Review sách Phẩm Cách Cha Mẹ

Một đứa trẻ lớn lên với các giải thưởng và sự giàu có chưa chắc đã hạnh phúc. Với Bando Mariko, giáo dục con trẻ trở thành những cá nhân giàu lòng nhân ái và có những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững mới là thứ các bậc cha mẹ nên hướng đến. Cuốn sách “Phẩm cách cha mẹ” của bà như một cuộn phim tua chậm, từ giây phút thiêng liêng con mới chào đời cho đến những tâm sự xót xa của những “ông bà già” lo làm phiền con bởi sự “phiền nhiễu” của mình. Tôi tin rằng, đâu đó trên những trang viết này, anh chị cũng sẽ tìm thấy một khoảnh khắc của mình, của đứa con bé bỏng, để nhận ra, hành trình này thật khó, nhưng thật sự rất đẹp, rất xứng đáng. 

Sợi dây gắn bó máu thịt trong những năm tháng đầu đời

Môi trường đầu tiên con tiếp xúc trong cuộc đời là gia đình. Chương đầu tiên của cuốn sách – “Giáo dục sinh mệnh” nhắc cha mẹ đừng để con cảm thấy lạc lõng ngay trong vòng tay ấy. Và cũng giống như tác giả Mariko, tôi tin tưởng vào sức mạnh của những lời hát ru, của những bữa ăn đầy đủ thành viên trong gia đình. Chúng giúp con nhận ra tiếng cha mẹ, học cách dành thời gian cho những người thân yêu và biết ơn sự may mắn của sự sống chảy trong mình. Tình yêu gia đình, cao cả, nhưng không xa vời. Nó bắt nguồn từ những điều thiết thân như thế – ăn gì, nghe gì, chạm thấy gì. Tôi mong các bậc cha mẹ chúng ta đều có thể cho con cảm nhận được tình cảm gia đình trong những điều ấy.

Những viên gạch nhân tính đầu tiên 

Trong những năm đầu tiên khám phá thế giới, nhân cách của một con người được hình thành và phát triển. Câu hỏi được đặt ra là: “Nuôi dưỡng nhân cách, phát triển cá tính hay quy phạm xã hội quan trọng hơn?”. Với tác giả, cái cần được xác lập trước là các quy tắc. “Điệu bộ thời Edo” là một hình ảnh rất hay về cách đối xử tử tế – nghiêng ô một chút khi chào để tránh làm nhau ướt, thu gọn vai một chút khi ở trên tàu điện để không vướng víu, đứng dậy nhường ghế cho các cụ già và phụ nữ có thai, bảo vệ nguồn nước quý giá. Trước khi khám phá những chân trời của riêng mình, con cần hiểu, yêu và trân trọng những người xung quanh, thế giới xung quanh như vậy. 

Từ đó, tác giả bàn sâu hơn về những lựa chọn làm nên một nhân cách đẹp – giữ lời hứa, không nói xấu, không phân biệt đối xử, trân trọng mọi nghề nghiệp, yêu thương ngôn ngữ dân tộc, và đặc biệt, sống có trách nhiệm. Tôi nghĩ, mọi cha mẹ Việt đều cần đọc chương sách này, để thấy mình mạnh mẽ và để con “đương đầu” với hậu quả của mình nhiều hơn. Con ngã, là con chưa đi vững, không phải tại nền đất. Con làm vỡ cửa kính, là do con chưa nhìn kĩ, không phải tại “cha mẹ chưa kịp đưa con ra sân bóng”. Con bị điểm kém, tương tự, hoàn toàn không chỉ phải “cô giáo nó dạy rất tồi”.

Cho con tung cánh bay xa với cá tính và khát vọng của riêng mình 

Và rồi, tôi nghĩ bậc cha mẹ nào cũng đã từng đau đầu với hai chữ “dậy thì”. Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác bàng hoàng khi phát hiện con gái đã có “người yêu”. Cái hoảng hốt khi đọc đến chương “dạy con quy tắc đánh nhau” cũng vậy. Tôi không nhớ mình đã lo lắng đến như thế nào khi không gọi được cho con, khi mấy đứa ở trường đến tận đêm sinh hoạt câu lạc bộ. Tôi cũng sẽ không quên cảm giác hẫng hụt khi những dự định tôi vạch sẵn cho hành trình học tập của con bị gạt đi không thương tiếc. Thế hệ của tôi lớn lên trong cái nghèo, và đôi khi cả đói nữa. Thật tốn thời gian biết bao để làm quen với suy nghĩ rằng đam mê mới là thứ con muốn theo đuổi nhất. Nhưng đó là những gì chúng ta phải đối mặt. Tôi nghĩ, lời khuyên hay nhất, và cũng khó nhất, trong giai đoạn này, là “hãy chuẩn bị cho việc xa con”. Con nên được học cách sống tốt trong một cộng đồng, một cách độc lập và tự tin nhất.  

Nỗi lo âu của tuổi già 

Dù chưa trải qua giai đoạn này, nhưng những chương sách cuối – viết về những đứa con trưởng thành – lại là các trang viết đem đến nhiều xúc cảm nhất. Đâu đó là hình ảnh cha mẹ của chính mình, những “cụ già” tối ngày lo âu cho con cháu, lo cả cho sự “phiền nhiễu” của bản thân. Tôi hiểu một ngày nào đó đứa con bé bỏng cũng sẽ không cần đến mình nữa, mà chính mình mới tha thiết cần nó. Mariko đã viết như xoa dịu, để chúng ta, mở lòng đón nhận viễn cảnh ấy thật tự nhiên và nhẹ nhàng. Tôi cũng đã tin, chỉ cần mình có thể để lại một “DNA xã hội” tử tế – những kí ức đẹp về tình yêu và tri thức, mơ ước, lý tưởng và niềm tin – cho thế hệ sau, thì tất cả những lo lắng kia, không quá quan trọng nữa. 

Bởi lẽ, làm cha làm mẹ, điều hạnh phúc nhất là được thấy một phần sinh mệnh bản thân, bước vào cuộc sống, lớn lên, và tiếp tục lan toả những giá trị đẹp đẽ bền vững đến rất nhiều năm tháng về sau. 

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.