PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP TRONG NGÀNH THIẾT KẾ: TỪ LÍNH MỚI ĐẾN GIÁM ĐỐC THIẾT KẾ

Bài viết thuộc Chuỗi bài viết: Hiểu đúng về nghề Thiết kế để hướng nghiệp cho con

Đối với cha mẹ, mối quan tâm chính khi đầu tư cho con cái học hành chính là những triển vọng nghề nghiệp dành cho con khi tốt nghiệp. Với ngành này, có lẽ nhiều cha mẹ sẽ tự hỏi công việc thật sự của con sau này sẽ ra sao? Đường đời trăm ngả, lại phụ thuộc nhiều vào lựa chọn cá nhân, nên thường không có công thức chung, nhưng dưới đây là những hướng phát triển sự nghiệp thường gặp nhất trong ngành Thiết kế.

Hướng 1: Gia nhập và tiếp tục mài giũa ở một agency

Những công ty (agency) trong hướng đi này là mô hình những công ty tư vấn Sáng tạo, thiết kế..vv… hoặc thậm chí có cả agency về kiến trúc, thời trang… Khách hàng của công ty có thể là những nhãn hàng toàn cầu như Coca Cola, hay chính phủ và cả những công ty vừa và nhỏ trong nước…

Nếu trong ngành Kinh tế – Tài chính có các ông lớn gọi là “Big 4” thì agency sáng tạo tầm cỡ toàn cầu cũng có Big 4 với mạng lưới khách hàng và văn phòng toàn cầu như WPP, Omnicom Group, Accenture Interactive… Cũng có những agency rất nhỏ, chỉ phục vụ một số ít khách hàng.

Ưu điểm của agency lớn là với tên tuổi và lịch sử lâu đời, họ thường có những khách hàng, dự án tầm cỡ. Các agency này thường có hệ thống công việc chuẩn mực với các tiêu chuẩn chuyên nghiệp, từ việc lấy bản tóm tắt yêu cầu công việc từ khách hàng (brief), cho đến việc tham gia đấu thầu ý tưởng (pitching), và các công cụ, phần mềm hay nguồn dữ liệu mà thường phải trả phí khá đắt mới có để dùng. Làm việc trong môi trường này đòi hỏi con phải làm việc với cường độ cao, tốc độ nhanh, nhờ đó, con sẽ học được nhiều trong một thời gian ngắn.

Còn nếu bắt đầu sự nghiệp ở một agency hay công ty nhỏ hơn thì ưu điểm là người làm thiết kế thường nắm rất sâu mọi công đoạn liên quan, công ty nhỏ thì nhân viên cũng quen biết nhau sâu sắc hơn. Ở đây đóng góp của các con có thể có sức ảnh hưởng lớn, không chỉ tới thiết kế mà cả các khía cạnh khác.

🧑‍💼 Con đường sự nghiệp của con ở hướng này có thể tóm lại như sau: Thiết kế học việc (junior) -> Thiết kế chuyên sâu (Midweight, Senior) -> Art Director -> Creative Director -> Chief Designer.

🧑‍💼 Các mảng công việc con có thể tham gia: Thiết kế đồ họa in ấn, digital, hoạ sĩ minh hoạ, thiết kế 3D, thiết kế phim ảnh, thiết kế UX, thiết kế UI, thiết kế thời trang, kiến trúc sư….

Hướng 2: Thiết kế nội bộ

Rất nhiều designer sau một thời gian làm agency sẽ chọn một công ty có hướng đi, văn hóa và sản phẩm mà họ thích để gắn bó lâu dài. Nếu như làm việc ở agency công việc luôn thay đổi do làm việc với nhiều khách hàng khác nhau thì khi chuyển sang làm thiết kế nội bộ (in-house), designer sẽ gắn bó với một lĩnh vực chuyên sâu hơn.

Thiết kế nội bộ không có nghĩa là công việc của con sẽ ít thú vị đi, mà thường có nghĩa là nhiều trách nhiệm hơn và con sẽ vẫn có thể chọn phát triển kỹ năng theo hướng mình muốn.

Ưu điểm của thiết kế nội bộ là guồng làm việc thường chậm hơn so với agency, người làm thiết kế có thời gian ‘’tĩnh’’ để suy nghĩ thấu đáo hơn; đồng thời do nắm sâu sắc tình hình, họ thường có thể đề xuất các hướng đi mới trực tiếp. Các công ty cũng thường có chiến lược đầu tư phát triển kỹ năng cho nhân viên nội bộ.

🧑‍💼 Con đường sự nghiệp của con ở hướng này tương tự như với agency, cũng đi từ “lính mới” Designer (Thiết kế) lên và có thể trở thành Customer Experience Manager (Quản lý Trải nghiệm Khách hàng), hay rẽ ngang qua Product Manager (Quản lý sản phẩm)… phụ thuộc nhiều vào sự linh hoạt của cá nhân và cả của công ty chứ không có lối đi chung.

🧑‍💼 Các mảng công việc con có thể tham gia: tương tự như hướng thứ nhất, bao gồm đủ loại hình: Thiết kế đồ họa in ấn, digital, hoạ sĩ minh họa, thiết kế 3D, thiết kế phim ảnh, thiết kế UX, thiết kế UI… nhưng thông thường con sẽ có thêm hiểu biết sâu sắc về một ngành nhất định: Ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, dịch vụ, y tế, giáo dục, xây dựng, v.v.

