con có quan điểm riêng, và tôn trọng những quan điểm đó

Một người lãnh đạo phải tự tin vào những giá trị, tầm nhìn hay quan điểm của mình mới có thể dẫn dắt hoặc thu hút những người cùng chí hướng. Những điều này không cần phải làm hài lòng tất cả mọi người, chỉ cần phù hợp với lý tưởng hoặc mục tiêu của người lãnh đạo đó và các đồng đội. Vì vậy, hãy sớm tập cho con sự vững tin vào những giá trị của mình, có lập trường đúng-sai rõ ràng và không ngại thể hiện hay bảo vệ chúng khi cần thiết. Điều này cũng đồng nghĩa với bạn không được dùng “quyền cha mẹ” để ép con thay đổi niềm tin, thay vào đó bạn phải lắng nghe và thảo luận cùng con một cách điềm tĩnh, công tâm. Khá khó, nhưng để rèn cho con kỹ năng lãnh đạo thì đây là việc cần làm.

3. Thay đổi cách nói

Hãy cẩn trọng hoặc bớt dùng những câu chọc ghẹo khi con xung phong dẫn đầu hay quản lý một việc gì đó. Ví dụ, đừng nói những câu như “nên thân không mà làm!”, “con mà là nhóm trưởng kia à?”, hay “thôi thôi đừng có tỏ ra hiểu biết con ạ!” Hãy tưởng tượng nếu bạn là con, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Cụt hứng? Giận dữ? Hay nghi ngờ bản thân mình và từ chối những cơ hội kia? Có thể bạn đùa thôi, nhưng bạn biết đấy, chính con cũng lo lắng về quyết định này của mình, và bạn cần nuôi dưỡng sự dũng cảm cho con chứ không phải trêu đùa để nó tan vỡ. Thay vì vậy, bạn có thể nói những câu như “Thế kia à! Con giỏi quá!”, “Nhớ kể mẹ nghe mọi chuyện sau đó nhé.” hoặc “Chà, con sẽ học được nhiều điều lắm đấy!”

Có những người học kỹ năng lãnh đạo và quản lý qua sách vở, trường lớp, quá trình làm việc, nhưng cũng có những người đã được rèn hai tính cách này ngay trong chính môi trường gia đình mình. Hãy tưởng tượng bạn biết quản lý giờ giấc làm bài tập về nhà, hoặc dẫn dắt các bạn làm đồ án nhóm xuất sắc, thì bạn sẽ có lợi thế hơn biết chừng nào. Vậy nên đừng ngần ngại mà hãy chú ý rèn cho con hai kỹ năng này từ sớm nhé.

Giang Trần

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.