Phân biệt sở thích và đam mê

Sở thích” và “đam mê” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau mà nhiều cha mẹ vẫn hay nhầm lẫn, dẫn tới chuyện định hướng nghề nghiệp cho con không đúng cách. Một nhà văn có thể thích vẽ, nhưng ông ấy chọn viết văn thay vì làm họa sĩ. Một vận động viên có thể thích nấu ăn, nhưng cô ấy chọn chơi thể thao thay vì làm đầu bếp. Giữa hàng ngàn sở thích của con, cha mẹ hãy giúp con cùng tìm ra đâu mới thực sự là đam mê của mình, là công việc mình muốn gắn bó trong suốt cuộc đời này.

Thế nào là sở thích?

Sở thích – đúng như tên gọi của nó – là những việc mà con cảm thấy thích thú khi thực hiện. Thoải mái, dễ chịu, vui vẻ, và hạnh phúc. Thế nhưng khi không có chúng, con cũng không cảm thấy khó chịu. 

Con có thể dành hàng tiếng đồng hồ để nấu ăn, tỉ mẩn thêu một vài nhành hoa nhỏ lên áo, chăm chú xem chương trình “Thế giới động vật” trên tivi, hay hăng say luyện tập bơi sải. Thế nhưng qua mỗi thời kì, những sở thích ấy của con lại thay đổi. Hoặc chúng sẽ lặp lại, nhưng xảy ra không đều đặn và liên tục. Nhìn chung, sở thích luôn có điểm dừng, và chúng chỉ có thể giúp con giải trí, không hơn không kém.

Thế nào là đam mê?

Đam mê là một điều gì đó “mãnh liệt” hơn rất nhiều so với sở thích. Con không chỉ thích làm, mà luôn luôn thích làm, và chẳng thể nào ngừng thực hiện. Khi không được làm điều đó, con sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu, nhớ nhung. Và dù biết sẽ phải đương đầu với thật nhiều khó khăn, con vẫn không cảm thấy sợ hãi mà chùn bước, con vẫn lựa chọn “điều mình thích”. 

Con thích vẽ, lúc nào con cũng đang vẽ, dù bận học đến mấy con cũng dành ra một khoảng thời gian vào mỗi buổi tối để vẽ. Con không biết làm họa sĩ liệu có phải một lựa chọn “an toàn” hay không, nhưng con không gạt giấc mơ ấy qua một bên, mà tìm hiểu thêm về những nghề nghiệp cho con nhiều không gian để vẽ. Vậy là con đam mê vẽ.  

Con thích viết, lúc nào con cũng nhăm nhe cây bút trên tay, không viết xuống giấy thì đánh máy vài dòng blog. Dù bận học đến mấy, con cũng dành 30 phút trước khi đi ngủ để viết về bất cứ điều gì trong ngày, hoặc viết về những điều vẩn vơ mà con đang trăn trở. Con biểu đạt mọi cảm xúc và ý nghĩ của mình qua câu chữ. Làm nhà văn có lẽ sẽ rất “mạo hiểm”, nhưng con chẳng quan tâm tới điều đó. Con sẽ tìm hiểu mọi ngành nghề liên quan đến viết lách, con sẽ “sống để viết”, bởi mỗi khi bận bịu và phải ngừng viết, con đều cảm thấy vô cùng bức bách, khó chịu. Vậy là con đam mê viết.

Phân biệt được đam mê và sở thích rồi, cha mẹ nên hướng nghiệp cho con như thế nào?

Hướng nghiệp cho con theo sở thích, rồi con sẽ “cả thèm chóng chán”. Bởi vậy nên cha mẹ cần cùng con tìm hiểu bản thân mình thật kĩ để giúp con định hướng nghề nghiệp theo đam mê của mình.

Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên tạo cơ hội cho con tiếp xúc với nhiều hoạt động khác nhau. Con càng được tiếp xúc nhiều, cha mẹ càng dễ dàng phát hiện ra sở thích của con. Hãy cùng con thực hiện những sở thích này, quan sát tâm trạng và cảm xúc của con, rồi tùy thuộc vào đó để hướng dẫn con đi sâu hơn vào từng sở thích phù hợp.

Tiếp đó, khi con lớn dần, một vài sở thích ngày nhỏ sẽ được loại bớt, vì con sẽ dần không còn hứng thú với một vài hoạt động nhất định. “Phễu sở thích” đã hẹp lại, giờ cha mẹ hãy cho con cơ hội tiếp xúc sâu hơn nữa với những sở thích còn sót lại. Cha mẹ cũng nên tạo ra một vài tình huống khiến con phải tạm thời ngừng tham gia các hoạt động này, để con nhận ra đâu sẽ là thứ khiến con bức bách, muốn tiếp tục thực hiện.

Khi đã xác định được đam mê của con, cha mẹ đừng vội nhìn vào chỉ một lựa chọn. Mỗi đam mê đều mở ra nhiều con đường khác nhau, quan trọng là chúng ta cần nghiên cứu thật đầy đủ. Nếu con thích vẽ, con không nhất thiết phải trở thành một họa sĩ. Con hoàn toàn có thể theo đuổi ngành kiến trúc, học thiết kế đồ họa, làm nhà thiết kế thời trang, hay trở thành một giảng viên mĩ thuật. Nếu con thích viết, con không nhất thiết phải trở thành một nhà văn. Con có thể là một nhà báo, một cô gái truyền thông, một copywriter hay một người phiên dịch truyện/ sách. 

Nói tóm lại, sở thích và đam mê là hai khái niệm tách rời. Con là “người trong cuộc” nên đôi khi nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, nhưng cha mẹ cần tỉnh táo hơn và giúp con nhìn nhận được đâu là ngọn lửa đam mê mà mình sẵn sàng theo đuổi. Thêm vào đó, cha mẹ cũng nên nghiên cứu sâu rộng về các nghề nghiệp liên quan đến đam mê của con để lựa chọn và hướng nghiệp cho con được tốt nhất.


👇 Đọc thêm các bài viết hay về chủ đề Hướng nghiệp:

Cha mẹ nên làm gì để tìm hiểu và cập nhật thông tin về ngành nghề cho con?

Tìm hiểu Công thức Tuyển dụng để giúp con hướng nghiệp hiệu quả

Thuyết con nhím – Bí quyết giúp con chọn nghề nghiệp lý tưởng

Công việc, nghề nghiệp và sự nghiệp khác nhau như thế nào?

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.