Hướng 3: Làm tự do

Freelance hay làm tự do là một hướng đi mà hầu như designer nào cũng có lúc từng trải qua trên con đường sự nghiệp – có thể là làm thêm trong lúc tìm việc toàn thời gian, cũng có bạn chủ động chọn nghỉ ngơi và làm tự do trong thời gian đó.

Freelancer thường có 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người chủ động tìm kiếm được khách hàng và làm trực tiếp với họ. Nếu chỉ là một designer đơn lẻ, hướng đi này không phải ai cũng theo được bởi vì ngoài làm việc chuyên môn, con còn phải luôn tìm khách hàng để có đủ thu nhập, có thể phải nhận những đầu việc nhỏ, lặt vặt, không phát triển đúng năng lực. Tuy nhiên, nếu mọi việc thuận lợi, con sẽ phát triển đủ lớn để thuê thêm designer và dần dần phát triển thành một agency với lượng khách ổn định.

Hướng đi thứ 2 phổ biến hơn khi con đã là một Designer có kinh nghiệm chắc tay. Lúc này con sẽ vẫn là freelancer nhưng ký hợp đồng qua một agency để làm việc cho một công ty, hay dự án lớn cần người. Các dự án con nhận làm có thể 2-10 tuần, có thể là 3-6 tháng hay 1 năm. Giữa các dự án, các freelancer thường tranh thủ nghỉ ngơi vài tháng rồi mới tiếp tục làm tiếp, và lương của freelancer nhóm này thường dựa trên hoặc là nguyên một dự án, hoặc có lương ngày thoả thuận. Các freelancer nhóm này có khi chỉ đi làm 6-9 tháng nhưng lương có thể bằng hoặc gấp nhiều lần đi làm nguyên năm tại agency hay nội bộ. Bù lại con không được trả lương khi ốm, hay khi nghỉ lễ hay nhận được các quyền lợi dành cho nhân viên toàn thời gian như ở các công ty hay agency.

Làm thiết kế tự do có khá nhiều ưu điểm. Thứ nhất, nó phù hợp với những ai nhanh chán bởi vì xong một dự án, các con sẽ làm dự án mới, luôn thay đổi không kịp chán. Do đó, con học được khá nhiều thứ mới, không bao giờ bị dậm chân tại chỗ hay ‘lụt nghề’. Thứ hai, thu nhập thường cao hơn. Thứ ba, con phần nào chủ động chọn dự án ngắn dài, hay có yêu cầu cụ thể để kết hợp với lịch nghỉ, hay việc nhà, linh hoạt và tự do hơn. Thứ tư, do đổi nơi làm việc liên tục, con nắm rất tốt được thị trường, gặp được nhiều người mới thú vị, linh hoạt hơn, từ đó có thể tạo dựng được nhiều mối quan hệ mới.

🧑‍💼 Con đường sự nghiệp của con ở hướng này khác với các con đường trên. Làm tự do là một lựa chọn về phong cách sống độc lập, đánh đổi với các vị trí thật cao trong sự nghiệp. Tất nhiên vẫn có những vị trí cao trả lương cho freelancer nhưng dần dần các công ty cũng sẽ muốn con trở thành nhân viên của họ. Vì vậy, làm freelancer thì thường đồng nghĩa với việc con sẽ nhận lương rất tốt, và làm việc hiệu quả, nhưng không gắn bó lâu dài.

Hướng 4: Các nhánh nhỏ

Dù bắt đầu sự nghiệp ra sao, thì cũng có lúc designer tham gia làm các hướng đi nhỏ hẹp, ít phổ biến khác nữa. Ví dụ, có bạn đi sâu vào làm vẽ minh họa 3D, vẽ truyện tranh (và chỉ truyện tranh mà thôi!), có bạn lại học thêm coding và làm thiết kế Thực tế ảo là một mảng hiện còn khá mới hiện nay. Có những bạn lại chỉ thiết kế logo (với phong cách riêng) và bộ nhận dạng thương hiệu chuyên sâu với giá cực cao. Có bạn chọn kết hợp với một bạn lập trình viên, thiết kế Game và tự đăng lên các cửa hàng ứng dụng trực tuyến (app store) bán. Thậm chí có lúc nào đó các bạn sẽ thích một lĩnh vực mới và tự mày mò tìm hiểu về nó. Khi đó, ngoài kỹ năng thiết kế, các bạn thường sẽ học thêm về ngành liên quan.

Tóm lại Thiết kế là một ngành có sự nghiệp phát triển khá rộng, vừa được làm thứ mình thích và giỏi, vừa có thu nhập thích đáng. Hiếm có designer nào chỉ biết có một thứ, thông thường họ biết rất nhiều mảng việc, nhiều lĩnh vực, nên thay đổi hướng đi trong sự nghiệp cũng thường thấy


▪ Đọc thêm các bài thuộc Chuỗi bài viết: Hiểu đúng về nghề Thiết kế để hướng nghiệp cho con

Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Nghệ thuật theo trắc nghiệm Holland

Điều cha mẹ có thể làm để con thành công trong ngành Thiết kế

▪ Tìm hiểu ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo và ngành Thiết kế Truyền thông số của RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.