Quá nhiều người đang sống trong những nỗi sợ, chứ không phải trong những giấc mơ.” – Les Brown

Bạn biết không, nếu nghĩ một cách dí dỏm, thì nỗi sợ khá giống… ba mẹ, luôn tìm cách bảo vệ và báo trước hiểm nguy cho con cái. Trước những con đường hay sự việc mà não bộ chưa có đủ dữ kiện, nỗi sợ thường vẽ ra những viễn cảnh thảm hoạ như thất bại, cô đơn, thiếu thốn… để ngăn chúng ta dấn thân vào. Và nỗi sợ, cũng như ba mẹ, đều có lý của mình. Nếu không nhờ nỗi sợ, ta có thể cứ thế đi bộ trên rìa đá trơn bên bờ biển và trượt chân, hoặc ta có thể cứ thế ngủ nướng không đến cuộc họp dẫn đến mất việc và nghèo khổ. 

Tuy nhiên khi nỗi sợ được sử dụng quá thường xuyên, nó sẽ tiêu hao phần lớn năng lượng của bạn, phần năng lượng vốn nên được dùng cho việc sống và ước mơ. Canh cánh nỗi sợ bên mình trong mỗi quyết định, bạn sẽ phí phạm một phần năng lượng vào việc nghi ngờ, chần chừ hay trì hoãn. Trong khi đó, nếu toàn phần năng lượng được dùng để thực hiện việc bạn muốn, có thể bạn đã đi được xa hơn, trọn vẹn hơn. Bởi vậy đôi khi, nỗi sợ là nguyên nhân huỷ hoại ước mơ chứ không phải là thất bại. 

Thế nên khi nói về nỗi sợ với con, tránh rơi vào một trong hai thái cực hoặc dập tắt nỗi sợ một cách mù quáng hoặc châm thêm nỗi sợ vào lòng con. Thay vào đó, bạn hãy dạy con lắng nghe, quan sát và thương thuyết với nỗi sợ. Nỗi sợ đến từ đâu? Nỗi sợ đang nói những gì? Những điều đó có đáng tin hay thật sự đáng sợ không? Có bằng chứng nào về việc những điều đó sẽ xảy ra không? Những cách con có thể làm để giải quyết nỗi sợ đó là gì? Ví dụ, con muốn học một ngành còn hiếm ở Việt Nam và sợ mình sẽ thất nghiệp, vấn đề ở đây là con chưa đủ dữ liệu về thị trường việc làm hay những công việc tiềm năng liên quan, vậy con cứ tìm hiểu thêm, tin chắc rằng nỗi sợ sẽ giảm bớt. Một điều quan trọng nữa ba mẹ có thể nói, rằng đối ngược với nỗi sợ không phải là lòng dũng cảm, mà chính là sự tập trung. Khi con tập trung toàn tâm toàn ý vào việc mình làm, con đã dành trọn vẹn năng lượng cho mơ ước và nỗi sợ yếu đi. Nơi nào có sự tập trung, nơi đó nỗi sợ không hiện diện. 

Ước mơ là cần thiết và nỗi sợ cũng cần thiết, chỉ cần con giữ một tỷ lệ lành mạnh giữa hai yếu tố này, chúng sẽ nâng đỡ lẫn nhau giúp con đạt được điều con muốn.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.